Sáng 12/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã làm việc với UBND Tp.HCM về việc thực hiện Nghị quyết số 53/2005 và Kết luận số 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã yêu cầu địa phương làm rõ về những ách tắc đang làm cản trở cho sự phát triển. Trong đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặt câu hỏi cho việc, vì sao thành phố mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước vẫn chậm và chưa đạt yêu cầu.
"Có vẻ cách tiếp cận của chúng ta trong giải quyết ùn tắc giao thông còn chưa trúng. Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề này nhưng đến nay, sự chuyển biến còn chậm", ông Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM Phan Công Bằng cho biết, thống kê các chỉ số về giao thông tại thành phố nằm trong khoảng 25-30% của cả nước. Ví dụ, sản lượng cảng biển chiếm 26% sản lượng hàng hóa cả nước với 174 triệu tấn; lưu lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất là 41,1 triệu lượt/năm, đạt khoảng 25% cả nước; lượng đăng ký phương tiện giao thông khoảng 8,7 triệu, tương đương 26% cả nước. Điều này dẫn đến áp lực hệ thống giao thông rất lớn và ùn tắc nghiêm trọng tại Tp.HCM.
Trong năm 2020, thành phố có 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, tập trung tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, khu vực trung tâm và cửa ngõ. Kết quả khảo sát tại khu vực cửa ngõ, trung tâm và cảng hàng không cho thấy lưu lượng giao thông tại các giao lộ đã tiệm cận và vượt khả năng thông hành của giao lộ.
"Với tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, mỗi năm Tp.HCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD (hơn 138.000 tỷ đồng)", ông Phan Công Bằng thông tin.
Nói rõ hơn về việc này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá ách tắc giao thông đang là cản trở lớn nhất đối với sự phát triển của Tp.HCM. Ông dẫn chứng thành phố Manila đóng góp tới 30% GDP của Philippines nhưng vấn đề ách tắc giao thông đã làm giảm khoảng 8% GDP của quốc gia này. Hoặc như Bangkok (Thái Lan) đã làm 30 năm nay vẫn chưa xử lý xong được tình trạng ùn tắc giao thông. "Tp.HCM cần bắt đầu giải quyết vấn đề này sớm", Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh.
Về giải pháp, Sở GTVT Tp.HCM đã nghiên cứu thực hiện một số đề án nhằm làm giảm phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng. Với 25 nhóm giải pháp đề ra, thành phố hướng tới việc phát huy hiệu quả của các phương tiện vận tải hành khách công cộng vào năm 2025.
"Các dự án đường vành đai 2, 3, 4 đã và đang được triển khai. Khi hoàn thành, các phương tiện đi vào khu vực trung tâm thành phố sẽ được giảm đi, tình trạng ùn tắc sẽ cải thiện", Dân Trí dẫn lời ông Phan Công Bằng cho hay.
Lãnh đạo Sở GTVT Tp.HCM cũng nêu hạn chế, hiện tại, quy hoạch phát triển giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam mới được đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang nghiên cứu. Do đó, việc liên kết giao thông trong vùng còn thiếu và gặp nhiều khó khăn. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe thường xuyên diễn ra, đặc biệt dịp lễ, tết.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của Tp.HCM và vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế. Khu vực chưa có hệ thống vành đai hoàn chỉnh, các tuyến quốc lộ, nút giao quan trọng cũng chưa được đầu tư, mở rộng.
Trong khi đó, vận tải đường sắt, đường thủy của vùng cũng chưa được quan tâm đúng mực. Trong đó, luồng tuyến giao thông đường thủy liên kết vùng không đồng cấp, nhất là về độ sâu.
"Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ Tp.HCM đi các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hệ thống logistics rất yếu kém, hầu như chưa hình thành", ông Phan Công Bằng nêu thực trạng.
Để giải quyết vấn đề kẹt xe, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng, trong đó có nghiên cứu cả hành vi, thói quen, văn hóa giao thông.
"Ví dụ về câu chuyện thực hiện các tuyến metro, thành phố cần có cách tiếp cận khác. Nếu chỉ làm từng tuyến rời rạc, đến năm 2045, hệ thống metro trên địa bàn cũng chưa xong mà xong thì cũng không thể phát huy hiệu quả", ông Phan Văn Mãi nói.
Dưới góc độ phát triển giao thông của cả vùng, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, mạng lưới giao thông thủy, đường sắt và đường bộ cần được tập trung đầu tư đồng bộ. Hiện tại, mạng lưới đường sắt quốc gia có 9 quy hoạch thành phần. Mạng lưới này cần được tiếp cận với góc độ chia làm từng vùng từng lĩnh vực như logistics, trung tâm dân cư, trung tâm công nghiệp.
"Đối với Tp.HCM và vùng Đông Nam Bộ, khi các phương tiện cá nhân đang là trở lực, chúng ta cần tổ chức lại phương tiện hành khách vùng bằng cả đường bộ, đường sắt, đường thủy", lãnh đạo UBND Tp.HCM nêu giải pháp.
Ông Phan Văn Mãi đánh giá, việc phát triển giao thông còn giúp địa phương có thêm nguồn lực để phát triển. Vấn đề quan trọng hiện nay là quy hoạch sử dụng đất theo hệ thống giao thông, tạo cơ chế, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng đáp ứng được tiến độ, đẩy nhanh việc thực hiện từng dự án.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, Sở TN&MT thành phố đã có sáng kiến về đề án phát triển kinh tế xã hội gắn liền các tuyến đường giao thông. Cụ thể, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, hiện tại tuyến đường vành đai 3 Tp.HCM có khoảng 2.000ha đất liền kề, chủ yếu là đất nông nghiệp, ít dân cư. Nếu thu hồi và đấu giá đối với diện tích đất này, địa phương dự kiến thu hồi được hơn 100.000 tỷ đồng.
Sở TN&MT đề xuất Tp.HCM thí điểm triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư theo hướng bố trí đất ở bằng diện tích đất ở tương tự, đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi giữa giá bồi thường dự kiến với tỉ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở.
Từ quỹ đất thu hồi, thành phố làm lại quy hoạch, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tổ chức bán đấu giá để thu về nguồn lực lớn để tái đầu tư, phát triển. Dự kiến, đề án này sẽ được Sở TN&MT trình UBND Tp.HCM trong tháng 7.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Dân Việt, Zing)