Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020. Trong đó, có giải pháp đáng chú ý là Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số trục chính đủ điều kiện.
Trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp này sẽ lại giống như buýt nhanh BRT và không khả thi. Để có cái nhìn khách quan, đa chiều, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến từ TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội.
Thưa TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số trục chính đủ điều kiện, cá nhân ông đánh giá thế nào về giải pháp này? Liệu có khả thi?
Thứ nhất, việc dành đường cho xe buýt thế giới đã làm, Hà Nội cũng đã làm nhưng không thành công.
Đánh giá thành công hay không là ở số lượng xe đi được bao nhiêu? Người đi trên xe bao nhiêu? Vì vậy, tuyến Nguyễn Trãi trước đây là thất bại.
Thứ hai, hiện nay phương tiện cá nhân tăng lên quá nhiều, ô tô hơn 70 vạn xe, xe máy 5,5 triệu xe… Hay nói cách khác, hạ tầng yếu kém, giao thông công cộng không phát triển nên người dân phải mua xe để đi. Hiện nay, vỉa hè không thoáng, đường chật, các cửa ngõ thành phố rất ùn tắc, các ngã tư chật chội… Vì vậy, nếu còn dành một làn đường riêng cho xe buýt nữa thì sự ùn tắc sẽ càng tăng gấp bội.
Thứ ba, Hà Nội đưa ra một số trục chính đủ điều kiện, vậy thế nào là đủ điều kiện? Tôi cho rằng, đủ điều kiện là đường phải có 4-6 làn xe trở lên, đường phải rộng và đủ chỗ cho một tuyến xe buýt chạy riêng. Những làn đường bên cạnh vẫn có đủ không gian cho các phương tiện khác, không gây ùn tắc.
Tiếp đó, các tuyến xe buýt phải được người dân đi nhiều, ít nhất trên xe phải có 60-70% người trở lên, giờ cao điểm 80-90%, như vậy mới có thể tổ chức làn đường riêng.
Một điều kiện nữa, phải 5 phút một chuyến trong giờ cao điểm, 10 phút trong giờ thấp điểm. Còn nếu dành riêng một đường như đường BRT mà trống trải như vậy rất lãng phí không gian, trong khi đó đường bên cạnh lại ùn tắc.
Vậy theo ông, có nhất thiết phải triển khai đồng loạt đường riêng cho xe buýt trên các trục chính đủ điều kiện?
Theo tôi, phải chọn tuyến nào đó đủ điều kiện như: Tuyến đường Xuân Thuỷ hoặc tuyến đường xe chạy liên tục trong giờ cao điểm để chở khách… Nhưng, điều kiện cần đó là hạ tầng phải đảm bảo, còn đường chật chội thì không thể để làn đường riêng cho xe buýt được. Phải có điều kiện cần và đủ mới tổ chức được đường xe buýt riêng.
Còn nếu như giải pháp hiện nay đưa ra, tôi cho rằng ùn tắc sẽ tăng lên, hiệu quả sẽ thấp. Cần phải có lộ trình, từng bước, từng bước. Trong năm nay có thể làm được 2 tuyến thấy có kết quả thì sang năm tăng lên, còn không thấy có kết quả phải dừng lại, chứ không làm một lúc 5-6 tuyến thì cảnh ùn tắc sẽ càng tăng, gây khó khăn cho người đi lại.
Nói như ông, có phải nếu không nghiên cứu kỹ làn đường riêng cho xe buýt sẽ giống như bài học của tuyến BRT?
Đúng vậy. Phải nhớ rằng buýt nhanh BRT chỉ có một tuyến thôi, còn làn riêng cho xe buýt là 5-6 tuyến, nên ùn tắc sẽ gấp đôi, gấp 3 lần chứ không chỉ như BRT.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương tiện giao thông công cộng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều người không mặn mà với xe buýt… Vậy, cần phải có bài toán gì để giải quyết vấn đề này thưa ông?
Tôi cho rằng, đầu tiên xe buýt phải chạy đúng giờ, thái độ phục vụ phải tốt. Lấy ví dụ ngay chính bản thân tôi, vừa rồi tôi có đi xe buýt và bị chính phụ xe tăng giá. Khi tôi hỏi tại sao lại bán vé đắt vậy, được phụ xe giải thích đây là xe tư nhân… Chưa kể, tôi lên xe có hỏi mấy lần nhưng lái xe đều không trả lời, như vậy có thể thấy thái độ phục vụ kém, ai muốn đi xe buýt?
Thêm nữa, tiện nghi trong xe không ổn, tiếng ồn… dẫn đến việc người dân không mặn mà với xe buýt. Trong khi người dân chưa mặn mà, lại đi làm đường riêng có hợp lý? Tôi cho rằng, đường riêng không phải tiêu chuẩn chính, mà cái chính là kết nối các phương tiện khác sau khi đi xe buýt xong người dân sẽ đi bằng phương tiện gì, cộng thêm là phải cải thiện thái độ phục vụ… Vì thế, chưa nên quá ưu tiên cho xe buýt trong thời điểm hiện nay.
Trước khi làm ưu tiên, cần phải có sự cải tiến, nâng cấp lên ít nhất 20-25% người dân đi xe buýt mới dành đường ưu tiện được. Còn như hiện nay có khoảng 10% người dân đi xe buýt thì không ổn.
Cần nâng cao chất lượng của giao thông công cộng, phải cải tiến xe để người dân thấy mặn mà với xe buýt.
Xin cảm ơn ông!