Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực đảm bảo lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột vũ trang gay gắt giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh. Nhận định với tờ Defense News, các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi Moscow thành công, lĩnh vực buôn bán vũ khí của Nga với hai quốc gia này sẽ suy giảm đáng kể.
Thổ Nhĩ Kỳ giành hết vinh quang
Nagorno-Karabakh đã chứng kiến các cuộc giao tranh trở lại vào năm 2020. Mỗi bên đều đổ lỗi cho bên kia về sự leo thang khiến hàng trăm người thiệt mạng. Theo các phương tiện truyền thông dẫn lời các quan chức quốc phòng của Armenia và Azerbaijan, hàng chục xe tăng, xe bọc thép và hệ thống pháo - hầu hết được sản xuất tại Nga - đã bị phá hủy trong cuộc chiến vừa qua.
Nhưng rất khó để xác minh số liệu chính xác do “lượng lớn thông tin giả mạo hoàn toàn, không chính xác và bị bóp méo”, nhà báo quốc phòng Pavel Ivanov viết trên nhật báo Nezavisimaya Gazeta.
Nhà phân tích quân sự độc lập Alexander Golts nói với Defense News rằng nếu các số liệu báo cáo là chính xác, thì cả hai bên gần như không còn xe tăng hoạt động. Điều này dẫn đến việc Armenia và Azerbaijan sẽ có nhu cầu mua thêm vũ khí. Với màn trình diễn hiệu quả trong cuộc chiến vửa qua, Ankara đang mang đến hình ảnh một nhà cung cấp trang bị quân sự uy tín.
Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở Nga, nhận định với Defense News rằng, chính “vai trò tích cực” của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra sự thay đổi trong cuộc xung đột.
“Trước đây, Nga có tiếng nói hàng đầu trong vấn đề chiến tranh và hòa bình ở khu vực Nam Caucasus. Nước này đã không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự của mình, giống như trường hợp của Gruzia. Nhưng hôm nay chúng ta không có cuộc bỏ phiếu quyết định. Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan mạnh hơn ảnh hưởng của Moscow. Rõ ràng rằng chìa khóa cho hòa bình là ở Ankara, không phải ở Moscow”.
Tình hình càng được cho là tiến thoái lưỡng nan hơn đối với Moscow vì nước này có mối quan hệ với cả Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.
Nga hao hụt doanh số vũ khí
Từ trước đến nay, để duy trì quan hệ hòa bình với Azerbaijan và Armenia, Nga đã bán vũ khí cho cả hai nước, mang lại sự cân bằng quân sự mong manh.
Armenia thiếu tài chính nên chủ yếu dựa vào các khoản tín dụng của Nga để chi tiêu quân sự. Dưới thời chính quyền Pashinyan, nước này đã mua 4 máy bay chiến đấu Su-30 và một số hệ thống phòng không tầm ngắn Tor-M2KM hiện đại.
Bất chấp sự khác biệt về sức mạnh quân sự, Azerbaijan và Armenia có nhiều vũ khí, bao gồm cả hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất.
Nhưng nguồn lực mạnh mẽ của Azerbaijan – quốc gia giàu dầu mỏ - đã cho phép nước này mua nhiều vũ khí hiện đại hơn từ Nga. Tổng thống Aliyev cho biết vào năm 2018, đất nước của ông đã mua số vũ khí trị giá 5 tỷ USD của Nga.
Nhưng không giống Azerbaijan, Armenia có 9K720 Iskander, một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động mà nước này đe dọa sử dụng để chống lại máy bay chiến đấu F-16 do lực lượng Azeri vận hành. Azerbaijan không chính thức sở hữu F-16, nhưng đồng minh của họ là Thổ Nhĩ Kỳ thì có.
Bất kể xung đột còn kéo dài bao lâu nữa, một số nhà phân tích đồng ý rằng hoạt động buôn bán vũ khí của Nga trong khu vực sẽ không còn chiếm lợi thế như trước.
“Tôi không nghĩ rằng các nhà cung cấp vũ khí sẽ nối lại hoạt động với cả hai quốc gia trong tương lai gần”, Mikhail Khodaryonok, nhà phân tích quân sự cấp cao của Gazeta.ru nói với Defense News.
Khi được hỏi liệu Armenia có thể chuyển sang Belarus để mua các hệ thống vũ khí hay không, Khodaryonok nói rằng nước này - một đồng minh khác của Nga - không có nhiều thứ để cung cấp.
Về phần mình, Azerbaijan có các lựa chọn khác, đó là mua vũ khí từ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, vì Nga chỉ chiếm 22% lượng mua vũ khí quân sự của nước này, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Theo Tổng thống Aliyev, quân đội của ông đã phá hủy các hệ thống vũ khí trị giá 1 tỷ USD của Armenia bằng cách sử dụng máy bay không người lái bé nhỏ do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Chuyên gia Pukhov đánh giá, Azerbaijan có thể sẽ mua nhiều vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ hơn là của Nga sau khi xung đột kết thúc.
Trong khi nhà phân tích quân sự độc lập Alexander Golts cho biết, nếu xung đột kéo dài, cả hai bên sẽ cần mua các bộ phận và đạn dược cho các hệ thống chủ yếu do Nga sản xuất.
Tuy nhiên, điều này sẽ không cho phép Moscow duy trì sự cân bằng quyền lực như trong quá khứ.
“Nga sẽ phải lựa chọn giữa các bên trong trường hợp này và điều đó có thể dẫn đến xung đột. Trong khi nỗ lực trở thành người hòa giải của họ không thành công, việc giao vũ khí cho một trong các bên sẽ loại bỏ mọi nỗ lực hòa giải”.