Mối liên hệ bí ẩn giữa Hitler và nhà chiêm tinh học

Mối liên hệ bí ẩn giữa Hitler và nhà chiêm tinh học

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

Tối ngày 8/10/1939, Hitler chủ trì một cuộc diễn thuyết với các tay chân thân tín của mình, đồng thời đề ra các kế hoạch chủ chốt trong tương lai tại hội trường Munich.

Hội nghị đang diễn ra, bỗng nhiên trùm phát xít Hitler cùng các tùy tùng thân cận của mình rời đi trong sự ngạc nhiên của đa phần các tướng lĩnh và thính giả. Tất cả tướng tá lúc đó rất ngạc nhiên bởi Hitler đột ngột kết thúc bài phát biểu của mình và ra đi một cách rất vội vàng không một lời giải thích.

“Tắm máu” sau vụ trùm phát xít thoát chết trong gang tấc

Khi Hitler đã khuất bóng, cả hội trường trở nên ồn ào, những lời bàn tán vang lên khắp đại hý trường Munich, xen lẫn trong bầu không khí ngột ngạt ấy là khói thuốc đặc quánh và tiếng cụng ly như để ăn mừng vì cuộc họp kết thúc sớm hơn thường lệ. Các tướng chủ chốt của quân đội Đức cũng rời khỏi hội trường ngay sau đó bằng lối đi dành riêng.

Thế giới - Mối liên hệ bí ẩn giữa Hitler và nhà chiêm tinh học

Hittler (bên phải) cùng trùm phát xít Ý Mussolini (bên trái) trong một chuyến thăm Ý 1940

Khi khói bụi tan đi, một khung cảnh hỗn độn hiện ra, 18 người chết ngay lập tức và gần 160 người bị thương nặng. Con số thương vong không được thông báo một cách chính xác và công khai sau đó. Chỉ biết rằng, nơi bục diễn thuyết của Hitler, một trong những quả bom đã được bí mật gài vào, tiếc thay nó đã không hoàn thành được nhiệm vụ chính là hạ sát Quốc trưởng Hitler.

Theo phán đoán của các sử gia, âm mưu ám sát Hitler được dàn dựng bởi các Gestapo (cơ quan mật vụ Đức) nhằm chống lại đường lối của Hitler mà người thiết kế và đặt thuốc nổ là George Elser. Elser là người cực lực chống lại tư tưởng bài Do Thái của Hitler. Sau này, Elser bị bắt và không cần đến các biện pháp khảo cung đã thừa nhận mình là tác giả của âm mưu vụ ám sát. Cuối đời, Elser được cho là đã chết tại một trại tập trung không rõ địa điểm. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, Elser chỉ là một vật thế thân cho thế lực Gestapo có cảm tình với người Do Thái, cần có một người hy sinh trực tiếp để chính quyền Hitler bớt nghi ngờ đối với một số nhân vật thân Do Thái.

Ở môi trường đầy rẫy sự tàn khốc và nghi kỵ, mưu mô đó, sự tàn nhẫn và đa nghi tưởng của Hitler là hiển nhiên. Hitler không bao giờ đặt niềm tin tuyệt đối của mình với bất cứ ai ngoại trừ một số kẻ trùm sò phát xít lúc nào cũng bên cạnh hắn. Điển hình là Himmler. Theo lời khuyên của Himmler, Hitler đã ra lệnh điều tra tất cả những người bị nghi là thành phần ủng hộ người Do Thái theo đúng tôn chỉ mà hắn đặt ra là phải “tắm máu”, thà giết nhầm còn hơn bỏ sót những đối tượng này. Kế hoạch này được thực hiện một cách triệt để, ngoài ra Hitler còn đặt sự nghi ngờ đối với tình báo Anh. Hắn ra lệnh cho đội quân cảnh sát đặc biệt SS truy lùng một cách gắt gao tất cả các đối tượng tình nghi. Cả nước Đức lúc bấy giờ được đặt trong tình trạng lùng diệt rất gắt gao.

Dùng nhà ngoại cảm tiên đoán kẻ thù và tương lai chiến tranh

Hitler tuy không thực sự ấn tượng lắm bởi lời phán của một nhà ngoại cảm có tên Ernst Krafft. Nhưng khi vụ ám sát nổ ra, Hitler kẻ rất ngạc nhiên khi thấy rằng kế hoạch ám sát mình đã được tiên đoán do Ernst Krafft trước đó 6 ngày. Karl Ernst Krafft là một nhà bút tướng học và chiêm tinh học người Thụy Sỹ, ông được cho rằng đã chuyển đến Đức ngay khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939. Có nhiều ý kiến cho rằng ông ủng hộ Đức Quốc xã nhưng một số người tin rằng ông phục vụ Hitler vì do hoàn cảnh ép buộc. Tuy nhiên các nhà sử học đã chỉ ra rằng ông có những mối liên hệ với tổ chức nghiên cứu đặc biệt được điều hành bởi bác sỹ Heinrich Fesel, người thuộc sự chỉ đạo trực tiếp từ Himmler. Kraff đã gửi cho Hitler một bản báo cáo, trong đó nói rằng trong vòng từ ngày mùng 7 đến ngày mùng 10/10, theo như lá số tử vi của Hitler, ông ta sẽ gặp phải một tai nạn cực kỳ nghiêm trọng có thể dẫn đến mất mạng, nói một cách đơn giản sẽ có một vụ ám sát dùng thuốc nổ nhắm vào Hitler.

Ngay khi nhận được tin vụ nổ xảy ra Kraff gửi cho bác sỹ Fesel một bức điện tín. Ngay lập tức Fesel ra lệnh thu thập bản viết tay nguyên bản của Kraff và gửi đến văn phòng Quốc Trưởng ngày 9/10/1939. Hitler thực sự ấn tượng với sự tiên đoán của Kraff và hắn ra lệnh cho lực lượng Gestapo hộ tống Kraff về Berlin để giải trình. Kraff đã phải vận dụng rất nhiều quy tắc chiêm tinh học để thuyết phục Gestapo rằng tính toán của ông có thể biết trước vận mệnh, đoán được tương lai. Điều này sau đó được áp dụng cho các cơ quan phân tích, tình báo của Đức Quốc xã để dự đoán các sự kiện chính trị sắp diễn ra dựa theo lý thuyết của Kraff. Ông thậm chí còn biên soạn các tài liệu cổ xưa để đưa ra các tiên đoán về chiến thắng của nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông còn thu thập các lá số tử vi về những kẻ được cho là kẻ thù của nước Đức như Thủ tướng Anh, Winston Churchill.

Trong quá trình làm việc, dần dần Kraff làm quen và nhận được sự tin tưởng từ các thành phần Quốc Xã cao cấp, đặc biệt là Robert Ley, thủ lĩnh Mặt trận lao động hay còn gọi là AFL-CIO và Hans Frank, kẻ được mệnh danh Tên đồ tể Vác-sa-va, là tay thống lĩnh này thay mặt chính quyền Hitler tại Ba Lan.

Sau này, Kraff đã tiên đoán, từ năm 1940 trở đi, quân đội Đức sẽ gặp phải khó khăn trên nhiều mặt trận, điều này khác xa với mường tượng của các thống lĩnh quân đội. Kraff sử dụng các đồ thị để chỉ ra rằng tương lai của Đức Quốc xã là rất ảm đạm và mờ mịt. Ông cho rằng quân đội Đức sẽ chỉ giành thêm được một chiến thắng và cho tới mùa đông năm 1942. Ông có lời khuyên với Hitler nên áp dụng các biện pháp hòa bình ngay khi có thể. Tại Ba Lan, Hans Frank được thuyết phục rằng chiến tranh sẽ còn kéo dài hơn thời gian dự kiến. Nhưng dù tin hay không, thì đến tháng 1 năm 1943, đội quân Đức Quốc xã đã phải nếm trải một thất bại cay đắng và từ thất bại này, cục diện thế chiến đã hoàn toàn đổi chiều.

Thế nhưng, thay vì tin vào những tiên đoán của Kraff, Hitler đã cho bắt giam ông vào năm 1941. Điều này là minh chứng cho sự thay đổi bất ngờ của Đảng Quốc xã, từ niềm tin tuyệt đối nay bỗng dưng giũ bỏ tất cả, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của đội quân phát xít.

Tháng 5/1941, Rudolf Hess đã tự mình lái phi cơ chiến đấu Messerschmidt 110 bay thẳng sang Scotland. Hess có một niềm tin mãnh liệt vào các dự đoán của các nhà chiêm tinh học, Hess tin rằng mình có một sứ mệnh đặc biệt được giao phó bởi chúa trời, đó là hàn gắn hòa bình giữa Anh và Đức. Hành động của Hess đã đi ngược lại tôn chỉ của Hitler, đó là nói không với đàm phán hòa bình. Hess nhảy dù khỏi máy bay và bị vỡ mắt cá chân khi tiếp đất, sau đó ông được thuyên chuyển về London và được thẩm vấn bởi một nhà huyền bí học nổi tiếng người Anh, Alistair Crowley dưới dự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Churchill. Chính động thái này đã dấy lên nhiều nghi vấn cho rằng, cơ quan Đức Quốc xã đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các lá số tử vi và các nhà chiêm tinh học. Hess sau này bị kết tội chống lại hòa bình và phản bội Tổ Quốc bởi tòa án chiến tranh Đức Quốc xã và bị kết án chung thân.

Kế phản gián hiệu quả của tình báo Anh

Trong nỗ lực nhằm chống lại Bộ Tuyên truyền Đức, tình báo Anh đã sử dụng nhà chiêm tinh học người Do Thái-Đức Louis De Wohl, in ấn và giả mạo, sử dụng những tài liệu mang tính tuyên truyền đen chèn vào một tạp chí chiêm tinh của Đức mang tên Der Zenit. Hành động này được chỉ huy bởi “chuyên gia chính trị đen” người Anh Sefton Delmer. Ông đã đào tạo các thợ sắp chữ, thợ Mo-rát bắt chước y hệt văn phong và chữ tiếng Đức để tạo ra các ấn phẩm giả mạo chuyển sang Thụy Điển và nhập lậu vào Đức. Bằng phương pháp này, mặc dù tất cả các ấn phẩm chiêm tinh đều bị cấm trên toàn Đức nhưng các tạp chí lậu vẫn tồn tại một các ngang nhiên, nó dần dần thu hút sự quan tâm của dân chúng lẫn binh linh thuộc lực lượng SS, thậm chí gây hoang mang cho những nhân vật cốt cán, thân cận của Hitler.

Nhà ngoại cảm hết thời vì những tiên đoán ngược với niềm tin của Hitler

Nhiều tướng lĩnh cho rằng Đảng cầm quyền bị thao túng bởi chiêm tinh học và minh chứng rõ rệt nhất là hành động tin vào nhà ngoại cảm của một sĩ quan Đức có tên Hess. Thấy dự đoán về cuộc chiến ảm đạm cho Đức Quốc xã, Hess đã chạy sang Anh quốc. Tuy nhiên giới chức cầm quyền phủ nhận cáo buộc này, đồng thời đây cũng là lý do để giải tán toàn bộ các nhà chiêm tinh học đương thời. Bắt đầu từ thời kỳ này, nền văn học chiêm tinh chính thức bị cấm trên toàn lãnh thổ Đức. Không một ai được phép nghiên cứu hay đưa ra một nhận định nào được cho là có liên quan tới tử vi, tướng số.

Bảo Long


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.