Một trong những nội dung quan trọng của Luật Tiếp công dân là nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước.
Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch tỉnh phải tiếp dân ít nhất 1 ngày/tháng.
Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở T.Ư ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần.
Tiếp công dân hàng tháng là nhiệm vụ của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh.
Những người đứng đầu các cơ quan tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp: Vụ việc gay gắt, phức tạp có nhiều người tham gia, kéo dài, ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Khi tiếp công dân, người đứng đầu các cơ quan phải có ý kiến trả lời về giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay, người đừng đầu các cơ quan chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.
Luật cũng bổ sung thêm Ban Nội chính là cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên ở T.Ư và cấp tỉnh như đề nghị của nhiều vị đại biểu Quốc hội.
Đối với địa điểm tiếp dân, Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc bố trí cơ sở vật chất địa điểm tiếp công dân phải đảm bảo tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác này.
Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.
Theo Tiền phong