Xuất phát từ câu nói “mình thích thì mình vẽ thôi” mà anh chàng ca sĩ Sơn Tùng MTP trả lời trong một cuộc phỏng vấn nhanh về hình vẽ lạ trên mặt anh, ngay sau đó đã tạo ra một làn sóng yêu thích rồi chia sẻ rầm rộ. Từ đó hàng loạt các trạng thái kiểu “mình thích thì mình làm/ăn/chơi/nghe thôi…” xuất hiện từ khắp nơi từ mạng xã hội đến câu cửa miệng hàng ngày. Thậm chí gần đây nhất câu cửa miệng này còn được đưa vào bài hát của Hồ Ngọc Hà và đang tạo thành làn sóng trong giới trẻ.
Việc khán giả ùa theo, hào hứng với bài hát cũng không phải là điều gì đó quá khó hiểu khi ngôn ngữ đời thường được đưa vào lời bài hát. Sẽ không có gì đáng bàn khi đó chỉ một phong trào nhất thời và sẽ tắt ngay sau khi hết mốt. Tuy nhiên, nếu nhìn lại có lẽ nhiều người phải giật mình bởi những thông điệp nhảm, tuyên ngôn nhảm thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều. Sẽ nguy hại vô cùng khi những thông điệp nhảm này sẽ trở thành tuyên ngôn sống và nó sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của mỗi người, nhất là ở những người trẻ.
Trước bài hát “Mình thích thì mình yêu thôi”, âm nhạc Việt đã xuất hiện nhiều ca khúc gây tranh cãi như “Không quan tâm”, bài hát gây bão ở X- Factor, “Ô mai chuối”, "Vợ người ta", "Anh không đòi quà"… Những ca khúc này đều trở thành “hit” và đưa tên tuổi của người hát lên hàng sao.
Tuy nhiên, đã có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ lên tiếng thể hiện sự lo ngại về những ca từ nhảm nhí. Họ sợ rằng những ca khúc thế này sẽ càng kéo gu thẩm mỹ âm nhạc của khán giả ngày càng đi xuống. Chính Tùng Dương cũng từng gây bão khi tranh cãi về thông điệp của ca khúc "Không quan tâm" ngay trên sóng truyền hình trực tiếp.
Không phủ nhận các ca khúc có những độ hot nhất định và tạo ra những sắc màu mới cho âm nhạc Việt. Tuy nhiên, những bài hát có ca từ lảm nhảm này lại dần trở nên phổ biến và điều này khiến nhiều người lo ngại. Với những thông điệp kiểu như “Không quan tâm” rồi “Mình thích thì mình làm”, đang khiến giới trẻ có nguy cơ lệch lạc về nhận thức và hành động.
Âm nhạc là suối nguồn của văn hóa. Âm nhạc cũng là nơi dung dưỡng tâm hồn. Vậy nên, âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong ý thức và định hướng phát triển của xã hội. Trong lịch sử, đã có giai đoạn âm nhạc đóng vai trò định hướng hành động cho lớp lớp thanh niên lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài hát ấy đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, thật tiếc là thời gian gây đây thật khó có thể tìm thấy một nhạc sĩ, một ca khúc đủ “tầm” như vậy.
Âm nhạc ngày nay đã chuyển dần về tính giải trí đơn thuần, tuy nhiên, việc giải trí đơn thuần cũng cần có những giới hạn, mang lại niềm vui cho người nghe chứ không có nghĩa là được sử dụng những từ ngữ bừa bãi, nhảm nhí. Việc có quá nhiều thông điệp nhảm nhí gần như tạo ra những thói quen xấu cho người nghe. Có thể ban đầu chỉ là nghe cho vui, nhưng việc xuất hiện quá nhiều sẽ tác động đến nhận thức và hành động của thính giả. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm đối với những người trẻ, những người nhận thức chưa tới nơi. Những thông điệp “không quan tâm”, “mình thích thì mình yêu thôi”… sẽ tạo ta sự ích kỷ cho người trẻ, như thế thì thật nguy hiểm.
Trần Phương
* Bài viết thể hiện quan điểm của người viết