Khi đọc sách mỗi người sẽ lĩnh hội được vô vàn tri thức nhân loại và rút ra được những bài học đáng quý cho cuộc sống bản thân. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển, sự cuốn hút của những tiện ích từ internet đã khiến không ít người thờ ơ với kho tàng tri thức vô giá của nhân loại ấy. Hãy cùng Nguoiduatin.vn lắng nghe những chia sẻ và lời khuyên của Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng (Cty CP Sách Thái Hà) về niềm đam mê với sách.
Hiện nay, không chỉ trẻ em Việt Nam lười đọc sách, chính các bậc cha mẹ cũng lười đọc sách. Một số người cả năm chả đọc được cuốn sách nào. Theo nghiên cứu của tôi, chúng ta cần 90 ngày quyết tâm để thay đổi các thói quen xấu. Việc đầu tiên tôi muốn để các bậc cha mẹ, ông bà, các lãnh đạo cơ quan doanh nghiệp hiểu rõ giá trị của sách và tri thức. Khi đã hiểu rồi họ tự tìm cách thay đổi, hay ít nhất sẽ tìm đến chúng tôi và các chuyên gia khác nhờ tư vấn giúp đỡ. Nếu khi các bậc cha mẹ ngộ ra rằng việc đọc sách để có tri thức cho mình và con cái mình là quan trọng họ sẽ lập tức đầu tư thời gian, tiền bạc, mối quan hệ,…
Điều quan trọng là cách lựa chọn sách. Khi có sách hay, có giá trị bạn đọc sẽ mê đọc sách và tự thay đổi cách nhìn cũng như thói quen. Từ đó hình thành dần tình yêu với sách.
Cần hiểu rõ giá trị của sách và tri thức
Trước đây, tôi tình cờ mượn được cuốn “Hai vạn dặm dưới biển” và đọc ngấu nghiến khi tôi mới học lớp 3 gì đó. Và tôi đã đốt nhà lần đầu tiên vì mải đọc sách khi đọc chính cuốn sách này! Tôi đã lấy thuyền trưởng Nê Mô lam mẫu hình và nguyện sẽ khám phá và khám phá. Cuốn sách này đã giúp tôi thâm nhập vào thế giới sách và ngày càng thấy việc đọc là quan trọng. Tất cả những thành công tôi có đến ngày hôm nay: kiến thức, học vị, quan hệ, tiền bạc, tâm hồn, cách sống,… là hoàn toàn nhờ sách. Không yêu sao được khi sách mang lại cho tôi quá nhiều thứ. Sách không phản bội ai bao giờ và tôi cũng nghĩ mình không thể bội bạc với sách.
Mỗi giai đoạn mỗi người sẽ có một cuốn sách gối đầu giường. Khi vào cấp 3 tôi mê “Thép đã tôi thế đấy”. Khi làm kinh doanh tôi đọc “Think and grow rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu” của Napoleon Hill. Cuốn sách thay đổi tư duy của tôi nhiều là cuốn “Năng đoạn kim cương” và “Tuần làm việc 4 giờ”. Gần đây 2 cuốn “Phụng sự để dẫn đầu” và “Trí óc, trái tim và khí phách” đã chỉ ra cho tôi con người của thế kỷ 21 phải sống như thế nào và phải làm gì.
Gần đây, sách ngoại đang lấn át sách Việt Nam. Tôi nghĩ là người Việt Nam chúng ta cần đọc sách văn học Việt, lịch sử Việt, nhưng quản trị kinh doanh thì nên đọc của phương tây. Thời gian gần đây chúng ta thiếu đi các tác giả viết tốt trong mọi lĩnh vực. Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà trong lĩnh vực văn học, thơ ca, lịch sử thì thật là đáng trách. Cũng may mắn rằng có 1 số tác giả vẫn được đón đọc và sách bán khá chạy cho ta một hy vọng và tương lai tươi sáng.
Gần đây chúng tôi đang xây dựng mô hình “Tủ sách gia đình”. Nếu như kế hoạch của chúng tôi thành công, tức đến năm 2020, 50% gia đình ở thành phố, 30% ở nông thôn và 15% ở vùng sâu vùng xa có tủ sách thì người người đọc sách, nhà nhà đọc sách. Khi đó chúng ta đã thành công ở phong trào “toàn dân đọc sách” như phong trước đây “toàn dân tập thể dục”. Mà nếu với số lượng tủ sách nhiều như vậy, các gia đình có thể mượn sách lẫn nhau, trao đổi sách để đọc thì số lượng kiến thức khổng lồ của nhân loại sẽ đến với từng con người của đất nước 90 triệu dân Việt Nam.
Khi đọc sách mọi người sẽ có bình an, có tri thức mà dùng loại tài sản này vào công việc và cuộc sống thì lợi ích lớn không kể xiết. Đơn giản như bà con nông dân đọc cách nuôi và chăm sóc gia cầm và động vật, các trồng và bảo quản rau quả, cách truyền thong và bán hàng thì tuyệt vời viết bao. Hay các em nhỏ sẽ học cách sống tốt, sống thiện, yêu quý lẫn nhau, giúp đỡ ông bà cha mẹ thì tuyệt vời quá chứ. Kiến thức và nhân cách sống cần được hình thành từ nhỏ, từ mỗi gia đình. Tôi nghĩ đến một xã hội Việt đầy tình thương yêu, bớt tệ nạn xã hội và kinh tế phát triển.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng (Cty CP Sách Thái Hà)