Tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thấp
Theo báo Người Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết đến 22/7 mới chỉ có gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, đạt 37%. Tỉ lệ này thấp so với các năm qua. Hiện còn khoảng hơn 550.000 thí sinh chưa đăng ký. Con số này khiến Bộ GD&ĐT lo lắng vì có thể thí sinh hiểu lầm khi đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm
"Chúng tôi thấy hơi lo lắng vì có thể các em đang băn khoăn nhưng cũng không loại trừ trường hợp thí sinh vẫn hiểu lầm khi đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và nghĩ rằng không cần đăng ký trên hệ thống" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ.
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng khẳng định muốn trúng tuyển vào bất cứ đại học nào, vào bất cứ ngành nào, thí sinh đều phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ. Đây là điều bắt buộc nên thí sinh, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.
Thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT sẽ đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
"Những thí sinh đã có thông báo trúng tuyển sớm cần đăng ký xét tuyển nguyện vọng đó trên hệ thống chung của Bộ. Thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển thì chắc chắn sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển", bà Thủy nói.
Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng cần cân nhắc việc sắp xếp thứ tự và luôn nhớ nguyên tắc là đặt nguyện vọng yêu thích nhất, mong muốn nhất là nguyện vọng 1 vì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất.
Việc cân nhắc ngành/trường trước khi đăng ký là cần thiết nhưng mỗi thí sinh cần chủ động, không nên chờ đến tận ngày cuối, giờ cuối mới truy cập hệ thống vì dễ xảy ra chậm muộn vì những nguyên nhân khách quan.
Để hạn chế rủi ro, thí sinh không nên đăng ký quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng. Hiện số lượng thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất trên hệ thống khá nhiều, có tới 72.000 thí sinh.
Theo VTC News, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, kinh nghiệm các năm trước cho thấy, thí sinh không có chiến thuật tốt trong sắp xếp nguyện vọng có thể bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào các ngôi trường yêu thích, thậm chí không thể trúng tuyển đại học vì những sai lầm không đáng có.
Ông nhận định, năm nay nhờ hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ không bị nhầm lẫn trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau cũng như các tổ hợp. Các em chỉ cần chọn ngành, trường mà mình mong muốn. Điều này giúp thí sinh giảm sai sót trong quá trình xét tuyển.
Các em cần chọn đầy đủ các dữ liệu (như học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực…) rồi đánh đúng, tích đủ. Khi đó, hệ thống sẽ đảm bảo xét tuyển cho thí sinh bất kỳ phương thức nào vì đã có đủ dữ liệu.
Những thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nếu thực sự yêu thích ngành đó, trường đó thì hãy đặt lên nguyện vọng 1. Nếu không, thí sinh hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng này xuống phía dưới và đặt những lựa chọn yêu thích hơn lên trên.
Tuy nhiên, cần nhớ lựa chọn tích các nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện vào danh sách đăng ký nguyện vọng của mình và sắp xếp theo thứ tự từ yêu thích nhất xuống dần, ông Khánh chia sẻ thêm.
Trước đó, tại Ngày hội “Lựa chọn nguyện vọng” do Bộ GD&ĐT, báo Tuổi Trẻ và ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, bà Thủy cho rằng việc này thể hiện sự tự tin của thí sinh, tuy nhiên, điều này là không nên vì việc đăng ký 1 nguyện vọng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì sau đó các trường còn có khâu hậu kiểm, xem xét các điều kiện cụ thể.
Ngược lại, thí sinh cũng không cần thiết đăng ký quá nhiều nguyện vọng vì gây lãng phí. Thí sinh cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường; có chiến thuật phân bổ nguyện vọng vào các nhóm ngành phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất.
Trước băn khoăn trong trường hợp 2 học sinh cùng đăng ký vào một ngành của một trường đại học, liệu có sự ưu tiên nào cho thí sinh đặt nguyện vọng 1 trước thí sinh đặt nguyện vọng 10 hay không, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định không có sự ưu tiên nào. Thí sinh nào có điểm cao hơn sẽ trúng tuyển.
"Trong trường hợp 2 thí sinh bằng điểm nhau, trường không có tiêu chí phụ để phân loại, ví dụ điểm Toán hoặc điểm Văn phải cao hơn, cả hai em sẽ được nhận cùng lúc. Thứ tự nguyện vọng không phải điều kiện tiên quyết để ưu tiên hơn thí sinh khác. Việc xét tuyển sẽ thực hiện từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu" - bà Thủy nhấn mạnh.
"Việc xếp thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh, vì hệ thống xét tuyển sẽ chạy lọc ảo, nếu thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó. Vì thế, thí sinh cần lưu ý xếp những nguyện vọng mình thích lên trên", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.
Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2023 để tránh bị trượt oan?
Theo báo Công Thương, đến nay số lượng thí sinh đã đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT còn khá ít, điều này khiến các chuyên gia tuyển sinh lo lắng có thể thí sinh không nắm được quy định.
Thực tế ở mùa tuyển sinh trước, có những thí sinh đã nhận giấy báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm của các trường nên đã yên tâm là đỗ, bỏ qua khâu đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT nên đã không được chấp nhận.
Theo quy định, thí sinh có 3 tuần (từ 8h ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7) để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.
Thí sinh nên xếp nguyện vọng mơ ước lên đầu sau đó có thể các nguyện vọng ít yêu thích hơn nhưng phù hợp với năng lực, hoàn cảnh... Hệ thống sẽ chạy lọc ảo để thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất nên nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống dừng ở nguyện vọng đó.
Trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, thí sinh sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố. Bên cạnh sự yêu thích là điểm thi, điểm chuẩn và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Các thí sinh hãy suy nghĩ thật kỹ và đưa ra quyết định cuối cùng của mình trước 17h ngày 30/7.
Toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhưng thời điểm này trên hệ thống mới ghi nhận gần 390.000 thí sinh (chiếm 37%) đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Mặc dù không phải toàn bộ thí sinh tốt nghiệp THPT đều đăng ký vào ĐH, CĐ nhưng tỉ lệ này vẫn còn thấp so với thời cùng thời điểm năm ngoái. Điều đó cho thấy, nhiều em vẫn đang chờ đợi và chưa ra quyết định cuối cùng.
Đến thời điểm này, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất vẫn nằm ở Tp.HCM và Hà Nội. Đây là 2 địa phương này có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT cao nhất.
Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển trên số thí sinh dự thi cao nhất là Bình Dương 53%, tiếp theo là Bạc Liêu, Tp.HCM, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang... đa số tập trung ở các tỉnh miền Nam, trong khi thí sinh miền Bắc có phần cẩn trọng hơn.
Trúc Chi (t/h)