Sir Alex Ferguson là người nóng tính và bộc trực. Ông ghét ra mặt gã siêu cò Mino Raiola, vời tính từ “ghét” là quá lịch sự để mô tả. Khi được hỏi tại sao MU lại để cho Paul Pogba gia nhập Juventus vào năm 2012, vị chiến lược gia huyền thoại người Scotland trả lời: “Pogba? Cậu ta có một tên đại diện tồi. Hắn chẳng khác gì đống phân”.
Chỉ trong một câu, Sir Alex đã tóm gọn lượng vitriol ngày càng tăng khi nhắc đến Raiola. Nhiều nhân vật khả kính trong thế giới bóng đá sẽ đồng quan điểm với cựu HLV Manchester United. Tay đại diện gốc Ý khét tiếng là kẻ tham lam và tàn nhẫn.
Nhưng có một nghịch lý, Raiola ngày càng thành công trong thế giới bóng đá. Các nhà quản lý quyền lực dẫu căm ghét gã siêu cò này đến tận xương tủy vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt ngồi vào bàn đàm phán với gã. Đơn giản, gã nắm trong tay hàng tá sao số, những người xem Raiola như người thân trong nhà thay vì mối quan hệ thân chủ - người đại diện dựa trên luật pháp và tiền bạc. Đó là minh chứng cho tài năng của Raiola.
Tay lái buôn từ trong trứng nước
Sinh ra ở Salerno, Italia, mới 1 tuổi, Raiola cùng gia đình chuyển đến sinh sống ở Haarlem, một thành phố nhỏ tại Hà Lan, trong làn sóng di cư của người Ý vào cuối những năm 1960. Tại miền đất mới, gia đình Raiola mở tiệm bánh pizza có tên Napoli.
Cậu bé Raiola sớm giúp đỡ bố mẹ với các công việc dọn dẹp, rửa chén dĩa hay bồi bàn. “Cha tôi làm việc 18, đôi khi 20 tiếng mỗi ngày”, Raiola nhớ lại trong cuộc phỏng vấn với tạp chí tài chính danh tiếng Financial Times. “Trong công việc, ông ấy là người cực đoan. Khi 11 hay 12 tuổi, tôi đến vào việc cùng bố để hiểu ông ấy hơn. Ông ấy ở trong bếp, vậy tôi có thể làm gì? Tôi dọn dẹp và lau chùi”. Sự chăm chỉ ảnh hưởng từ bố được thể hiện rõ ràng trong suốt sự nghiệp sau này của Raiola.
Việc sớm tiếp xúc với môi trường kinh doanh giúp Raiola trau dồi được nhiều kỹ năng quý báu, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Những năm thác tương tác thường xuyên với thực khách của quán Napoli tạo cho Raiola phong thái tự tin và biến hóa. Ông cũng thành thạo cả hai thứ tiếng Italia và Hà Lan ngay từ khi còn nhỏ, và bây giờ có thể nói chuyện như người bản xứ bằng… 7 thứ tiếng.
Ngoài ra, từ khi bước sang tuổi thanh niên, Raiola đã được gia đình giao trọng trách giải quyết khiếu nại của khách hàng, làm việc với ngân hàng, thương thuyết với các bên cung cấp thực phẩm cho nhà hàng, những kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu cho mọi thương nhân. Một thần đồng kinh doanh như vậy ắt hẳn không khó để kiếm được công việc hấp dẫn ở các doanh nghiệp.
Chỉ có điều, Raiola lại là tín đồ nhiệt thành của túc cầu giáo. Năm 20 tuổi, gã bỏ học luật và đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật của đội bóng địa phương FC Haarlem, đội bóng gã từng tham gia học viện đào tạo trẻ nhưng sớm nhận ra bản thân không có tài năng chơi bóng.
Hãy để ý chi tiết, Raiola mới 20 tuổi đã giữ vị trí quản lý ở một CLB. Tại sao lại có sự thăng tiến thần tốc như vậy? Tất cả là nhờ sự hoạt ngôn của gã. “Chủ tịch CLB Haarlem đến dùng bữa cùng chúng tôi vào thứ Sáu hàng tuần”, gã nói. “Tôi luôn nói với lão rằng lão chẳng biết gì về bóng đá cả. Vì vậy, một ngày lão đến bên cạnh tôi và nói “nghe này, cậu hãy thử xem”,”. Thế là Raiola được bổ nhiệm làm giám đốc.
Raiola xây dựng những kế hoạch hoành tráng cùng sự quyết đoán đặc trưng, nhưng sự thể hiện ấy khiến những đồng sự khó chịu. Rất nhanh chóng, ông cảm thấy thất vọng với BLĐ Haarlem là quyết định từ nhiệm. Nhờ vậy, ông tập trung toàn bộ trí lực cho Intermezzo, công ty ông đã thành lập còn trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc kỹ thuật Haarlem và hoạt động trong lĩnh vực môi giới cầu thủ, chủ yếu hỗ trợ các CLB Hà Lan bán cầu thủ tại Italia. Thông qua Intermezzo, Raiola đã tạo điều kiện thuận lợi để Bryan Roy từ Ajax gia nhập Foggia, đồng thời lần đầu tiên trải nghiệm vai trò người đại diện.
Tên phản chủ và cái gai trong mắt bố già Moggi
Thành công trong thương vụ Bryan Roy đã trao cho Raiola cơ hội được làm việc dưới trướng Rob Jansen, ông trùm môi giới cầu thủ tại Hà Lan. Jansen đã đề nghị Raiola làm thông dịch viên cho thương vụ đình đám Dennis Bergkamp chuyển từ Ajax sang Inter Milan vào năm 1993.
Quá ấn tượng với hiệu suất làm việc của tay lái buôn gốc Napoli, ông trùm môi giới Hà Lan đã bổ nhiệm gã vào một vị trí quan trọng trong Promotion Sports, công ty môi giới của ông ta. Rất nhanh chóng, gã tự ý bỏ việc và mang theo hàng tá tài liệu quan trọng của công ty. Jansen vô cùng tức giận còn Raiola tỉnh bơ. Mặt dày là đức tính cần có với một siêu cò.
Trở lại chuyện Raiola làm đại diện cho Bryan Roy ở Foggia, tại đội bóng này gã xây dựng được hai mối quan hệ quan trọng nhất cuộc đời: vợ và HLV Zdenek Zeman, người dẫn dắt đội bóng Serie A lúc bấy giờ. Giữa Raiola và Zeman hình thành nên tình bạn thắm thiết và keo sơn bằng những buổi trò chuyện hàng giờ đồng hồ về bóng đá, trong đó cả hai đều rất tâm đắc về khao khát tìm thấy một “cầu thủ hoàn hảo”, người mạnh mẽ cả về kỹ năng lẫn tinh thần. Raiola nghĩ rằng cầu thủ như vậy chỉ có trong mộng tưởng – cho đến khi gã nhìn thấy Pavel Nedved.
“Điều duy nhất anh ta nghĩ về bản thân là anh ta không thể chơi bóng”, Raiola nói về huyền thoại người CH Séc. “Nhưng anh ta tập chuyện chăm chỉ hơn tất cả những cầu thủ còn lại”. Nedved cuối cùng sẽ trở thành thân chủ lừng lẫy đầu tiên của Raiola, nhưng trước tiên gã đã xúi giục Nedved gia nhập Lazio, đội bóng Zeman mới đến dẫn dắt.
Việc Raiola công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Nedved là đặc điểm hiện hữu trong suốt sự nghiệp của gã. Sở thích của từng cầu thủ thân chủ là mối quan tâm thực sự của tay môi giới bị xem là kẻ yêu bản thân quá mức. Thực tế, Raiola luôn cố gắng chăm sóc và đem về lợi ích cao nhất có thể cho các thân chủ, yếu tố giúp gã trở thành lựa chọn đáng tin cậy của vô khối ngôi sao hàng đầu.
“Bà mẹ… Bạn có thể viết cả cuốn sách về chuyện này”, Raiola luôn nói như vậy mỗi khi đề cập tới vụ chuyển nhượng Nedved tới Juventus vào năm 2001. Tiền vệ người Séc đang hạnh phúc tại thành Roma, tận hưởng cuộc sống gia đình và hài lòng với phong độ trong màu áo Lazio. “Khép kín và khác biệt”, đó là cách Raiola mô tả về Nedved. “Bóng đá nhiều ý nghĩa với anh ta hơn tiền bạc”. Tuy nhiên, bóng đá và tiền bạc, cái nào ý nghĩa hơn với Raiola thì chưa biết.
Bằng những lời tâm tình đôi lúc khẩn nài, đôi lúc răn đe, rốt cuộc Raiola cũng thuyết phục được Nedved bí mật bay đến Turin để bắt đầu đàm phán. Khi máy bay hạ cánh, câu chuyện không còn bí mật. Luciano Moggi, Giám đốc kỹ thuật Juventus đã cho chụp ảnh Nedved và tay đại diện xuất hiện tại sân bay Turin, sau đó cung cấp cho báo chí. Ngôi sao người Séc không còn cơ hội trở lại Lazio.
Đòn “bắn tỉa” quỷ quyệt của Moggi là hành động vừa răn đe vừa đáp trả Raiola, kẻ từng làm bẽ mặt bố già của bóng đá Italia hơn 10 năm về trước. Đó là những năm đầu thập niên 1990, Raiola khi ấy mới bước qua 20 đang nỗ lực chen chân vào thế giới khốc liệt của những tay đại diện cầu thủ.
Gã lên lịch hẹn với Moggi, khi đó là giám đốc kỹ thuật của Torino, vào lúc 11 giờ sáng, và đến sớm 15 phút. Gã được đón chào vào một căn phòng chật kín người và nhận thông báo tất cả đều đang chờ Moggi. Raiola không đủ kiên nhẫn và lập tức bỏ đi. Không lâu sau, gã đại diện cầu thủ trẻ tuổi bắt gặp người đàn ông quyền lực bậc nhất của bóng đá Italia đang ăn trưa tại một nhà hàng nổi tiếng.
Raiola đến gần và nói: “Ông có phải Moggi không?”.
“Phải!” – Moggi đáp ráo hoảnh.
“Tôi thấy thật bất lịch sự khi ông bắt tôi phải đợi”, Raiola vỗ mặt.
“Cậu là ai” – Moggi hỏi.
“Tôi là Raiola”.
“Ồ, cậu là Raiola. Nếu cậu khó chịu với tôi như vậy, cậu sẽ không bao giờ bán được cầu thủ nào ở Ý”, Moggi cảnh cáo.
Trở lại với thương vụ Nedved, tưởng chừng đòn “tiên phát chế nhân” giúp Juve và Moggi ở thế cửa trên trên bàn đàm phán, nhưng Raiola tỏ ra không phải là người dễ bắt nạt. “Tôi muốn Nedved kiếm nhiều tiền hơn Zidane ở Real Madrid”, gã nói với vị giám đốc quyền lực của Juve. Moggi cười nhạo đề xuất của gã nhưng điều cốt yếu là Nedved tin tưởng tuyệt đối ở Raiola, tiền vệ người Séc đặt bút ký vào một bản hợp đồng chưa điền bất kỳ con số nào và nói: “Mino, bây giờ tớ về nhà và sáng mai, cậu cho tớ biết tớ khoác áo Juve hay Lazio nhé. Cậu là người đại diện của tớ đấy!”.
BLĐ Juve choáng váng và đồng ý với những điều kiện Raiola đưa ra. Gã kể lại: “Họ nói: “Thôi được, chúng tôi sẽ cung cấp cho anh ta X”. Nhưng tôi đáp: “Không, tôi thay đổi quyết định rồi, tôi không muốn X nữa, tôi muốn Y (Y>X - PV). “Mày thật điên rồ”, họ phản hồi. Và cuộc chiến bắt đầu”. Hôm sau, Juve chấp nhận yêu sách mới của Raiola, Nedved gia nhập Juventus.
“Ông Bụt” của những ngôi sao bóng đá
Những ngôi sao bóng đá bất quá là những đứa trẻ có tài năng. Họ chỉ mới đôi mươi khi sự nghiệp cất cánh và không thể nào kiểm soát được giá trị khổng lồ bản thân mang đến. Người đại diện chính là gương mặt thay họ kiểm soát giá trị ấy bằng những bản hợp đồng hậu hĩnh nhất có thể. Và trong số những người đại diện, Mino Raiola là một trong những người giỏi nhất.
Sau thương vụ Nedved, Raiola trở thành đại diện của hàng loạt ngôi sao hàng đầu. Từ Mario Balotelli, Zlatan Ibrahimovic, Paul Pogba, Romelu Lukaku, Gianluigi Donnarumma, Matthijs de Ligt cho đến Erling Haaland. Tuy nhiên, gã chưa bao giờ xuất hiện trong hình ảnh bảnh bao như một tay buôn hàng đa cấp. Gã mập, lùn, cơ miệng hoạt động liên tục, không nhai nhồm nhoàm thì nói liến thoắng.
Ibrahimovic đầy kiêu hãnh vĩ Raiola như một gã lập dị phũ mồm. Gã dạy cho Zlatan biết thế nào giá trị thực trong bóng đá. Đó không phải là một siêu phẩm độc diễn hay những chiếc siêu xe. Giá trị đối với một tiền đạo nằm ở số lượng bàn thắng. “Số liệu thống kê của mày như rác ấy”, gã chửi thẳng mặt Ibra trong lần đầu tiếp xúc. Nhờ vậy, Ibra tỉnh ngộ và lao vào tập luyện để cải thiện. Còn Raiola, ông biến tiền đạo người Thụy Điển trở thành cầu thủ có tổng giá trị chuyển nhượng cao bậc nhất lịch sử túc cầu, với con số 131 triệu euro để gia nhập Barcelona, Inter Milan và Paris Saint-Germain.
Nhưng tiền chỉ là bề nổi trong mối quan hệ với thân chủ do Raiola xây dựng. Với gã, cầu thủ như một đứa trẻ cần chăm sóc và bảo bọc. Balotelli là ví dụ. Tài năng của tiền đạo này là miễn bàn, nhưng tính cách ngổ ngáo đã khiến anh vĩnh viễn không vươn tới tầm vóc đáng có. “Nếu Mario Balotelli có được cái đầu của Zlatan Ibrahimović , thì Lionel Messi sẽ có ít giải thưởng Quả bóng vàng hơn,” Raiola luyến tiếc.
Nhưng gã lái buôn giảo hoạt này không hề bỏ rơi Balotelli. Ngày nhà Balotelli bị cháy, trong cơn hoảng loạn, người đầu tiên tiền đạo này nhấc máy điện thoại liên lạc là Raiola chứ không phải cảnh sát chữa cháy. Đó là minh chứng cho mối thâm giao giữa hai người.
Hoặc như câu chuyện chia tay MU của Pogba. Raiola nhận thấy tiềm năng to lớn của tiền vệ người Pháp và nói với tài năng trẻ này rằng anh “bị trả lương quá thấp”. Pogba đòi ra đi và Ferguson giận tím mặt. Một cuộc gặp được tổ chức giữa HLV MU với Raiola và Pogba. Tiền vệ người Pháp nói với người đại diện rằng anh không đồng ý đề xuất MU đưa ra. Ferguson quay sang Raiola và nói: “Chúng mày đúng là kẻ tung, người hứng”.
Ferguson ghét Raiola. Moggi ghét Raiola. Rất nhiều nhân vật quyền lực và khả kính khác ghét Raiola. Nhưng những ngôi sao bóng đá thì coi gã như ông Bụt trong chuyện cổ tích, người luôn xuất hiện đúng lúc cùng những phép màu mỗi khi họ gặp khó khăn. Raiola cũng chỉ cần có thế để lũng đoạn cả thị trường chuyển nhượng bóng đá.