Washington Post hé lộ, hiện 5 nhà tài trợ hàng đầu cho quỹ tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton gồm: nhà quản lý quỹ đầu tư S. Donald Sussman (20,6 triệu USD), gia đình nhà đầu tư mạo hiểm Chicago J.B. Pritzker (16,7 triệu USD), Chủ tịch tập đoàn Univision Haim Saban cùng phu nhân Cheryl (11,9 triệu USD), tỷ phú đầu tư George Soros (9,9 triệu USD) và người sáng lập Slim Fast S. Daniel Abraham (9,7 triệu USD).
Mặc dù trước đó, do vụ bê bối chính trị Watergate năm 1970, luật bầu cử Mỹ quy định các ứng cử viên không được phép nhận tiền ủng hộ tranh cử từ giới kinh tế, chính trị. Nhưng tới năm 2010, quy định này đã thay đổi bằng một cơ chế mở cho phép sự tham gia của giới siêu giàu.
Theo đó, ứng viên tranh cử có thể nhận số tiền không giới hạn từ siêu ủy ban hoạt động chính trị (Super PAC). Đây là một tổ chức chuyên vận động đóng góp từ các thành viên, sau đó dùng số tiền này đổ vào những chiến dịch ủng hộ hoặc chống lại các ứng viên Tổng thống.
Không dừng lại ở đó, các email nội bộ đảng Dân chủ mà Wikileaks công bố hồi tháng 7 cũng hé lộ những “mạnh thường quân” giúp sức cho ứng viên Tổng thống Hillary Clinton. Email rò rỉ cho thấy cố vấn của bà Clinton tập trung vào mục tiêu ủng hộ như các tổ chức nhỏ lẻ, gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động tổ chức.
Đơn cử, tháng 4/2015, sau khi tham dự một cuộc gặp mặt giữa các nhà tài trợ tự do, cố vấn chính sách cấp cao Ann O’Leary đã lưu ý vài mục tiêu mới đó là Liên minh Quốc tế Hỗ trợ Người lao động SEIU. Bà Ann đưa ra gợi ý, ứng viên đảng Dân chủ nên tổ chức một chiến dịch vận động tăng lương tối thiểu do tổ chức này khởi xướng.
Hai tháng sau, bà Clinton tới tham dự một hội nghị của công nhân ngành thức ăn nhanh và nhận được một ủng hộ lớn khi cảm ơn những người này vì đã “xuống đường diễu hành đấu tranh cho người lao động có một mức lương đủ sống”. Và ngay mùa thu năm 2015, 1 triệu USD đã được tổ chức này ủng hộ vào quỹ của bà. Chính tổ chức này hiện đang chi hàng chục triệu USD trong việc thuyết phục cử tri tại các bang chiến trường bỏ phiếu cho Clinton.
Không dừng lại ở đó, cuộc vận động tranh cử cho cựu Ngoại trưởng Mỹ hiện vẫn đang mở rộng mạng lưới những người gây quỹ và khiến quỹ này hoạt động hiệu quả. “Hơn 2,6 triệu người Mỹ đã quyên góp cho chiến dịch này vì biết bà Hillary Clinton là một ứng cử viên tốt nhất. Bà ấy có thể mang lại cho nước Mỹ hướng tới một xã hội phát triển toàn diện về mọi mặt. Một nước Mỹ mà mọi người dân đều có việc làm cho tất cả mọi người”, phát ngôn viên Josh Schwerin đưa ra lời kêu gọi với các mạnh thường quân.
Matea Gold chuyên gia chính trị của Washington Post nhận định: “Việc nhận được sự tài trợ lớn từ giới ủng hộ giàu có sẽ đẩy bà Hillary vào một tình thế khó xử nếu trở thành nữ chủ nhân Nhà Trắng. “Món nợ” của những mạnh thường quân đã hỗ trợ bà và chồng suốt hàng thập kỷ qua, và bà sẽ cần phải “trả ơn” về sự giúp đỡ đó”.
Washington Post cũng trích dẫn, ông Sussan, một trong những thành viên ủng hộ hàng đầu trong quỹ của bà Clinton cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là tháo dỡ được hệ thống chế tài cồng kềnh mà Tòa án tối cao Mỹ thu được hàng năm.
“Tôi là một người ủng hộ mạnh mẽ các chiến dịch tài trợ công khai, và tôi nghĩ không lý do gì không ủng hộ một người như cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary. Bà đã cam kết sẽ làm “sạch” những hoạt động của Tòa án tối cao Mỹ…”, ông Sussan nói.
Phương Anh