Trong số các vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Ukraine có một loại tên lửa mồi nhử tinh vi được trang bị các biện pháp đối phó điện tử để chủ động gây nhiễu radar cảnh báo sớm và radar thu thập mục tiêu của đối phương.
Đó là tên lửa mồi nhử thu nhỏ phóng từ trên không (MALD) ADM-160. Đáng chú ý, Ukraine đã điều chỉnh thành công ADM-160 MALD để lắp trên máy bay chiến đấu MiG-29 cũ của mình, giúp tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu trên không của tiêm kích có từ thời Liên Xô.
Mặc dù Mỹ chưa chính thức xác nhận việc chuyển giao tên lửa ADM-160 MALD cho Ukraine, nhưng thông tin nguồn mở đã làm sáng tỏ vấn đề này, trang Army Recognition cho biết hôm 27/7.
Theo trang tin tức quân sự, hồi tháng 5 năm ngoái, xác một tên lửa mồi nhử ADM-160 MALD được cho là đã được phát hiện ở Luhansk sau một cuộc tấn công của Ukraine vào một mục tiêu của Nga tại thành phố thuộc tiền tuyến Donbass.
Nhãn trên xác tên lửa xác định đây là mẫu ADM-160B. Điều này cho thấy Ukraine có thể đã sử dụng những tên lửa mồi nhử này trong một thời gian.
Xác một tên lửa mồi nhử thu nhỏ phóng từ trên không (MALD) ADM-16. Ảnh: Yahoo!News
Việc cung cấp ADM-160 MALD cho Ukraine, nếu được xác nhận, sẽ là một sự thúc đẩy đáng kể cho năng lực quân sự của Kiev.
Nhờ khả năng của tên lửa này trong việc đánh lừa và gây nhiễu hệ thống phòng không của đối phương, máy bay Ukraine có thể hoạt động tự do hơn và gặp ít rủi ro hơn. Khi cuộc xung đột tiếp diễn, việc triển khai các công nghệ tiên tiến như vậy có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược mà cả hai bên sử dụng.
ADM-160 MALD là một tên lửa mồi nhử tinh vi được thiết kế để tăng cường hiệu quả của các hoạt động không chiến. Quả tên lửa dài khoảng 2,84 m và trọng lượng khoảng 45 kg, nghĩa là nó tương đối nhẹ và nhỏ gọn.
MALD tự hào có tầm bắn ấn tượng hơn 930 km, cho phép nó tiếp cận các mục tiêu ở xa, trong khi động cơ phản lực của nó cung cấp khả năng bay và cơ động tốc độ cao.
Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của ADM-160 là tính module, cho phép tên lửa được cấu hình cho nhiều nhiệm vụ khác nhau như mồi nhử, gây nhiễu và trinh sát. Ngoài ra, hệ thống điều khiển bay tiên tiến của ten lửa cho phép lập trình đường bay, mô phỏng tín hiệu radar và hồ sơ bay của các máy bay khác nhau.
Trong chiến đấu, ADM-160 MALD rất giỏi trong việc đánh lừa, gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng không của đối phương bằng cách mô phỏng các máy bay lớn hơn, có giá trị hơn. Khả năng này buộc đối phương phải phân bổ sai nguồn lực của họ, nhắm vào mồi nhử thay vì máy bay chiến đấu thực sự.
MALD cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chế áp hệ thống phòng không của đối phương (SEAD) bằng cách thu hút và làm cạn kiệt tên lửa đất đối không (SAM) của đối phương và các tài sản phòng không khác, do đó tạo điều kiện cho máy bay của quân mình dễ dàng xâm nhập vào không phận được bảo vệ chặt chẽ hơn.
Biến thể MALD-J tăng cường khả năng này với các chức năng gây nhiễu, phá vỡ hệ thống radar và liên lạc của đối phương và cung cấp hỗ trợ tấn công điện tử cho các máy bay khác. Khả năng hoạt động tự động sau khi phóng, theo đường bay được lập trình sẵn, giúp tăng hiệu quả hoạt động của tên lửa.
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ukraine được nhìn thấy mang tên lửa mồi nhử AMD-160 MALD. Ảnh: Eurasian Times
So với các tên lửa thông thường khác, ưu điểm chính của ADM-160 MALD là giá thành thấp, tính linh hoạt và kích thước nhỏ gọn.
Không giống như các hệ thống không người lái (UAV/drone) hoặc máy bay có người lái lớn hơn, phức tạp hơn, MALD tương đối rẻ, cho phép triển khai rộng rãi để áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương.
Thiết kế module của MALD hỗ trợ nhiều vai trò trên chiến trường, từ đánh lừa đến tác chiến điện tử, khiến nó trở thành một tài sản đa năng có giá trị.
Hơn nữa, việc tích hợp MALD vào các máy bay hiện đại như F-16 Fighting Falcon và B-52 Stratofortress mang lại sự linh hoạt trong việc lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả chiến đấu tổng thể.
Tóm lại, sự kết hợp giữa khả năng đánh lừa, hoạt động tự động, hiệu quả về chi phí và tính linh hoạt của ADM-160 MALD mang lại cho nó một lợi thế rõ rệt so với các tên lửa thông thường, khiến nó trở thành một thành phần thiết yếu của các chiến lược tác chiến trên không hiện đại.
Minh Đức (Theo Army Recognition)