Làng Kẻ Xồng và giai thoại về đền thiêng ông Cả
Tương truyền, ngày xa xưa, dân xóm Kẻ Xồng (nay gọi là xóm Yên Hòa) sống bao quanh mó nước Xanh này. Dân trong làng đến 95% là đồng bào Thổ. Người dân sống chủ yếu bám vào đồng ruộng và núi rừng. Cuộc sống của bà con trong bản cứ bình dị trôi qua cho đến một ngày giữa năm 1959, khi dân bản được kêu gọi đi làm thủy lợi ở dưới cánh đồng thuộc xóm Hồng Sơn thì có biến cố xảy ra. Hôm đó, bà Nguyễn Thị Định là người ra về sớm nhất. Khi vừa về đến nhà, bà Định nhóm lửa nấu cám lợn. Do sơ ý, bà để ngọn lửa dưới bếp bùng lên rồi cháy lan ra xung quanh. Chỉ trong chốc lát, làng Kẻ Xồng chìm trong biển lửa. Sau vụ hỏa hoạn đó, chính quyền đã vận động người dân di cư về địa phận xóm Yên Hòa (cách vị trí làng cũ khoảng 2km) để lập làng bản mới.
Tổ hợp 3 cây đa cổ thụ bên cạnh mó nước vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ.
Cùng với ngôi làng Kẻ Xồng ngày đó, bên cạnh mó nước Xanh còn có ngôi đền thờ ông Cả Xồng (người dân nơi đây còn gọi là đền ông Cả). Được biết, ông Cả Xồng là người đứng đầu làng Xồng hồi đó. Tuy nhiên, ông này có thói quen rất xấu, đó là chuyên đi ăn trộm đồ của người trong làng. Bực mình với đứa con trai ngỗ ngược và không chịu được những lời dị nghị, xa lánh của người dân trong làng, mẹ ông cả Xồng đã đưa con trai ra dốc Kè rồi đẩy con xuống. Cái chết của ông Cả Xồng dưới dốc Kè đã làm người dân sống trong làng thương cảm. Mọi người họp nhau lại để xây dựng đền để thờ cúng ông. Đền ông Cả Xồng có từ ngày đó. Hàng tháng, vào ngày rằm hay mùng một, người dân nơi đây đều mang đầy đủ lễ vật ra đền cúng bái. Ông Nguyễn Châu Tuấn (71 tuổi), người sinh ra từ khi còn tồn tại bản Kẻ Xồng cho hay: "Ngôi đền ông Cả Xồng linh thiêng lắm, không ai dám hái cây bẻ cành hay có hành động thô tục gần đền cả".
Vì lý do đó nên cây cối xung quanh ngôi đền um tùm bao kín, chỉ có người hành hương mới dám đặt chân đến ngôi đền. Người dân trong làng không ai dám đi qua ngôi đền thiêng vào khi trời tối. Bà Nguyễn Thị Loan (65 tuổi) chia sẻ: "Ngôi đền đã tồn tại cùng với bản Kẻ Xồng từ cái thuở khai sinh. Mọi người thường lên đền thành tâm cầu khấn". Vì lẽ đó, đền ông Cả Xồng được người đồng bào dân tộc Thổ ở đây coi như vị thần bảo vệ cho cuộc sống của họ. Ngôi đền Cả Xồng nằm cách mó nước Xanh chừng 40m, sát bên cạnh con đường vào làng Yên Hòa. Trải qua thời gian, ngôi đền đã xuống cấp và mất đi. Giờ đây, dấu tích của ngôi đền còn lại chỉ là một lùm cây um tùm rậm rạp nhưng người dân vẫn không ai dám đến đó khai phá bởi sợ phạm vào vùng đất thiêng.
Mó nước hoang sơ và những lời đồn nhuốm màu kỳ bí
Ngoài ngôi đền Cả Xồng, mó Cò (mó nước Xanh) được xem là một trong những niềm tự hào của người dân trong làng, ông Tuấn hào hứng nói: "Ngày trước, khi còn nguyên vẻ hoang sơ, mó nước Xanh đẹp lắm. Cửa vào mó nước được kết cấu theo hình vuông bằng những khối đá lớn đồ sộ". Gọi là mó nước Xanh vì nước ở trong mó chảy ra trong xanh và mát rượi. Người làng vẫn truyền tai nhau rằng, con gái khi tắm bằng nước lấy ở mó Xanh thì luôn mạnh khỏe, da dẻ trắng trẻo hồng hào và mịn màng.
Được biết, mó nước Xanh là một nơi còn lưu truyền những câu chuyện giai thoại kỳ lạ. Ông Tuấn chia sẻ thêm: "Lúc trước, trong mó có con rồng nước sinh sống, chính mắt tôi đã nhìn thấy nó. Vào những hôm trời mát, con rồng lại ra chơi đùa trên mặt nước. Nó hiền lắm, không cắn ai bao giờ". Cũng theo ông Tuấn, nước ở trong mó không bao giờ cạn, kể cả khi trời hạn hán đến đồng ruộng khô nứt nẻ.
Ông Tuấn hào hứng khi nói về mó nước Xanh.
Với người dân trong vùng, nước ở mó Xanh được xem như là "đặc sản" của thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Nghĩa Hợp. Những cụ cao niên trong làng thường có một ước nguyện, trước khi nhắm mắt xuôi tay được uống lần cuối một ngụm nước trong mó. Với những người ốm đau tật bệnh, hay mệt mỏi thì bát nước mó Xanh trong veo mát lạnh giúp họ sảng khoái, sống lâu. Khi chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về điều này, ông Tuấn cười sảng khoái và khẳng định chắc nịch: "Cô chú cứ tin đi, chính ông cố của tôi là ông Nguyễn Hữu Tình năm đó đã 85 tuổi là bằng chứng. Khi ông yếu dần và có khả năng sẽ ra đi, nguyện vọng của ông là uống nước ở mó nước Xanh lần cuối cùng. Lần đó, mấy đứa cháu chắt chúng tôi kéo nhau ra mó lấy nước về cho ông uống. Kỳ lạ thay, sau khi uống nước ở mó Xanh, ông cố của tôi bỗng nhiên khỏe lại và sống thêm được mấy năm nữa".
Theo người dân nơi đây, không chỉ ngôi đền thờ ông Cả Xồng mà mó nước Xanh cũng rất linh thiêng. Anh Nguyễn Ty Ngọ (SN 1978), xóm trưởng xóm Yên Hòa chia sẻ: "Dù đã chuyển đến nơi ở khác nhưng người dân vẫn thường qua mó nước Xanh để lấy nước về dùng". Mó nước là của tự nhiên nhưng người dân sử dụng phải tuân thủ theo những quy tắc bất khả kháng. Nếu ai vô tình hay cố ý vi phạm thì sẽ bị trừng phạt, chỉ được tắm rửa trên bờ thoải mái nhưng người dân không được nhảy xuống tắm trực tiếp.
Về việc đụng chạm đến mó nước thiêng sẽ bị trừng phạt thì trong bản cũng từng xảy ra mấy trường hợp vô cùng ly kỳ. Bà Nguyễn Thị Huynh (SN 1951) người trong xóm Yên Hòa một lần ra mó nước tắm nhưng do người bà không sạch (đang đến chu kỳ tháng phụ nữ) sau khi tắm xong, về nhà, bà Huynh bị sưng phù hết người rất đau đớn. Lúc này bà mới chợt nhớ ra, biết mình đã phạm lỗi nên bà nhờ anh em chuẩn bị lễ rồi đưa đến trước mó khấn xin. Sau đó bà uống mấy thang thuốc rồi khỏi bệnh. Nhắc đến chuyện này, đôi mắt vẫn ánh lên vẻ bàng hoàng, bà Huynh nói: "Về chuyện cấm kỵ thì tôi cũng đã nghe nói. Nhưng hôm đó chẳng hiểu thế nào mà tôi tặc lưỡi làm liều, không ngờ bị trừng phạt thật. May mang lễ ra xin còn được chứ không thì không biết thế nào nữa".
Hiện nay, mó nước Xanh là nguồn nước chính cung cấp cho hơn 300 hộ dân ở hai xóm Hồng Sơn và Đồng Hạ với đường ống dẫn nước kéo dài hơn 10km. Không những vậy, mó còn cung cấp lượng nước tưới tiêu cho hàng chục ha đất canh tác của bà con nơi đây. Năm 2008, dự án mở con đường sinh thái đi qua đúng gần với mó nước. Do quá trình mở rộng và giải phóng mặt bằng, những phiến đá và vẻ hoang sơ của mó nước đã bị mất đi, chỉ còn lại thô sơ.
Chuyện ly kỳ để răn dạy thế hệ sau? Ông Nguyễn Bá Mão (52 tuổi), phó chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết: "Những câu chuyện về mó nước Xanh được nhân dân trong xã rất quan tâm. Họ rất tin tưởng vào những câu chuyện thần kỳ được lưu truyền lại. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, những chuyện kỳ lạ đó chỉ được các bậc cao niên trong làng nhớ rõ và thường kể cho con cháu nghe lại. Hơn nữa, có lẽ mọi người muốn gìn giữ, bảo vệ mó nước nên có những thông tin để răn dạy con cháu. Mó nước Xanh hay còn gọi là mó Cò là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hai xóm Hồng Sơn và Đồng Hạ. Sắp tới, chúng tôi sẽ có chính sách phù hợp để giữ gìn lại vẻ tự nhiên của mó nước và có thể giữ một thắng cảnh để phát triển dự án du lịch sinh thái mà xã đang thực thi". |
Kim Thoa - Long Trần