"Không có chuyện cát cứ"
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Ninh Thuận) hỏi, theo báo cáo của Bộ có tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu khi xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia. Ông Thông đề nghị làm rõ những cơ quan nào cát cứ? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp nào để khắc phục?
Ngoài ra, hiện nay có một vấn đề khủng bố qua điện thoại, có cả tin nhắn và điện thoại trực tiếp liên quan đến đời nợ thuê, quảng cáo còn khá là phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Vậy Bộ trưởng có giải pháp hiệu quả như thế nào để chấm dứt tình trạng trên trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, về mặt luật pháp thì không có dữ liệu của bộ ngành, địa phương mà có dữ liệu của Chính phủ và Chính phủ quyết định việc chia sẻ, xây dựng.
Nhưng về tâm lý cũng có câu chuyện, một là có đơn vị xây dựng xong cơ sở dữ liệu nhưng chưa yên tâm có chính xác hay không nên đắn đo cân nhắc là có nên mang ra cho mọi người dùng.
Hai là, có cơ quan đắn đo nếu cho các đơn vị khác kết nối vào, nếu không đảm bảo an toàn thông tin, mất dữ liệu thì mình phải chịu trách nhiệm.
“Tất nhiên cũng có tâm lý dữ liệu là một loại tài nguyên, tài sản, nếu chia sẻ cho nhiều người biết thì quyền của mình nhỏ đi, đó cũng là tâm lý thật", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định, tám cơ sở dữ liệu đã kết nối "đến giờ phút này không có chuyện cát cứ, kết nối và chia sẻ hiệu quả". Đây là những kinh nghiệm ban đầu. Năm tới, Bộ sẽ chính thức yêu cầu các bộ ngành, địa phương công khai các dữ liệu của đơn vị mình.
Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Thông về tình trạng "khủng bố" qua điện thoại như đòi nợ thuê, quảng cáo gây ảnh hưởng đến người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi tháng trong năm 2022, Bộ nhận được khoảng 30.000 phản ánh của người dân về cuộc gọi rác, "khủng bố".
Thời gian qua, các đơn vị đã dùng công nghệ rất tốt nên tin nhắn rác đã không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, các cuộc gọi rác lại đang nổi lên. Điện thoại rác là vấn nạn toàn cầu, ở Mỹ, mỗi người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan hàng tháng gấp 3 Việt Nam.
Gần đây, Bộ đã chính thức công bố số điện thoại để người dân phản ánh về cuộc gọi rác này. Về giải pháp lâu dài, ông Hùng nói phải dùng công nghệ.
"Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi rác và chủ động ngăn chặn. Mỗi tháng chúng tôi chặn 30.000-40.000 cuộc gọi rác. Những tháng gần đây cuộc gọi rác được xử lý tốt hơn", Bộ trưởng nói.
Sẽ thanh tra quảng cáo trên Facebook, TikTok
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phản ánh trên các nền tảng và mạng xã hội như Facebook hay TikTok, hàng giả, hàng nhái được chào bán một cách rất công khai. Đại biểu hỏi Bộ trưởng TT&TT giải pháp xử lý tình trạng này như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận vấn đề chủ yếu hiện nay là trên các nền tảng xuyên biên giới xuất hiện nhiều quảng cáo sai sự thật, nhất là trên Facebook, YouTube…
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo bởi hiện nay đã hoàn thiện quy định pháp luật. Với những thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là quảng cáo thực phẩm chức năng, ông Hùng nhấn mạnh thuộc quản lý của các bộ chuyên ngành nên cần xem xét quảng cáo đã đúng pháp luật chưa.
“Các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc thẩm tra, đánh giá lĩnh vực và địa bàn của mình. Bộ TT&TT có thể rà quét, phát hiện nhưng việc đánh giá cần các cơ quan chuyên ngành”, ông Hùng nói và đề nghị các bộ ngành, địa phương cần chung tay vào cuộc để xử lý quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới.