Hành trình 10 năm tạo nên một tượng đài
Nếu như Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác ca khúc bằng thơ, hình ảnh, và màu sắc thì Khánh Ly chính là người sinh ra để hát nhạc Trịnh, để đưa những ca khúc ấy bay lên cao. Không ai có thể phủ nhận họ là một “cặp đôi hoàn hảo” mà tạo hóa đã ban tặng cho nhân gian.
Họ làm đẹp cho đời bằng thứ âm nhạc gây mê khiến người ta say đắm. Những ngôn từ, giai điệu nặng trĩu nỗi niềm về thân phận con người, có lúc chất chứa triết lý nhà Phật của Trịnh được Khánh Ly thổi hồn bằng chất giọng lạ khiến người nghe đắm say trong nó, nghe một lần mà thấy mãi vấn vương.
Nhớ về Trịnh, Khánh Ly tiết lộ, Trịnh Công Sơn gặp chị ở hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt. Thời gian ấy, nhiều người nói, Trịnh Công Sơn đang đắm say với giọng hát “liêu trai” Thanh Thúy nhưng khi nghe Khánh Ly hát, ông đã bị hút hồn và tìm cách gặp chị. Thế là, sau lần gặp gỡ định mệnh ấy hai tâm hồn đồng điệu đã cùng nhau bắt đầu chuyến hành trình kéo dài 10 năm và sau này, chuyến hành trình đó đã giúp họ trở thành tượng đài của làng nhạc Việt.
Thuở ấy, cùng với chiếc đàn thùng đơn giản, Khánh Ly hát say xưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người của Trịnh Công Sơn. Bộ đôi ấy đã trở thành hiện tượng ngay buổi diễn đầu tiên tại trường đại học Văn khoa. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát không công, không thù lao.
Trịnh Công Sơn dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế với cuộc sống của một lãng tử. Khánh Ly khi hát đi chân đất, khiến khán giả quen, yêu quý mà gọi chị là “nữ hoàng chân đất”. Chị hát bằng cả tấm lòng người nghệ sĩ yêu hết mình những giai điệu của nhạc Trịnh. Sự gắn kết của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly cùng những điều tuyệt vời họ làm đã được nhiều văn nghệ sĩ khi ấy coi là một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật.
Nói về những ngày tháng thanh xuân rực cháy ấy, Khánh Ly tâm sự, bà mê hát lắm và chính niềm đam mê cháy bỏng ấy đã giúp bạn đủ can đảm đi hát cùng Trịnh Công Sơn mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời đó, bà cùng Trịnh Công Sơn phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo.
Những bóng hồng đi qua cuộc đời của Trịnh Công Sơm đều được ông ghi dấu ấn bằng một vài tình khúc. Thế nhưng, trong số 600 bài hát của mình, Trịnh Công Sơn không hề có sáng tác nào dành riêng cho Khánh Ly. Bà chẳng buồn vì điều ấy, bởi khi nói đến Trịnh Công Sơn người ta không thể không nhắc đến Khánh Ly và ngược lại.
Hành trình 10 năm rực cháy thời thanh xuân đã giúp họ cùng nhau xây nên một tượng đài trong làng nhạc Việt. Một tượng đài mà ngàn vạn năm sau, công chúng vẫn ngước nhìn với ánh mắt trìu mến, yêu thương và đương nhiên cả sự ngưỡng mộ.
Hơn cả tình yêu
Họ sánh bước cùng nhau suốt một thập kỷ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau rực cháy trong tình yêu dành cho âm nhạc... thế nhưng, đó chẳng phải là yêu. Với nhiều người, điều này thật kỳ lạ. Đó là mối quan hệ không phải ai cũng có thể giải mã đến tận cùng, thế nên dù cả hai nhân vật chính đều lên tiếng phủ nhận chuyện tình ái, nhưng nhiều người vẫn đặt những hoài nghi.
Những năm tháng Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở bên nhau, trong dư luận khi ấy, không ít người tò mò, định kiến, nhưng Trịnh là người tiếng tăm mà không tai tiếng, ngay từ thời đó, ông đã khẳng định: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”.
Nhiều năm sau, Khánh Ly cũng đã trải lòng với báo giới về mối quan hệ đặc biệt của họ. Với bà, Trịnh Công Sơn như một người anh, một người thầy. Không hiếm khi trước mặt bạn bè, Trịnh Công Sơn vẫn ngang nhiên la rầy Khánh Ly như một đứa em nhỏ, bà không buồn mà còn cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Sau những năm tháng gắn bó, tình cảm của họ còn hơn cả tình cảm vợ chồng.
“Khi ông Sơn mới mất, có những người nhận mình là người yêu của Trịnh Công Sơn. Tôi có thể tự nhận điều đó, rất có lý và sẽ không ai thắc mắc cả, thậm chí người ta sẽ nói: “Đấy thấy chưa, phải vậy chứ!”. Nhưng trái tim có lý do của nó, tôi không thể “ăn cắp” thứ không phải của mình. Tôi không thể nhận vơ được, xấu hổ lắm!... Tôi không cạnh tranh được với những người khác, các cô quá đẹp, quá trẻ, tài năng... Tôi chẳng có gì cả. Nhưng tôi lại thấy mình là người may mắn. Tôi chỉ là người đi bên cạnh Trịnh Công Sơn, đi dưới bóng mát của ông. Hóa ra tôi lại là người được sung sướng hơn những người được ông nói tiếng “Anh yêu em””, Khánh Ly trải lòng.
Rõ ràng, đó là một thứ tình cảm kỳ lạ, một mối liên kết kỳ lạ, nó vượt qua mọi định kiến, phá vỡ quan niệm xưa cũ của dư luận. Họ sánh bước cùng nhau tạo nên hình ảnh “lứa đôi”, một đôi trai gái trong tình bạn trong sáng, hồn nhiên.
Sau 10 năm song hành, Khánh Ly tạm biệt Trịnh Công Sơn để ra đi nhưng sự xa cách ấy chẳng thể làm đứt sợi dây vô hình đã gắn kết họ. Thế nên, trong suốt 50 năm ca hát, Khánh Ly vẫn đắm mình trong giai điệu của Trịnh Công Sơn. Giọng hát của bà giống như con thuyền chở những ưu tư, nỗi niềm về tình yêu, thế sự mà Trịnh Công Sơn nghiền ngẫm đến với khán giả.
Trước con thuyền cảm xúc ấy khán giả như bị thôi miên để rồi nghe một lần họ sẽ đi lạc trong thế giới âm nhạc của ông. Cuộc du hành ấy chìm đắm trong tâm tưởng người nghe từ tình yêu nồng nàn thuở mới yêu đến nỗi trăn trở về thế sự, tất cả đi sâu vào trái tim, tâm khảm của khán giả.
Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng khi hát nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn nhưng để nói đến sự thành công, chất chứa nhiều cảm xúc và hiểu nhất về lời ca, nốt nhạc của ông có lẽ chỉ có Khánh Ly. Cách hát của bà lạ lắm, nâng niu từng chữ, nắn nót từng câu, trân trọng từng nốt nhạc của ông. Có lẽ Khánh Ly đã dùng cả trai tim để hát nên mới có sức sống mãnh liệt đến như vậy.
Hầu hết người yêu nhạc Trịnh, mến mộ người nhạc sĩ tài hoa ấy đều gói gọn mối quan hệ của ông với Khánh Ly là “mối duyên không thể cắt nghĩa”. Với người viết, mối quan hệ của họ đơn giản chỉ là tri kỷ trong âm nhạc. Họ đã gạt bỏ những ham muốn trần tục, bước qua những cám dỗ, những quan niệm thông thường để đem những sợi tơ lòng dệt nên mối tình tri kỷ có một không hai.