Mỗi ngày trôi qua, Vietnam Airlines lỗ thêm 55 tỷ đồng

Mỗi ngày trôi qua, Vietnam Airlines lỗ thêm 55 tỷ đồng

Trịnh Thị Phương Ly

Trịnh Thị Phương Ly

Thứ 6, 30/04/2021 12:37

Vietnam Airlines vừa ghi nhận quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động khi âm gần 5.000 tỷ đồng trong quý I/2021.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không quốc gia âm gần 5.000 tỷ đồng trong quý I.  

Tuy cả năm 2020 Vietnam Airlines vẫn phải “gánh” khoản lỗ gần 11.000 tỷ đồng, nhưng đà thua lỗ của hãng này đã giảm bớt vào cuối năm khi chỉ lỗ sau thuế hơn 420 tỷ đồng quý IV.

Trong khi quý I/2020 hãng bay lỗ ròng 2.600 tỷ; quý II hơn 4.000 tỷ và qúy III là 3.997 tỷ đồng. Tưởng rằng khoản lỗ giảm mạnh trong quý IV/2020 là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của Vietnam Airlines sau hàng loạt “cú đấm” từ Covid-19. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines không khá khẩm hơn mà còn trở nên xấu hơn nhiều trong 3 tháng đầu năm nay.

Tài chính - Ngân hàng - Mỗi ngày trôi qua, Vietnam Airlines lỗ thêm 55 tỷ đồng

Quý IV/2021 đánh dấu quý lỗ nặng nề nhất trong lịch sử hoạt động của Vietnam Airlines

Trong quý I/2021, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vietnam Airlines thu về 5.141 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không; 1.235 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng; 1.007 tỷ đồng hoạt động phụ trợ vận tải hàng không; và 145 tỷ đồng doanh thu khác.

Tuy đã cố tiết giảm các khoản chi phí nhưng vẫn không thể bù đắp tình hình kinh kinh doanh ảm đạm của Vietnam Airlines. Việc kinh doanh dưới giá vốn đã khiến hãng hàng không ghi nhận khoản lỗ gộp 3.900 tỷ đồng, con số này gấp 6 lần khoản lỗ ở quý I/ 2020.

Kết quả là Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn  4.974 tỷ đồng trong quý I/2021. Tính trung bình, hãng bay quốc gia lỗ hơn 55 tỷ đồng mỗi ngày. Đây cũng là khoản lỗ đánh dấu quý lỗ nặng nề nhất từ trước đến nay. 

Lý giải về tình hình kinh doanh sa sút, Vietnam Airlines cho biết một phần do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến ngành hàng không, một phần nữa là do lợi nhuận các công ty con cung cấp dịch vụ hàng không như Vacs, Skypec, Viags... cùng giảm mạnh.

Theo bảng cân đối kế toán, mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/3/2021 ghi nhận âm 14.219 tỷ đồng, tức là lỗ luỹ kế của Vietnam Airlines đã lớn hơn khoản vốn điều lệ 14.219 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hãng bay đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết nếu tình trạng này không sớm được khắc phục.  Trước đó, mã này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ 15/4.

Nhờ một số khoản thặng dư vốn cổ phần, chênh lệch tỷ giá hối đoái, quỹ đầu tư phát triển nên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn dương 1.031 tỷ đồng,  giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Trong khi đó, nợ phải trả là 59.550 tỷ đồng; riêng các khoản nợ vay ngắn hạn 12.694 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 21.640 tỷ đồng.

Với tư cách là chủ sở hữu lớn nhất, Nhà nước có những chính sách để hỗ trợ riêng cho Vietnam Airlines. Ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 450 quy định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

NHNN tái cấp vốn không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của TCTD sau khi cho Vietnam Airlines vay. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn cho TCTD là 4.000 tỷ đồng với mức lãi suất tái cấp vốn 0%. Tuy nhiên hiện chưa rõ Vietnam Airlines đã nhận được tiền từ chính sách hỗ trợ này hay chưa.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.