Mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 6, 11/05/2018 06:08

Đây là nhận định của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi trước vấn đề cấp thiết phải cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước và thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) với vai trò là trụ cột chính của hệ thống ASXH đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện cùng với quá trình đổi mới phát triển và hội nhập quốc tế. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh nội dung này.

Mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiến tới BHXH toàn dân. Ảnh: Dương Thu.

PV:  Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm của mình về sự cần thiết phải cải cách chính sách về BHXH hiện nay? Những bất cập nào cho thấy, việc cải cách là không thể chậm trễ?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Cùng với quá trình phát triển đất nước, hệ thống chính sách BHXH đã hình thành khá đồng bộ, bao quát hầu hết các hình thức, chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế: Gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); với các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất và bao phủ đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; cho khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức.

Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật và quy mô tham gia BHXH trên thực tế ngày càng được mở rộng. Tính đến hết 31/12/2017, tổng số người tham gia BHXH là 13,9 triệu người (trong đó, BHXH bắt buộc là 13,6 triệu người, BHXH tự nguyện là 0,3 triệu người) tăng hơn 2,3 lần so với thời điểm luật BHXH số 71/2006/QH11, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, số người tham gia BHXH thất nghiệp là 11,7 triệu người.

Số lượng người được hưởng chế độ BHXH không ngừng tăng lên. Đến nay, đã và đang thực hiện chế độ, chính sách cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hằng tháng.

Tổng số thu-chi BHXH tăng nhanh. Số thu BHXH năm 2017 là 196.000 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với thời điểm ngày 01/01/2007. Tổng số chi BHXH, BHTN năm 2017 là 181.736 tỷ đồng, trong đó: Chi BHXH từ nguồn ngân sách 44.8475 tỷ đồng, chi BHXH từ quỹ BHXH 132.140 tỷ đồng; chi từ quỹ BHTN 8.721 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật và quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp.

Về quy định của pháp luật: Chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến mục tiêu bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác  chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực hiện vai trò là trụ cột chính của hệ thống ASXH nên diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động.

Về quy mô tham gia BHXH trên thực tế: Tính đến 2017, mới chỉ có gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn trên 34 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 69,6%) chưa tham gia BHXH .

Các nguyên tắc công bằng, đóng- hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Thiết kế chính sách bảo hiểm hưu trí có nhiều điểm chưa phù hợp: (1) quy định điều kiện được hưởng lương hưu quá chặt chẽ (cần tối thiểu 20 năm đóng BHXH) trong khi điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng; (2) cách tính lương hưu thiết kế chưa hợp lý, nặng nề về nguyên tắc đóng hưởng, chưa chú ý thỏa đáng nguyên tắc chia sẻ để thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa những người hưởng lương hưu; (3) số người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất tăng nhanh, số người mới tham gia tăng chậm.

Chính sách BHXH, nhất là chính sách lương hưu, còn chưa tách bạch với việc thiết kế và thực thi chính sách tiền lương của người đương chức trong khu vực hành chính Nhà nước.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH còn hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, chậm được khắc phục. Nợ đóng BHXH còn lớn. Xuất hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH.

Tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN hiệu quả chưa cao. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và nhân sự của bộ máy thực hiện BHTN còn bất hợp lý, phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, chưa phù hợp với nguyên lý bảo hiểm và thông lệ quốc tế nhưng chậm được sửa đổi, chưa phát huy được các chức năng tích cực của chính sách. BHTN chưa thực sự hỗ trợ được người lao động và doanh nghiệp rút ngắn thời gian tìm việc, chưa hỗ trợ được mục tiêu duy trì và mở rộng diện bao phủ BHXH, chưa bảo vệ hiệu quả việc làm cho lao động trong nước.

Nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về vai trò, tác dụng của BHXH chưa đầy đủ và toàn diện; một bộ phận người dân, doanh nghiệp, tổ chức chưa chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về chính sách BHXH.

PV:  Vậy, giải pháp cho những vấn đề này sẽ là như thế nào, thưa ông?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Cần phải làm thay đổi nhận thức của người lao động và toàn xã hội về chính sách BHXH theo mục tiêu của Đảng và thể chế hóa Hiến pháp 2013 về ASXH vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động để bảo đảm ASXH trước những rủi ro trong và sau cuộc đời lao động. Đây là của để dành tích lũy khi đang làm việc để được hưởng thụ khi tuổi già. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, quản lý tập trung, đầu tư tăng trưởng bảo toàn quỹ và công khai minh bạch. BHXH là chính sách trụ cột chính của ASXH góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiến tới BHXH toàn dân: Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc pháp luật đã bổ sung thêm 03 nhóm đối tượng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn; người lao động là công dân nước ngoài. Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần; mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; đa dạng các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, giảm số năm đóng BHXH để hưởng chính sách nhằm hạn chế xin hưởng BHXH một lần…

Có nghiên cứu, đánh giá dựa trên cơ sở bằng chứng khoa học về nguyên tắc đóng - hưởng, trong đó làm rõ mức đóng, tỷ lệ hưởng đảm bảo cân đối và tính bền vững của Quỹ bảo hiểm xã hội; nhưng đồng thời phải có cơ chế xử lý đảm bảo nguyên tắc có chia sẻ trong cùng thế hệ và giữa các thế hệ trong đóng, hưởng bảo hiểm xã hội (các vấn đề cần xem xét đó là về công thức tính lương hưu - thời gian đóng, mức đóng, tỷ lệ hưởng, tuổi nghỉ hưu…).

Đảm bảo cân đối tài chính quỹ BHXH, đầu tư tăng trưởng có hiệu quả theo nguyên tắc bảo tồn quỹ, thực hiên cơ chế công khai minh bạch. Bảo đảm sự liên kết, chia sẻ giữa quỹ ngắn hạn và quỹ hưu trí dài hạn. Hạn chế đi đến chấm dứt tình trạng rút khỏi hệ thống BHXH, tổng kết đánh giá để kết thúc Nghị quyết của Quốc hội về Điều 60 luật BHXH năm 2014.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH: Hoàn thiện pháp luật và nâng cao tính tuân thủ pháp luật; hoàn thiện tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam với chức năng cơ quan dịch vụ công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật; hoàn thiện và hiện đại hóa công nghệ thông tin.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.