Ngày 21/11, tại Hà Nội, cục Thông tin đối ngoại (bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 11/2019.
Hội nghị đã tập trung chuyên sâu về vấn đề quản lý lao động ngoài nước.
Chia sẻ tại hội nghị về chủ trương và quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác xuất khẩu lao động và quản lý lao động ở nước ngoài, ông Nguyễn Gia Liên, Phó cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước còn hạn chế, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động còn thấp”, ông Nguyễn Gia Liên cho hay.
Ông Nguyễn Gia Liên thông tin: “Mục đích đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là nhằm tạo và giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề và kỹ năng cho một bộ phận người lao động, bên cạnh đó góp phần nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo cho gia đình người lao động. Chủ trương này đã được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong Bộ luật Lao động, luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Nhà nước”.
Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên đáng kể, năm sau tăng hơn năm trước, từ con số vài chục nghìn người những năm đầu 2000 đến con số gần trăm nghìn người những năm đầu 2010. Trong 5 năm gần đây, hơn 100.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng hàng năm. Cụ thể: Năm 2014 là 106 nghìn người; 2015: 116 nghìn người; 2016: 126 nghìn người; 2017: 135 nghìn người; 2018: 142 nghìn người và 10 tháng đầu năm 2019 là 120 nghìn người. Trung bình mỗi năm số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng thêm khoảng 10.000 người.
Theo ông Nguyễn Gia Liên, cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, thì số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời, mức thu nhập tiết kiệm của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng tăng lên. Hàng năm, số tiền do người lao động ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,7 – 3,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Nguyễn Gia Liên cũng đã nêu một số tồn tại, hạn chế trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như: “Lao động đi làm việc ở nước ngoài phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề nghiệp một cách chính quy, bài bản nên thường làm công việc giản đơn, mức tiền không cao so với mặt bằng ở nước tiếp nhận. Một bộ phận người lao động thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, nên đã vi phạm hợp đồng lao động và quy định pháp luật ở nước ngoài.
Điều này đã làm giảm uy tín của lao động Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến việc ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước hiện nay, cũng như tiềm năng về nhu cầu đối với lao động của ta”.
Nói về công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Gia Liên cũng cho biết thêm: “Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, cơ chế về người lao động đi làm việc ở nước ngoài trình các cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị chức năng thực hiện đúng quy định pháp luật…; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…”.
Theo ông Nguyễn Gia Liên, hiện nay thị trường lao động ngoài nước đang ngày được mở rộng. Bên cạnh các thị trường lao động truyền thống như khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia… các nước và khu vực khác cũng đã quan tâm đến nhu cầu với lao động Việt Nam như Đức, Austalia, các nước Đông Âu. Đồng thời, xu hướng thị trường lao động ngoài nước cũng đang có chuyển biến rõ rệt từ nhu cầu tiếp nhận lao động phổ thông, làm việc giản đơn sang nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ tay nghề, chuyên môn và chứng chỉ nghề. Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu hàng năm đưa được 12.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động đã qua đào tạo.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Gia Liên nhấn mạnh: “Lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những hoạt động có tính chất nhạy cảm, không chỉ liên quan trực tiếp đến người lao động, các doanh nghiệp mà còn liên quan đến các cơ quan, ban ngành đoàn thể trong nước, quốc tế, đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nước ngoài.
Do đó, việc thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực này cần phải được quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành, được sự quản lý của cơ quan chức năng và định hướng theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.