Tại hội thảo Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh an toàn được tổ chức ở TP. HCM mới đây, một số liệu được công bố khiến nhiều người giật mình. Theo đó, hơn 200 website bẩn, 42 website được cho là cực kì nguy hại cho người tiêu dùng đang “núp” dưới dạng trang web giải trí, đặc biệt là web xem phim.
Các chuyên gia cũng lớn tiếng cảnh báo, khi sử dụng những trang web như vậy, tỷ lệ người dùng bị đánh cắp thông tin cá nhân là rất cao và một khi tình huống xấu xảy ra, chính người dùng phải bỏ tiền để mua lại những thông tin bị đánh cắp đó. Tiếc thay, người dùng Việt Nam vẫn thờ ơ, cho rằng đó là chuyện không liên quan tới mình bất chấp thực tế, giải trí online đang trở thành một xu thế của thế giới.
Số liệu được các nhà nghiên cứu công bố tại hội thảo trên cũng cho biết, năm 2012, 53% lợi nhuận thu được từ quảng cáo của Mỹ được bán qua mạng và con số này có thể là 80% vào năm 2017. Riêng khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam thì con số này còn tăng nhanh hơn nữa. Điều này cho thấy, người dùng online đang tạo ra “miếng bánh” béo bở cho cả nhà quảng cáo lẫn những trang web lậu.
Thế nhưng một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao chúng nguy hại như vậy mà người dùng vẫn lao vào sử dụng như con thiêu thân? Và nhiều đơn vị cũng đổ xô vào đó xin quảng cáo? Nhiều người ví von chuyện này cũng giống như vấn nạn thực phẩm bẩn vậy. Người tiêu dùng biết là độc hại, biết là có nguy cơ nhiễm bệnh từ những đồ ăn không rõ nguồn gốc … nhưng họ cần phải sống.
Trong trường hợp này cũng thế, dù người sử dụng biết là có nguy cơ bị ăn cắp thông tin nhưng nhu cầu giải trí của họ thì không thể kìm lại được. Họ cần những trang web giải trí vừa không mất tiền, vừa cập nhật kịp thời những bộ phim, những thông tin mới nhất. Cuộc sống vốn không có gì miễn phí và người dùng phải chấp nhận đánh đổi.
Người ta từng đổ lỗi cho người dùng như là đối tượng trực tiếp thúc đẩy những trang web độc hại ngày càng phát triển. Tâm lý thích dùng đồ miễn phí tạo ra một cộng đồng người sử dụng dịch vụ giải trí online rộng mênh mông và gây nên hấp lực khó cưỡng với những đơn vị quảng cáo. Người ta cũng kì vọng cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp mạnh hơn nữa để “siết” những trang web lậu. Thế nhưng con số thống kê về lợi nhuận quảng cáo nêu trên là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy, thực tế đang diễn ra không như kì vọng.
Vậy thì chúng ta phải làm thế nào để người dùng từ bỏ những trang web lậu và quay về sử dụng những trang web trả tiền? Chúng ta chờ đợi sự thay đổi trong nhận thức của người dùng? Hay chờ vào những biện pháp khả dĩ hơn của những đơn vị quản lý? Câu hỏi này có lẽ còn lâu mới tìm ra được đáp án. Với tình hình hiện nay, thiết nghĩ việc tuyên truyền và chấp nhận thiệt hại như một bài học giáo dục khả dĩ hơn cả.
Chúng ta cần tuyên truyền mạnh hơn nữa tới người dùng về nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng trang web lậu. Ấy nhưng trò đời vốn “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nên cần phải thử nghiệm thiệt hại. Tức là chúng ta phải chấp nhận chuyện nhiều người dùng bị lấy cắp thông tin rồi bị tống tiền.
Không lời cảnh báo nào hiệu quả hơn khi chính quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại. Và bản thân chúng ta bao giờ cũng cẩn thận hơn rất nhiều khi có một mối đe dọa nào đó biến thành hiện thực. Và cũng chỉ đến thời điểm đó, khi ý thức người tiêu dùng đã thay đổi thì các biện pháp quản lý mới thực sự đạt hiệu quả.
Còn bây giờ, khi tất cả vẫn là những hô hào, cảnh báo suông thì thật khó để đánh giá đúng cả tác động lẫn nguy cơ của những trang web lậu. Và người sử dụng các dịch vụ giải trí online tiếp tục phải chấp nhận nguy cơ bị đánh cắp thông tin. Bởi không có bữa ăn nào miễn phí cả!
Phạm Văn