Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) mới đây cho hay, bình quân mỗi năm ngân sách Nhà nước chi khoảng 1 tỷ USD trả nợ nước ngoài (cả gốc và lãi). Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nghĩa vụ ngân sách phải trả cho phần vay trong nước.
Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã đã huy động được hơn 350.500 tỷ đồng vốn ODA nước ngoài (đạt 77,5% kế hoạch năm).
Về nghĩa vụ trả nợ đã được triển khai bắt đầu từ 2 năm trước thì tính đến nay, Việt Nam đã trả được khoảng 58.000 tỷ đồng các khoản vay trong ước và khoảng 9.900 tỷ đồng các khoản vay nước ngoài.
Theo ông Hoàng Hải cho biết, từ tháng 7/2017, có thể Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đưa Việt Nam khỏi diện được vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - IDA (còn gọi tốt nghiệp ODA), do Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.
“Hàng năm, Ngân hàng thế giới sẽ có thảo luận đối với một số nước, trong quá trình theo dõi dựa trên những tiêu chí của họ là những nước có thu nhập trung bình, những nước đã từng có tiếp cận thị trường quốc tế, những nước có giới hạn quốc gia và quá trình theo dõi chỉ ra rằng cần phải chuyển ra khỏi khu vực các nước được hưởng chế độ vay ưu đãi ODA.
Lần này, theo tôi được biết, Việt Nam sẽ được chuyển ra khỏi nhóm các nước này. Một trong những điều kiện khi tốt nghiệp IDA của Ngân hàng thế giới là chúng ta phải cam kết trả nợ nhanh.
Về nguyên tắc, phải tăng tốc độ trả nợ gốc gấp đôi. Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới cũng cho phép chúng ta đưa ra những phương án xử lý linh hoạt trên quy tắc tổng giá trị hiện tại trả nợ gốc gấp đôi đó xử lý như thế nào để đảm bảo giá trị trả nợ năm.
Hiện nay, chúng tôi cũng đang phối hợp với Ngân hàng thế giới xây dựng các kịch bản trả nợ nhanh. Chúng tôi đã hoàn thành các kịch bản và gửi Chính phủ để xin chỉ đạo”, ông Hoàng Hải cho biết.
Ông Ngô Chí Tùng, Phó chánh văn phòng Bộ Tài chính cho hay, thời gian vừa qua, các nguồn vốn vay ODA đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng các công trình cầu đường, bệnh viện, trường học,… đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Đ.Huệ