"Bao giờ cưới? Bao giờ có em bé?". Đó là những câu hỏi mà tôi và người yêu mình nhận được nhiều nhất, sau khi đã yêu nhau đến năm thứ 3.
Dĩ nhiên là, tôi thường tránh câu hỏi này một cách tối đa. Tôi không muốn trả lời cho xong một thời hạn, một deadline cho một việc mà tôi thậm chí còn chưa lên kế hoạch trong đầu.
Đám cưới và có con – đối với tôi – đó là một sự lựa chọn đến từ cả hai người. Bạn có thể lựa chọn thời điểm lấy nhau tuỳ theo sự tin tưởng và sẵn sàng. Đơn giản là bởi, bạn cần phải trải nghiệm hết cuộc sống độc thân trước khi quyết định lên xe hoa với ai đó và thật sự gắn bó với người ấy trong cả quãng đời còn lại với một em bé. Đám cưới là một quyết định trọng đại. Có con cũng vậy. Và với tôi, nó chính là việc xoay chuyển cuộc sống của bạn sang một hướng hoàn toàn khác, với những trách nhiệm vĩ đại - và nó cần sự sẵn sàng và dũng cảm đến từ cả hai người.
Tại sao lại vội ràng buộc cho một cuộc phiêu lưu to lớn như làm vợ chồng hay cha mẹ, trong khi rõ ràng ta vẫn có thể hưởng thụ và sống cho mình? Bạn vẫn yêu những kỳ nghỉ dài, yêu cảm giác thảnh thơi của cả hai mỗi khi thức dậy. Cuộc sống nhẹ nhàng, hạnh phúc như những tháng ngày trăng mật. Và bạn có quyền kéo dài nó cho đến khi nào bạn thấy đã đến lúc cần chuẩn bị chào đón một gia đình, với trọn vẹn những trách nhiệm lớn lao.
Dù vậy, bạn biết không, một khi bạn bước vào một mối quan hệ với sự đồng ý của cả hai bên gia đình, đám cưới và có con không phải là một lựa chọn, đó là một nghĩa vụ. Một nghĩa vụ có deadline rõ ràng. Thậm chí, lấy xong phải có em bé luôn. Việc sinh con ảnh hưởng đến vị trí của bạn và cả là sự tôn trọng của những thành viên khác trong gia đình tới bạn. Và thậm chí, nó ảnh hưởng đến sự sống còn trong cuộc mối quan hệ của hai người. Bởi, không sớm thì muộn, một người cũng sẽ phải đầu hàng trước những lời than thở của cha mẹ hai bên.
Vậy chẳng lẽ một người phụ nữ lại vô trách nhiệm đến mức không muốn có một gia đình hay sao? Cô ấy không yêu tiếng trẻ con hay sao? Chẳng lẽ cô ấy không hạnh phúc khi nhìn cái sinh linh bé bỏng đang nằm gọn trong vòng tay mình, thơm tho mùi sữa và mềm mại như một cục bông hay sao? Chẳng lẽ, viễn cảnh về những ngày cuối tuần cả gia đình đưa nhau đi chơi công viên, hay những buổi chiều bận bịu tan sở đón con không khiến cô ấy cảm thấy ấm áp hay sao?
Chắc chắn là có chứ. Ở một thời điểm nào đó trong mối quan hệ của mình – có thể sớm hoặc muộn – bạn sẽ cảm thấy một đám cưới, hay sự có mặt của một đứa trẻ là mảnh ghép hạnh phúc cuối cùng mình còn thiếu. Ở một thời điểm nào đó, bạn sẽ cảm thấy những chuyến đi dài dằng dặc trở nên vô nghĩa khi không có chồng con ở bên cạnh, hay niềm vui khi mua một chiếc túi mới không thể hạnh phúc bằng việc mua sắm cho em bé một tủ chật căng quần áo.
Nhưng hôn nhân không phải là chỉ nấu cho nhau ăn mỗi tối. Càng không có viễn cảnh chỉ đi làm và lấy tiền đi mua sắm hay du lịch. Làm bố mẹ cũng không phải là việc ôm một đứa trẻ đi ngủ là xong. Hình ảnh bận bịu bỉm sữa vất vả nhưng hạnh phúc không hoàn toàn đẹp đẽ như bạn vẫn nghĩ. Và tất nhiên, một đứa trẻ ra đời là một hình xăm thẳng lên khuôn mặt của bạn. Nó sẽ theo bạn suốt đời và kể từ giây phút ấy, bạn phải có trách nhiệm với nó không chỉ trong việc thay tã và cho ăn.
Mình đừng cưới, đừng sinh con mà cứ yêu nhau thôi được không?
Tôi nhớ ánh mắt buồn ngẩn ngơ của một cô bạn, khi không thể tham gia chuyến đi xa với chúng tôi vì vướng bận em bé ở nhà. Đó là một nỗi buồn giằng xé giữa mong muốn chân chính của bản thân và sự tội lỗi của một người mẹ. Cô ấy đã từng là một tâm hồn tự do và luôn biến mất vì những chuyến phiêu lưu xa xôi. Khi kết hôn, cô ấy buộc phải có em bé ngay sau đó nửa năm, một sự thoả hiệp để đổi lại cái nhìn dễ chịu từ bố mẹ chồng.
Tôi không thể phủ nhận là bản năng làm mẹ đã khiến người bạn của tôi sáng ngời thế nào khi ôm trên tay đứa trẻ và khoe với chúng tôi trong ngày đầu tiên chúng tôi vào bệnh viện thăm. Một sự tự hào và niềm hạnh phúc đích thực của người phụ nữ. Nhưng chuỗi ngày sau đó, tôi nhìn thấy ở cô ấy một sự nhẫn nhịn đến cùng cực. 2 tháng sau khi sinh, tôi thấy những cuống vé máy bay mà bạn tôi từng tự hào kẹp vào cuốn sổ nhỏ - đã bị xé vụn. Một lần ghé nhà bạn vào lúc giữa trưa, tôi thấy tiếng trẻ con khóc đến choáng váng và giữa căn nhà thơm tho mùi đồ gỗ, bạn tôi trở thành một hố sâu thăm thẳm của nỗi thống khố, với hai mắt ướt đẫm, sưng húp và bộ đồ xộc xệch. Tôi gần như không thể nhận ra người bạn tràn đầy sức sống của mình cách đấy vài năm, lẫn người phụ nữ hạnh phúc trong bệnh viện vào ngày mới sinh em bé.
Tôi biết rằng bạn của mình đã không sẵn sàng cho việc này. Cô ấy chưa sẵn sàng từ bỏ những chuyến phiêu lưu để gắn lên mình một trách nhiệm lớn lao sẽ theo cô ấy cả quãng đời sau này. Cô ấy vẫn sướng run lên mỗi khi nghĩ đến việc sẽ đi roadtrip quanh Bắc u trong 1 tháng và thậm chí đã lên kế hoạch đến Nepal theo học 1 khoá thiền 12 tuần – chỉ để rồi xé vụn đi khi nhận ra rằng – cha mẹ nào để con mình ở nhà với ông bà trong 12 tuần, chỉ để mẹ nó đến một vùng núi heo hút nào đó và ngồi thiền?
Nỗi sợ hãi khi nhìn thấy sự kìm kẹp trong chính bản thân bạn mình đã khiến tôi không ít lần nghĩ đến việc một đứa trẻ sẽ đảo lộn cuộc sống vốn đang rất dễ chịu của gia đình tôi thế nào? Tôi hoàn toàn chưa sẵn sàng cho việc sẽ từ bỏ những đêm dài thức trắng làm việc để ru con đi ngủ. Thậm chí suy nghĩ việc phải nghỉ thai kỳ trong 6 tháng sẽ khiến tôi bị bỏ xa lại đằng sau trong công việc cũng là một cơn ác mộng. Và trời ơi, liệu tôi đã sẵn sàng làm vợ, làm mẹ chưa khi tôi vẫn thích những chuyến đi xa miên man ngày cuối tuần hơn là ở nhà nấu một bữa linh đình vào trưa Chủ Nhật? Tôi vẫn thích những chiếc túi xinh đẹp và thường trộm nghĩ: "Nếu phải đổi chúng với tiền mua bỉm sữa, chắc chắn tôi sẽ rất đau lòng?".
Với từng đấy suy nghĩ như thế và cơn rùng mình mỗi khi nghĩ đến một đứa trẻ, tôi cảm thấy cơn tội lỗi trào dâng trong lồng ngực mình. Không phải là một cơn tội lỗi với người yêu của tôi khi đó. Mà đó là cơn tội lỗi với chính đứa trẻ thậm chí chưa ra đời. Tôi không thể bất công đến mức dành tình cảm cho gia đình của mình ít hơn những chuyến đi, và cảm thấy việc mua bỉm sữa cho em bé là một sự hy sinh bởi tôi phải đặt xuống những chiếc túi.
Tôi không phủ nhận đấy là một sự ích kỷ, nhưng khi ta chưa sẵn sàng cho đi, tại sao ta lại phải cố gắng chỉ để hoàn thành nghĩa vụ của mình?
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi ngược lại cho tôi, tại sao cứ yêu nhau mà không định lập gia đình, không muốn có em bé?
Tại sao lại không? Tại sao ta chỉ được phép ở bên cạnh nhau dài lâu khi lập gia đình và có em bé? Tôi tin vào những mối quan hệ lý tưởng, nơi hai con người cùng nhau trưởng thành. Tôi có thừa tình yêu thương cho người sẽ đồng hành cùng mình trong suốt cuộc đời, có thể sẵn sàng hy sinh nhiều thứ. Chúng tôi có một cuộc sống tuyệt đẹp và bình yên với những ngày dài nằm trên giường xem TV, những chuyến đi xa, những bữa cơm ngon lành buổi tối. Chúng tôi cùng cố gắng, trong cả công việc lẫn cuộc sống riêng tư. Có một tài khoản nho nhỏ với mong ước mua một chiếc ô tô đầu tiên. Chúng tôi cùng nuôi một chú chó và đang dần học cách chăm sóc một ai đó một cách nghiêm túc. Chúng tôi đang học cách xây dựng gia đình mỗi ngày nhưng cũng đồng thời giúp nhau giảm bớt đi những gánh nặng trách nhiệm.
Một mối quan hệ chưa hoàn hảo, nhưng nó trọn vẹn. Chúng tôi được quyền vấp ngã để tiếp tục lớn lên cùng nhau. Và cho đến một thời điểm nào đó, chúng tôi nhận ra rằng một đứa trẻ sẽ là điều tiếp theo khiến chúng tôi hạnh phúc và sẵn sàng hy sinh, cũng như thoải mái chấp nhận trách nhiệm đấy như một lẽ dĩ nhiên – thì khi đó, việc có em bé mới không là một bất công cho chính đứa trẻ ấy, và cho chính chúng tôi.
"Nhưng, sự xuất hiện của một em bé sẽ ràng buộc mối quan hệ này. Không sớm có con, nó sẽ đi với đứa khác đấy!"
Đó là một câu tôi hay được nghe mỗi khi tôi thể hiện sự chần chừ của mình về sinh đẻ hay hôn nhân. Nhưng tại sao lại phải có em bé – chỉ để thoả mãn cho việc ràng buộc lẫn nhau? Tại sao việc có em bé không xuất phát từ chính sự tin tưởng giữa cả hai người mà lại xuất phát từ nỗi lo sợ và sự hoài nghi? Tôi không tin vào những cuộc hôn nhân mà đứa trẻ xuất hiện như một chiếc phao cứu sinh cuối cùng. Tôi muốn những đứa con của mình được sinh ra với sự chào đón hạnh phúc, và niềm vui tột đỉnh về quãng đời hạnh phúc sau này, chứ không phải là cách cứu vãn một cuộc hôn nhân đang trên đà tan vỡ.
Tôi tin đây là một sự ích kỷ sáng suốt. Bởi bạn biết không, chúng ta không sống cho một lý luận hay một thời hạn nào. Chúng ta cũng không cần cố gắng đánh đổi cuộc sống của mình để níu kéo hay chứng tỏ. Bạn cần hạnh phúc, trước khi làm cuộc sống của cả gia đình hạnh phúc. Bạn cần sẵn sàng, để khiến cả gia đình nhỏ của mình sẵn sàng. Hãy kết hôn khi bạn thật sự muốn chứ không phải vì sự thúc ép. Hãy có con vì bạn và người ấy cảm thấy sẵn sàng, chứ không phải vì muốn níu kéo một mối quan hệ đã đổ vỡ.
Bởi cuối cùng, bạn đang sống cuộc đời của riêng mình, và trách nhiệm của bạn là làm thế nào cho nó thật trọn vẹn và hạnh phúc.
Bài viết: Mei
Minh họa:
Vũ Tuấn Anh
Theo Trí Thức Trẻ