Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa tổ chức hội thảo sửa đổi bổ sung luật KTNN năm 2015. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nêu thống kê: Mỗi năm KTNN kiến nghị thu hồi, xử lý vi phạm 2 tỷ USD, ngành Thanh tra cũng lên tới 3 tỷ USD. Tổng cộng có 5 tỷ USD ngân sách sử dụng không đúng mục đích.
Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 tỷ USD ngân sách Nhà nước. Như vậy là số tiền được sử dụng không đúng mục đích chiếm đến 10% tổng ngân sách.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng cho rằng: “Việc chi ngân sách sai mục đích là phải quy trách nhiệm. Cơ quan Kiểm toán, Thanh tra và các đơn vị chức năng cần làm rõ việc để xảy ra vi phạm đó là ở thời điểm nào, ai làm lãnh đạo ở giai đoạn đấy. Đến bây giờ nó tồn đọng thì ai chịu trách nhiệm?”.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh: “Ngân sách là tiền của nhân dân đóng góp, là phúc lợi và cũng chính là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Tôi nghĩ, nhân dịp này, Hội nghị Trung ương 7 đang họp, cũng nên xem xét, chấn chỉnh bộ máy của chúng ta một cách đồng bộ. Không thể chỗ này chấn chỉnh mà chỗ kia không chấn chỉnh”.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: “Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc đơn vị mình quản lý chi ngân sách không đúng mục đích là để mang tính chất răn đe, nêu gương cho những người khác. Để những người giữ cương vị lãnh đạo đơn vị đó sau này thấy mình cũng phải có trách nhiệm đối với việc quản lý ngân sách, phải làm sao chi những đồng tiền đó đúng mục đích, hiệu quả”.
“Tôi nghĩ, nếu anh để đơn vị mình vi phạm lần thứ nhất do nguyên nhân khách quan thì kiểm điểm rút kinh nghiệm. Vì lần đầu tiên có thể anh chưa nắm được, anh chưa biết, chưa giám sát. Nhưng năm thứ hai vẫn còn chuyện đó thì phải kiểm điểm người đứng đầu về trách nhiệm của mình trong quản lý. Trường hợp nữa, dù vi phạm lần đầu nhưng cố tình chi sai mục đích vì vụ lợi cá nhân thì đương nhiên là phải xử lý nghiêm, nếu đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ xem xét xử lý hình sự”, Tướng Hiệu nói.
Vị tướng từng có 3 nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng phân tích thêm: “Để xảy ra sai sót ở đơn vị mình quản lý, người đứng đầu nên có văn hóa từ chức. Xu hướng các nước văn minh hiện nay họ đều như thế, nếu anh để xảy ra sai sót, vi phạm trong đơn vị mình quản lý thì người đứng đầu sẽ từ chức. Tuy nhiên, văn hóa từ chức ở Việt Nam còn rất hạn chế. Nhưng chúng ta đã hội nhập sâu rộng rồi thì tôi nghĩ ở Việt Nam chúng ta cũng nên có văn hóa từ chức”.