Iran đã nổi lên như một quốc gia có ảnh hưởng lớn trong nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông, vươn tới tận Vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải, cung cấp hỗ trợ quân sự cho các chủ thể phi nhà nước và thách thức các mối quan hệ ngoại giao.
Trong bối cảnh Trung Đông đang “căng như dây đàn” với cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, các cuộc tấn công quân sự của Houthi ở Biển Đỏ và đòn đáp trả của Mỹ và Anh, cùng các cuộc tấn công của các nhóm dân quân thân Iran vào các căn cứ của Mỹ trong khu vực, bản thân Tehran cũng phải đối mặt với phản ứng ác liệt từ các cường quốc toàn cầu.
“Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến tranh khu vực”, ông Sami Nader, chuyên gia từ Đại học Saint Joseph ở Beirut (Lebanon), cho biết. “Đúng là cường độ vẫn còn thấp nhưng toàn bộ khu vực đang trải qua giai đoạn leo thang”.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza vào tháng 10 năm ngoái, các quan chức Mỹ cho biết Iran đã tham gia nhiều hơn, tài trợ cho các nhóm chiến binh như Hezbollah, Hamas, Houthi… tạo thành một liên minh mà Tehran gọi là “trục kháng chiến”.
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tiền đồn của Quân đội Mỹ ở Jordan hôm 28/1 đã giết chết 3 binh sĩ Mỹ. Chính quyền Biden đổ lỗi cho một nhóm được Iran hậu thuẫn và tuyên bố sẽ đáp trả.
Một số vấn đề, về ngoại giao và quân sự, là lý do tại sao Iran lại có liên hệ với tình trạng căng thẳng ở Trung Đông hiện nay.
“Trục kháng chiến”
Theo New York Times, Iran đã đầu tư xây dựng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực để phô trương sức mạnh quân sự của mình, bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, dân quân Shiite ở Iraq và Hamas ở Gaza. Các lực lượng này tiến hành các cuộc tấn công vào các lực lượng nước ngoài nhưng không xuất phát từ lãnh thổ Iran.
Tuy nhiên, trong khi chiến đấu với quân đội phương Tây là mục tiêu của các nhóm chiến binh khác nhau, Tehran chỉ hỗ trợ họ bằng sức mạnh quân sự và tài chính chứ không phải về mặt ý thức hệ.
Một số hoạt động ở những khu vực biệt lập khiến việc liên lạc trở nên khó khăn. Vì khoảng cách đó, các chuyên gia cho rằng Iran có thể tránh được sự trả đũa lớn từ các quốc gia có lực lượng và tài sản bị các nhóm dân quân tấn công.
Cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel hồi tháng 10 năm ngoái đã dẫn đến bạo lực bùng phát mãnh liệt hơn ở Dải Gaza và đang loang dần ra khắp khu vực, bao gồm mặt trận phía Bắc của Israel, các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria cũng như các tàu ở Biển Đỏ.
Các nhà chức trách phương Tây và khu vực cũng như các nhà phân tích nhìn chung đều đồng ý rằng Iran muốn tránh một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với Mỹ hoặc Israel. Nhưng Tehran dường như sẵn sàng sử dụng lực lượng ủy nhiệm của mình để thu hút và chuyển hướng sự chú ý của lực lượng quân sự của những đối thủ này trong khu vực.
Nguy cơ leo thang
Iran đã cố gắng mở rộng chính sách đối ngoại với nhiều quốc gia hơn trong thập kỷ qua, đặc biệt là sau khi Mỹ tăng cường trừng phạt vào năm 2018. Nước này đã cố gắng xây dựng quan hệ với các nước láng giềng Ả Rập, bao gồm cả việc bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê-út trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian hồi tháng 3/2023.
Tuy nhiên, các nước láng giềng cũng đã xây dựng lại quan hệ với Israel, điều khiến Iran lo ngại. Năm 2020, Israel đã ký Hiệp định Abraham với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain để bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trong khi một thỏa thuận tương tự giữa Israel và Ả Rập Xê-út đang hình thành.
Theo Wall Street Journal, lực lượng Quds của Iran, một nhánh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), muốn làm chậm các nỗ lực bình thường hóa.
Trong khi tình báo Mỹ cho rằng Iran có thể đã biết về hoạt động của Hamas, nhưng họ không có thời gian hoặc phạm vi chính xác của cuộc tấn công. Iran đã hợp tác với các nước láng giềng thù địch cũ là Ai Cập, Ả Rập Xê-út và UAE để thực hiện một nghị quyết ngừng bắn ngắn hạn ở Gaza.
Với áp lực chính trị ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có nhiều hành động hơn, Chính phủ Mỹ đang quyết định những lựa chọn tiếp theo của mình. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ hiểu rằng một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể xảy ra nếu Washington phản ứng.
Nguy cơ leo thang chính phát sinh từ một cuộc tấn công sai lầm tiềm tàng do Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này hoặc do Mỹ và các đồng minh thực hiện.
Minh Đức (Theo CGTN, ABC Net News, Al Jazeera)