Trong tư pháp, các cụm từ “quản thúc tại gia”, “giam tại nhà”, “giám sát điện tử” được hiểu là biện pháp giam giữ phạm nhân tại nhà thay vì trong nhà tù. Hình thức này không phải là mới mẻ trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, hình thức này mới chính thức được đưa ra, vào chiều 12/11. Khi đó, tại phiên thảo luận tổ về dự án luật Thi hành án hình sự sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Ngay sau đó, ý kiến này tạo ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia cũng như dư luận.
Một luồng ý kiến cho rằng, hình thức “tù tại gia” là 1 trong những ý tưởng rất tiến bộ, thể hiện việc tôn trọng quyền con người, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Để áp dụng được đề xuất này cần có lộ trình và cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt phải tham khảo tại một số quốc gia đã triển khai.
Ngược lại, 1 số chuyên gia pháp lý lại cho rằng, việc quy định chấp hành hình phạt tù tại nhà trong thời điểm hiện tại là không cần thiết. Hạn chế rất lớn của hình thức “tù tại gia” đó là tính cải tạo để phạm nhân trở thành một con người có ích hơn cho xã hội sẽ không hiệu quả, bởi vì bản thân họ sẽ không thấy được tính nghiêm minh, răn đe khắc nghiệt của pháp luật. Đồng thời, hình thức tù tại gia nếu đưa vào luật Thi hành án hình sự sửa đổi là không phù hợp. Hình thức tù tại gia không có gì khác biệt quá lớn so với hình thức cải tạo không giam giữ hoặc hưởng án treo.
Để độc giả có góc nhìn rõ hơn về vấn đề đang gây tranh cãi, báo Người đưa tin tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: " Tù tại gia – Liệu có khả thi?” với sự tham gia của các khách mời:
- Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học.
- Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Duy Vực - nguyên Giám thị Trại giam Phú Sơn 4
- Ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao.
Trân trọng kính mời độc giả quan tâm gửi câu hỏi cho các diễn giả đến địa chỉ email: toasoan@nguoiduatin.vn hoặc banphongvienhiendai@gmail.com
Hoặc trên Fanpage: https://www.facebook.com/nguoiduatin.vn/
Buổi giao lưu trực tuyến diễn ra vào 15h ngày 21/11/2018.
Báo Người đưa tin bắt đầu tiếp nhận các câu hỏi của độc giả từ hôm nay cho đến khi buổi giao lưu trực tuyến kết thúc vào 17h ngày ngày 21/11/2018.