Cụ thể, các chuyên gia cho biết, do thời gian trước đây, tại Malaisia, Thái Lan có động đất, sóng thần nên loại chim này có xu hướng di trú sang Việt Nam. Lợi dụng tình hình trên, nhiều hộ dân đã mua máy phát thanh (loại máy phát ra âm thanh để dẫn dụ chim yến) về lắp đặt, cải tạo không gian để nuôi chim trái phép. Trong các địa phương thì TP.HCM là một trong những địa phương diễn ra tình trạng nuôi chim yến trái phép trong khu dân cư phức tạp nhất.
Đau đầu vì sống cùng chim
Việc nuôi yến nhanh chóng được xem là nghề "hái ra tiền" cho các hộ gia đình có khoảng không trong nhà và có điều kiện thuộc các quận trung tâm thành phố. Một trong những khu vực được cho là có nhiều hộ nuôi yến nhiều nhất là quận Bình Thạnh, dọc theo đường Phạm Văn Chí thuộc phường 3, phường 4 (quận 6). Theo lời hướng dẫn của người chạy xe ôm, chúng tôi có mặt trên đường D5 (phường 25, quận Bình Thạnh) vào thời điểm cuối chiều, khi yến về tổ. Dọc theo tuyến đường này, vào lúc chiều tà, chúng tôi đã thấy những cánh yến chao liệng trên không. Cuối đường, chúng tôi nghe những tiếng chim kêu ồn ào một cách hỗn tạp phát ra từ căn phòng được quây bằng những tấm tôn màu xanh và có đục lỗ, cửa sổ để yến ra vào.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Những tưởng đó là tiếng chim yến về tổ, thế nhưng người dân khu vực này cho biết: "Giờ này, chim đã về đâu, loe hoe vài con thôi. Nó có kêu thì cũng đến nỗi nhức óc như vậy. Tiếng máy dụ yến kêu đó". Trả lời chúng tôi về việc sống gần hộ gia đình nuôi chim yến như vậy có cảm thấy phiền không, một chị bán hàng nước trên đường cố tỏ thái độ bình tĩnh cho biết: "Thật thì những ngày đầu mới nghe họ bật máy dụ yến, tôi không thể nào chịu nổi. Trước đây, dẫu có ồn ào thì chỉ tiếng xe, cao lắm là tiếng gầm rú của bọn trẻ đua xe thôi. Giờ bỗng đâu có tiếng máy kêu la từ sáng sớm tinh mơ, nghe rất khó chịu và không thể ngủ nổi".
Một bà cụ sống trong hẻm chia sẻ: "Tôi bị đau đầu kinh niên thuốc thang chẳng đỡ. Nay, lũ yến làm tôi càng nặng thêm. Nhưng đó là việc kinh doanh của họ, tôi cũng không muốn ý kiến gì". Theo bà, các nhà nuôi yến vẫn đều đều mở máy từ 4h sáng đến khoảng 8h - 9h sáng rồi lại bật từ khoảng 16h đến khi tối mịt. "Chiều về còn đỡ, nhưng vào sáng sớm thì thật vô cùng khó chịu…", bà chia sẻ thêm.
Chim yến về "nhà" trong tiếng máy phát thanh
Thông tin về vấn đề trên, một lãnh đạo chi cục Thú y TP.HCM cho biết: "Việc dân cư bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ việc nuôi yến là có cơ sở vì các hộ nuôi chim phải dùng các thiết bị phát tín hiệu để dẫn dụ chim về làm tổ. Tuy nhiên, tiếng ồn do máy phát ra đa số nằm dưới mức vi phạm. Mặc dù vậy, cơ quan cũng đã nhận được những đơn thư khiếu kiện từ người dân sinh sống ở quận 2 và quận 7".
Nỗi lo dịch bệnh từ loài chim quý
Có mặt tại khu dân cư cuối đường D2 (phường 25, quận Bình Thạnh), các hộ dân ở đây cũng "không mấy" đồng tình làm xóm giềng với loài chim quý. Họ cho biết ngoài việc thường xuyên bị tra tấn bởi những tiếng ồn phát ra từ các nhà nuôi yến, những nhà sát vách với các nhà yến luôn phải chịu cảnh loài chim này bay tán loạn vào nhà. Chị N.M.Y. (37 tuổi, Nguyễn Duy Dương, phường 3, quận 10) cho biết: "Nhà tôi sát mái với một hộ nuôi yến, đêm ngày nghe tiếng chim tiếng máy rất ồn ào khó chịu. Đến chiều tối khi chim về nhà lại càng khổ hơn, chúng bay nháo nhác một vùng rồi tìm chỗ vào nhà nuôi. Nhiều khi chúng bay thẳng vào nhà kêu ầm ĩ, tán loạn khiến mấy đứa nhỏ rất sợ". Một trong những nỗi khổ khác mà họ phải gồng mình gánh chịu là mùi hôi từ phân chim thải ra.
Một mô hình nuôi chim yến trên sân thượng của hộ gia đình ở đường D5 (quận Bình Thạnh)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phân chim yến cũng được các chủ nuôi thu gom cẩn thận, bởi vì giá bán phân chim yến cũng rất cao. Được biết, phân này sẽ được chế biến thành một loại dung dịch để quét lên tường nhà nuôi chim để dụ yến. Tuy nhiên, số phân rơi vãi vào những vị trí khó và tối như mái nhà dân, giữa các bức vách sát nhau của các tòa nhà,… cũng đủ khiến người dân khó chịu. "Mùi phân yến tích tụ lâu ngày tại các khu nuôi yến rất khó chịu. Buổi sáng đi tập thể dục, chúng tôi cũng hạn chế đi vào những khu vực này", một người dân cho biết.
Chia sẻ với PV, anh Lê Xuân Huy, hiện đang sống trên đường D5 (phường 25) cho biết: "Đôi khi chúng tôi vẫn vô tình phát hiện những con yến chết không rõ nguyên nhân trên đường, thậm chí cả trên mái nhà. Chuyện có vẻ bình thường nhưng nếu chim có bệnh, hoặc dịch thì rất nguy hiểm vì rất khó kiểm soát. Chúng luôn bay đi khắp nơi kiếm ăn cả ngày, không ai dám chắc là loài chim này không mang về từ nơi nào đó những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là bệnh cúm".
Trả lời về việc chim yến có khả năng mang mầm bệnh cũng như các loại dịch bệnh nguy hại cho con người hay không, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM cho biết: "Khi nhận biết một số hộ gia đình có thực hiện nuôi chim yến các quận trong trung tâm thành phố, chi cục cũng đã tiến hành lấy 60 mẫu xét nghiệm và thực hiện công tác giám sát bị động từ phân chim và không phát hiện bệnh cúm. Đặc biệt, hiện nay, chưa có bất cứ một tài liệu nghiên cứu nào chứng minh, phát hiện dịch bệnh trên loài chim này. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan cho rằng chim yến không mang virus gây bệnh cho con người khi chúng luôn bay những chặng đường xa để kiếm mối".
Đang quy hoạch địa bàn nuôi yến Lãnh đạo sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, hiện, Sở đã báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét chọn ba quận, huyện có thể phát triển nuôi yến gồm dọc tuyến sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Cù lao Long Phước của Q.9 và địa bàn huyện Cần Giờ. |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài