Mỗi lần chuẩn bị đi xa cho những vụ bào chữa chỉ định cho người chưa thành niên phạm tội là mỗi lần có cảm giác lo lo. Lo vì hầu như những nơi sắp đến là những vùng sâu, vùng xa rừng núi heo hút và chưa một lần đặt chân đến. Một cảm giác của trách nhiệm mà mình sẽ phải gánh vác trong nay mai đối với số phận pháp lý của những đứa trẻ chưa thành niên phạm tội, những người dân tộc ít người lâm vào vòng lao lý.
Những đứa trẻ Stiêng trong ngày vui. Ảnh không liên quan đến bài viết. Nguồn ảnh: Đất Việt
Lần này, sau khi hỏi đồng nghiệp về vùng đất Bù Gia Mập, tôi cặn kẽ đường đi, chuyến vận chuyển, thời gian lưu trú thậm chí ở đó có thể nghỉ qua đêm trong trường hợp nhỡ chuyến xe đò về thành phố. Chuẩn bị vác ba lô lên đường thẳng tiến về Bến xe Miền Đông cho chuyến hành trình khoảng 4 tiếng đồng hồ. Do chưa đến nơi này bao giờ, nên phải đi từ chiều hôm trước để sáng hôm sau có mặt đúng giờ tại Tòa án huyện theo giấy mời. Chiếc xe đò tuyến Phước Long lờ đờ đón khách sau khi ra khỏi bến. Tiếng thắng gấp của bác tài tấp vào lề đường để đón nốt những người khách cuối, mặc dù trên xe không còn chỗ để mà chen chân.
Ngồi trên xe mà cảm giác đang đi…tàu bay, lượn lờ cho tới chiều tối, gần 7 giờ mới tới được bến xe Phước Long, cái cảm giác se se lạnh đặc trưng của miền núi, cảm giác hơi cô đơn vì chẳng có ai cùng bạn đường. Bước xuống xe đứng tần ngần đoán xem ở đâu có nơi nghỉ chân qua đêm, vài ba ngọn đèn điện vàng vọt, cũng tìm được một quán trọ, thôi thì cũng an tâm không phải …ngủ nhờ nhà dân.
Chắc là thấy luật sư có vẻ…người thành phố nên chủ trọ tìm cách tận dụng sự…chặt chém. Thấy tôi hỏi đường về huyện Bù Gia Mập, họ cùng liếc nhìn nhau như có…"ám hiệu”. Hiểu ý, một bà giúp việc nhăn nhó: “Xa lắm! Phải gần 6, 7 chục cây số lận”. Cười thầm trong bụng vì trước khi đi đã kiểm tra khoảng cách từ Phước Long về BGM khoảng 25 cây đi đường tắt. À! Thì ra họ sợ nói đường gần thì mình sẽ lên đường mà không ở lại trọ, sẽ mất…mối ngon.
Nhận phòng, quả thật, chẳng dám chợp mắt. Trên sàn nhà vứt đầy tàn thuốc, chiếu mền còn vứt lung
Luật sư Trần Văn Hợp: "Giờ nghị án, người nhà tràn vào phòng xử, người thì đưa ổ bánh mỳ, kẻ thì châm vội điếu thuốc lá, trong đó có bị cáo đầu vụ đã thành niên, có vợ và con nhỏ cũng có mặt. Vợ mang đứa con gái đầu lòng cho bị cáo được nhìn con, con bé thấy người là liền khóc thét lên, vùng vẫy không chịu cho ba nó bế. Chắc là bị tạm giam lâu ngày nên con bé không còn nhớ mặt cha nó. Cha nó mếu máo, mẹ nó thì thào không nên lời, ông nó đang ráng cười với hàm răng đen đang nhai thuốc lá ngồm ngoàm" |
tung. Có được một cái quạt treo tường chỉ đứng yên một chỗ. Muỗi bay như “trực thăng vận”. Nằm gác tay trên trán mà nghĩ bâng quơ, chẳng may, tên đầu trộm đuôi cướp nào đó thấy có đối tượng tương đối sạch sẽ, tay xách nách mang lại lẻn vào phòng chơi cho một nhát thì có mà oan. Bởi ngoài tài liệu ra thì có được vài trăm nghìn vừa đủ cho chi phí đi lại, ăn ở chứ giàu có gì cho cam!
Vừa tờ mờ sáng, vội vã cuốn chăn, trả tiền phòng rồi dạo thử một vòng tìm phương tiện rẻ nhất, tin cậy nhất. Tới bến xe, kéo ghế nhựa kêu một ly cà phê ngồi quan sát tình hình. Quả thật, sau một đêm chập chờn, hớp một ngụm cà phê đắng ngắt, hít một hơi cái vị rừng rú thì sảng khoái vô cùng. Rít liên hồi hai điếu thuốc lá, làm một ngụm trà chan chát. Tỉnh hẳn.
Anh chàng xe ôm đi qua đi lại, dáng bộ nhanh nhảu cười làm quen. Hắn lân la: - Anh đi đâu em chở, giá hữu nghị thôi. Bù Gia Mập, tôi nói, bi nhiêu? "Dạ năm chục", hắn cười thăm dò. Thôi hơi cao nhưng chẳng sao.
Đến tòa gần 8 giờ sáng mà chẳng thấy bóng dáng một cán bộ nào. Nhìn quanh cũng chẳng thấy quán xá nào để dùng tạm buổi sáng để chờ gặp thẩm phán thụ lý vụ án. Gần 9 giờ mới thấy các quan tòa cùng quan viện, quan THADS, cùng một khu nhà lụp xụp, tận dụng của cơ sở khám chữa bệnh, vì mới tách huyện nên chưa có cơ sở khang trang.
Thấy có người lạ đang ngồi, chánh án huyện liền gọi “lính” đến hỏi, biết là luật sư bào chữa chỉ định cho bị cáo chuẩn bị xử hôm nay thì ông mới xởi lởi mời vào uống nước lá. Bụng bắt đầu kêu lục bục, uống một hớp nước lá rừng ngòn ngọt, chan chát, nóng hổi thì quả thật không thể chê vào đâu được. Có lẽ đây cũng là đặc sản vùng rừng đây.
Ngồi chờ dài cổ vẫn chưa thấy chiếc xe chở phạm nào chạy tới. Kiểu này chắc chiều phải ở lại thêm một đêm nữa đây. Rồi gần cả trăm người đèo bồng, chạy xe máy ầm ĩ vào sân trụ sở tòa án, họ là những người dân tộc Stiêng, thân nhân của bị cáo trong vụ án cướp tài sản. Tiếng người già dùng thổ ngữ, tiếng trẻ con la hét vang cả góc sân. Xe chở can phạm vừa trờ tới, trời cũng gần trưa. Tất cả HĐXX, công tố, luật sư, can phạm ngồi trong một phòng xử ghép tạm bằng tôn, vài ba băng ghế dài cho người dự khán, may mà luật sư cũng được trang bị cho một bàn gỗ từ thời…bao cấp để ngồi hành sự.
Cãi cọ một hồi, bụng thì đói tay thì run. Nhưng cảm giác thương cho những bị cáo còn nhỏ tuổi đang đứng run rẩy trước vành móng ngựa, thậm chí chúng vẫn còn chưa hiểu tại sao lại phải đứng đó, trả lời những câu hỏi chẳng đầu chẳng đuôi, bởi tiếng Việt của chúng vẫn còn…hạn chế.
Giờ nghị án, người nhà tràn vào phòng xử, người thì đưa ổ bánh mỳ, kẻ thì châm vội điếu thuốc lá, trong đó có bị cáo đầu vụ đã thành niên, có vợ và con nhỏ cũng có mặt. Vợ mang đứa con gái đầu lòng cho bị cáo được nhìn con, con bé thấy người là liền khóc thét lên, vùng vẫy không chịu cho ba nó bế. Chắc là bị tạm giam lâu ngày nên con bé không còn nhớ mặt cha nó. Cha nó mếu máo, mẹ nó thì thào không nên lời, ông nó đang ráng cười với hàm răng đen đang nhai thuốc lá ngồm ngoàm.
Gần 12 giờ trưa, bản án mới được tuyên, các bị cáo đều bị tù giam mặc dù luật sư đã tìm mọi cách để xin giảm nhẹ cho họ. Đã cố gắng hết sức (cả tinh thần lẫn thể xác).
Mọi người lục tục kéo nhau về, luật sư đang đứng bơ vơ tìm xem có bác xe ôm nào để quay ngược về Phước Long. May sao, khi đi bác xe ôm có cho số điện thoại, dặn khi nào gần xong thì nhá máy để quay lại đón về. Thế là lại đứng chờ gần 20 phút mới bắt đầu chuyến hành trình trở về.
Lại cọc cạch gần 4 giờ đồng hồ, lắc lư ngủ gà ngủ gật mới tới được thành phố. Vừa mừng, vừa có cảm giác trút bỏ. Nhẹ nhõm thở phào, leo lên ghế salon tại văn phòng làm một giấc tới khuya, trong giấc mơ vẫn thấy núi rừng, những đám mây muối vờn quanh các đỉnh núi vẫn thấy những nụ cười với hàm răng…đen ngòm.
Bù Gia Mập, 07/10/2010
Luật sư Trần Văn Hợp
(Công ty Luật hợp danh Hợp Luật - Đoàn Luật sư Tp.HCM)
Phối hợp đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty dịch vụ tư vấn Ka Long , địa chỉ: Phòng 3012 Tầng 3 Tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội; Tel: 04. 62513999 - Fax: 04. 62513999 - Hotline: 0903. 255 339 - Email: hanoi@klc.vn - Website : http://klc.vn |