Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đồng Nai vừa ra quyết định tạm đình chỉ 7 DN, cơ sở vi phạm trong sản xuất nước uống tinh khiết trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 2 DN bị đình chỉ không thời hạn vì có nhiều vi phạm.
Sản xuất thủ công
Trong vai người cần tìm nguồn hàng giá rẻ để mở đại lý nước tinh khiết, chúng tôi đến cơ sở L.tại phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa). Với quy mô sản xuất khoảng 200 bình nước/ngày, nhưng cơ sở này chỉ có... một nhân công. Người chủ cơ sở kiêm nhiệm mọi công việc, từ khâu sản xuất đến đi giao hàng. Nơi sản xuất gói gọn trong căn phòng nhỏ khoảng 50m2, phân ra 2 khu vực, một bên đặt hệ thống máy lọc nước, một bên là khu vực súc rửa bình, rót nước vào bình kiêm kho chứa hàng với nền gạch xâm xấp nước. Hoạt động sản xuất từ khâu súc rửa bình, rót nước, đóng thùng, dán nhãn... đều bằng thủ công. Các van xả của bình nước bị vứt lăn lóc trên nền đất, nơi tẩy rửa là sàn nước có đặt một chiếc chậu nhôm móp méo, chứa một lớp nước xà bông đầy cặn bẩn.
Một cơ sở sản xuất nước thủ công tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).
Ông chủ cơ sở này cho biết: “Giá bỏ mối là 5.600 đồng/bình 20 lít, giao hàng tận nơi. Giờ quá nhiều cơ sở sản xuất nên mình phải lấy công làm lời để có giá rẻ mới cạnh tranh được”. Điều đáng lo ngại nhất, đây là khu vực tập trung nhiều bãi rác gây ô nhiễm môi trường, nhưng cơ sở này lại sử dụng nguồn nước giếng khoan để sản xuất nước tinh khiết. Nhìn vào thực tế sản xuất, chất lượng nước ở đây khó mà đảm bảo.
Tìm đến Công ty sản xuất nước tinh khiết LT. tại phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa, tuy quy mô sản xuất lớn gấp nhiều lần cơ sở nói trên, nhưng quy trình sản xuất vẫn theo kiểu thủ công. Toàn bộ hoạt động sản xuất tập trung trong căn nhà cấp 4 nằm giữa khu dân cư. Không gian trong nhà vô cùng chật chội, người ra vào phải len lỏi giữa các dãy bình nước và đống vỏ bình vất la liệt khắp nơi trên mặt sàn ướt nhẹp. Giá bỏ mối nước ở đây có mức 7.600 đồng/bình 20 lít.
Chất lượng bỏ ngỏ
Theo một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực cung cấp hệ thống lọc nước ở TP.Biên Hòa, thực tế nhiều cơ sở sản xuất nước tinh khiết sử dụng nguồn nước từ các giếng khoan mà chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về khai thác nguồn nước ngầm. Trong khi đó, việc sử dụng nguồn nước này phải được cấp phép, nhất là vấn đề đánh giá chất lượng nguồn nước, không chỉ ở nơi khoan giếng, mà môi trường xung quanh cũng cần được xem xét như có nằm cạnh nghĩa trang, bãi rác... Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là chế độ bảo trì hệ thống xử lý nước. Lấy ví dụ cụ thể, hệ thống lọc sau một thời gian hoạt động nếu không được bảo trì, làm sạch thì có thể trở thành nguồn gây nhiễm vi khuẩn cho nước. Thực tế, nhiều cơ sở sản xuất không tuân thủ đúng chế độ bảo trì vì chi phí cho khâu này khá cao
Bác sĩ Nguyễn Đình Bình, chi cục trưởng Chi cục ATVSTP nhận xét, nước uống không đảm bảo an toàn vệ sinh gây tác hại rất lớn với sức khỏe cộng đồng, nhất là nước bị nhiễm vi khuẩn độc hại có thể gây dịch hàng loạt. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 DN, cơ sở sản xuất nước đóng chai có đăng ký, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo kiểu thủ công. Nơi sản xuất thường tận dụng mặt bằng nhà ở, nhiều nơi đã xuống cấp. Nguy cơ chất lượng nước tinh khiết không đảm bảo vệ sinh, an toàn là rất lớn, vì ngay chính những chủ cơ sở này cũng chưa nắm rõ quy định của nhà nước về quy trình sản xuất nhằm đảm bảo vấn đề vệ sinh, an toàn.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Bình, hiện Chi cục đang tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về nội dung Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 với nhiều quy định mới xử phạt vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo nghị định này, những quy định trong sản xuất, kinh doanh ngành hàng nước đóng chai khắt khe hơn, mức xử phạt cũng cao hơn nhiều lần so với quy định cũ. Trong đó, các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm sẽ bị công khai rộng rãi lên các phương tiện thông tin truyền thông để người tiêu dùng biết. Theo kết quả kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai trong những tháng đầu năm 2013, trong 26 DN, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai được kiểm tra có 12 đơn vị vi phạm (tỷ lệ trên 46%). Tại 12 DN, cơ sở trên, lực lượng kiểm tra phát hiện đến 42 lỗi vi phạm, gồm: không kiểm nghiệm định kỳ và công bố hợp quy; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; không đảm bảo về điều kiện con người, điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ... Kết quả kiểm nghiệm của 22 mẫu nước đóng chai đã phát hiện 2 mẫu không đạt về hóa lý, 14 mẫu không đạt về vi sinh. Trong đó, những mẫu không đạt về vi sinh chủ yếu là vượt quá chỉ tiêu các loại vi khuẩn về đường ruột và trực khuẩn mủ xanh. |
Theo Đồng Nai Online