12h30 ngày 3/3, cụ Hà Thị Cầu, nghệ nhân cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm đã trút hơi thở cuối cùng (ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình). Sự ra đi của cụ là một mất mát to lớn đối với những giá trị văn hoá dân gian linh thiêng, đẹp đẽ. Con người được xưng tụng là báu vật nhân văn sống trong vòng 20 năm nay của nghệ thuật hát Xẩm đã sống một cuộc đời chìm nổi trong khó khăn. Người ta tự hỏi, đến bao giờ, những nghệ sĩ dân gian ấy mới nhận được sự quan tâm và một chế độ ưu đãi công bằng với những gì họ đã cống hiến cho nghệ thuật nước nhà?
Một đời nặng đau câu hát
92 năm lăn lộn và lặng lẽ sống giữa cuộc đời, nghệ nhân Hà Thị Cầu được ví như một con người kì lạ nhất. Cụ không biết chữ, từ nhỏ đã được cha mẹ đặt trên chiếc quang gánh rồi đi hát khắp nơi. Năm 11 tuổi, sau khi cha mất, cụ theo mẹ đi hát xẩm khắp các chợ rồi dạt sang Ninh Bình. Nghe nói có cô bé hát xẩm hay đáo để, ông Trùm Mậu, một người hát xẩm mù loà nổi tiếng ở đất Yên Mô bắt đầu để ý.
Chồng bà, ông Trùm Mậu, một người đàn ông mặt rỗ nhưng chơi được đủ cả sáo, nhị nên có rất nhiều cô theo. Ông đã có hàng chục mối tình, nhiều người vì mê tiếng hát của ông mà theo về làm vợ. Đến lượt cụ về làm vợ thì vừa đủ là vợ thứ 18. Năm ấy, cụ Cầu 16 tuổi còn chồng đã 49. Hai người có với nhau 7 người con, nhưng chỉ nuôi được 3. Không qua nổi căn bệnh hiểm nghèo, chồng qua đời khi cụ đang ở tuổi 32. Cuộc sống nghèo khổ cứ đeo bám mãi gia đình cụ. Nghề hát không đủ kiếm miếng cơm, cụ đành phải cho đi một người con.
Tiếng là không biết chữ nhưng cụ có khả năng ứng khẩu, kéo nhị, sáng tác thành những bài xẩm độc đáo với giọng điệu có đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố sâu sắc, triết lý về cuộc đời.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu không phải là nghệ nhân dân gian đầu tiên, cũng không phải là người duy nhất có cuộc sống đói nghèo. Hầu hết các nghệ nhân dân gian đều phải chịu cảnh lay lắt, lặng lẽ trong suốt cuộc đời làm nghệ nhân của mình. Họ có thể được nhiều người biết đến, được viết báo, được nghiên cứu, được nhiều ống kính, máy quay đưa lên để làm phim tư liệu, được trao tặng bằng khen này, giải thưởng nọ. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó. Số tiền ít ỏi và tấm giấy được trao trong chốc lát ấy không đủ để nuôi họ trong những ngày tháng dài tiếp theo, không đủ để khoả lấp đi những đói nghèo trong cuộc sống chông chênh, bần hàn sau đó. Câu hỏi về một chế độ ưu đãi đúng nghĩa vẫn còn nằm đâu đó trên những dự án dở dang, phức tạp và những bàn cãi chưa có hồi kết của các cơ quan chức năng, của những người có trách nhiệm.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu trong lần biểu diễn cuối cùng trên sân khấu Hà Nội năm 2011.
Nhà nghiên cứu văn hoá Bùi Trọng Hiền, người con nuôi thân thiết của nghệ nhân Hà Thị Cầu không nén được nỗi đau khi nhắc đến câu chuyện buồn này. Anh tâm sự: "Mẹ tôi đã mất rồi, người nghệ nhân hát xẩm cuối cùng được xưng tụng là báu vật sống, đã mãi mãi nằm xuống. Có nhiều thứ đã quá muộn rồi và chúng ta mãi mãi không bao giờ lấy lại được. Cuộc sống của người là một thực trạng xót xa về những cái mà chúng ta đang vô tình hay cố tình lãng quên. Những điều cần thiết tôi đã từng nói và nói rất nhiều rồi. Lúc này hãy để nỗi đau được yên lặng".
"Lá rụng về cội" muôn đời vẫn là quy luật. Cái chết ở tuổi 92 của người nghệ nhân già không làm nhiều người ngạc nhiên. Nhưng điều khiến ta xót xa nhất ấy là cuộc sống, là sự ra đi lặng lẽ của cụ trước cái nhìn bất lực của những người yêu hát xẩm, thứ tài sản vô giá của văn hoá dân tộc.
Lá vàng không chờ được thời gian
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, cục trưởng cục Di sản văn hoá cho biết: "Hiện nay, cơ chế phong tặng nghệ nhân dân gian vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chúng tôi vấp phải quá nhiều vướng mắc gây nhiều tranh cãi nên sự chậm trễ là không tránh khỏi". Như vậy, trong khi các cơ quan chức năng vẫn không ngừng tranh cãi về danh hiệu nghệ nhân dân gian, nên trao ai, tặng ai, dựa trên cơ sở nào, cơ chế trao tặng ra sao thì những báu vật sống cứ âm thầm ra đi không bao giờ trở lại. Sẽ đến lúc, khi những bản thảo, quyết định kia đã được hoàn thành, chắc gì đã có ai để mà trao tặng?
Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả của những thước phim cảm động về nghệ nhân Hà Thị Cầu, chia sẻ: "Cụ là một trong những nghệ nhân dân gian tài hoa nhất mà tôi từng biết. Với nghệ nhân này, hát xẩm không chỉ là miếng cơm, manh áo mà còn là hơi thở và cuộc đời". Suốt 2 năm với rất nhiều lần ghé thăm căn nhà mái ngói nhỏ bé, đơn sơ nơi vùng quê nghèo ấy, anh đã ghi lại khoảng 1.000 phút trò chuyện cùng nghệ nhân Hà Thị Cầu. Nghe tiếng đàn tài tình, chắc nịch, luyến láy mà ai oán, xót xa của người đàn bà kì lạ, anh nhớ nhất là thói quen đắp chiếu mỗi lần đi ngủ của cụ. Cái thói quen vừa thương cảm, vừa đau đáu về một kiếp người, kiếp đời trầm luân.
Đạo diễn Lương Đình Dũng là một trong số ít những người trẻ "trót đam mê với những món nghệ thuật già" như cách ví von của anh. "Người trẻ vốn dễ yêu và dễ choáng ngợp với cái mới nhưng sẽ đến một ngưỡng thời gian nào đó, họ sẽ trở về với những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Trong đó có ca trù, có hát xẩm, có những làn điệu dân gian trữ tình, sâu lắng. Nhưng điều đáng buồn, ấy là sự chậm trễ của những người có trách nhiệm giữ gìn và tôn vinh chúng. Sự chậm trễ đó, vô tình đang làm mai một dần những giá trị nhân văn quý báu" - Đạo diễn Lương Đình Dũng tiếc nuối.
Nhạc sĩ Thao Giang, nhà nghiên cứu văn hoá, phó giám đốc thường trực trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, cho biết: Trong khi danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân năm nào cũng được trao tặng hàng trăm, hàng nghìn người thì con số nghệ nhân dân gian lại hoàn toàn ngược lại. Và, nếu có trao tặng cũng không hề thiết thực. Bản thân cụ Hà Thị Cầu đã được Nhà nước trao tặng nghệ sĩ ưu tú nhưng lại không kèm theo một chế độ ưu đãi nào. Đó là điều bất cập. Câu chuyện về cụ Quách Thị Hồ, một nghệ nhân ca trù cũng từng là lời báo động sâu sắc về vấn đề này.
Một nghệ nhân được thế giới biết đến nhưng lại sống một cuộc đời khổ cực, cay đắng thậm chí rách nát giữa lòng thủ đô Hà Nội từng khiến nhiều người chua chát cho số phận những người nghệ nhân. Bộ mặt của văn hoá dân tộc chính là ở đó chứ không phải là những thứ âm nhạc nửa ngoại, nửa nội như hiện nay. Người nước ngoài đến với Việt Nam, cái họ muốn nghe không phải là những thứ tân thời như Pop, Rock, Dance... mà chính là hát xẩm, quan họ, ca trù, cải lương, chèo, tuồng, ...những thứ chúng ta đang vô tình lãng quên.
Nhạc sĩ Thao Giang thừa nhận: "Số đông các nghệ nhân dân gian từ Tây Nguyên đến Tây Bắc đều chung số phận như cụ Hà Thị Cầu, Quách Thị Hồ. Trong khi đó hàng ngày, hàng giờ, chúng ta đang để cho bao nhiêu thứ nhạt nhẽo, lai căng xâm nhập. Con người mãi chịu quy luật của sự băng hoại nhưng lá vàng không chờ được thời gian. Những người như cụ Hà Thị Cầu, Quách Thị Hồ cứ lần lượt ra đi thì lấy ai truyền dạy cho những nghệ nhân trẻ. Họ chỉ còn một cách là mỗi ngày phải tự cố gắng để tồn tại, để lưu giữ và cứu vớt những giá trị cũ, chỉ bằng duy nhất một điều, đó là niềm đam mê nghệ thuật".
Nỗi mất mát quá lớn! Giáo sư Phan Đăng Nhật, một trong những thành viên của hội đồng nghiên cứu thuộc trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam chia sẻ: "Hiện tại, có quá nhiều điều tồn tại chưa thể giải quyết trong vấn đề này cả về khách quan lẫn chủ quan. Tôi chỉ có thể nói, sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu là một nỗi mất mát quá lớn đối với chúng ta. Cụ còn sống, dù chỉ là lay lắt, lặng lẽ thôi nhưng nghĩa là chúng ta vẫn còn đó một cây đa, cây đề. Còn khi cụ đã mất đi, tức là chúng ta mất đi một giá trị. Ông nén tiếng thở dài: "Càng ngày càng có rất nhiều các trung tâm, hội, viện, tổ chức này, tổ chức kia ra đời và hoạt động nhằm tìm kiếm và cứu vớt những giá trị xưa cũ đang dần mất đi. Dẫu vậy, số lượng và chất lượng vẫn đang là một nghịch lý. Đã có măng mọc rồi nhưng đó cũng chỉ là niềm tin, hi vọng về một ngày mai xa xôi. Bởi khoảng cách giữa tre và măng, giữa thế hệ những nghệ nhân dân gian cũ và thế hệ mới sau này là quá lớn". |
Bích Đào