Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần 3 tháng đầu năm 2022 của FLC chỉ đạt 1.085 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2021. Đâu cũng là mức thấp nhất trong một quý của tập đoàn này tính từ năm 2016 đến nay. Giá vốn hàng bán cũng doanh nghiệp đã được tiết giảm 54% so với cùng kỳ năm trước song do doanh thu giảm mạnh nên FLC lỗ gộp 14,3 tỷ USD, trái ngược với khoản lãi gộp gần 108 tỷ đồng trong quý I/2021.
Chi phí tài chính vọt lên 161 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay và dự phòng các khoản đầu tư khiến tập đoàn này lỗ sâu hơn từ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, FLC còn chịu lỗ 265 tỷ đồng vì khoản đầu tư trong các công ty liên doanh - liên kết, trong khi quý I năm ngoái khoản mục này có lãi gần 18 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí khác, FLC thông báo lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 43 tỷ đồng.
Theo lý giải của ban lãnh đạo FLC, doanh thu hợp nhất giảm mạnh trong quý vừa qua là do tập đoàn phải thu hẹp mảng kinh doanh thương mại, bên cạnh đó, doanh thu bất động sản cũng giảm mạnh do dịch Covid-19 tăng trên cả nước làm hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các công trình. Điều này dẫn tới chậm bàn giao các dự án và không ghi nhận được doanh thu bán bất động sản.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng của tập đoàn cũng sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hồi đầu năm 2022, doanh nghiệp này thậm chí đặt mục tiêu doanh thu là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Con số này chưa tính thêm hàng không và đầu tư thi công - hai lĩnh vực liên quan mật thiết tới hệ sinh thái FLC. Nếu bổ sung hai mảng này, kế hoạch doanh thu của Tập đoàn FLC cho toàn bộ hệ thống sẽ là 42.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đặt ra trước khi ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung chưa vướng lùm xùm liên quan đến cáo buộc thao túng giá cổ phiếu. Với kết quả kinh doanh quý I như hiện tại, FLC sẽ cần phải bứt tốc trong 3 quý cuối nếu muốn hoàn thành kế hoạch đặt ra.
Tính đến hết ngày 31/3/2022, FLC có tổng tài sản cân đối với nguồn vốn đạt gần 35.500 tỷ đồng, vẫn tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, tập đoàn có vốn chủ sở hữu đạt hơn 9.350 tỷ đồng và hơn 1.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tập đoàn này cũng có hơn 26.000 tỷ đồng nợ phải trả.
HĐQT FLC hiện chỉ còn lại 3 thành viên gồm ông Đặng Tất Thắng - người vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT vào ngày 31/3 thay ông Trịnh Văn Quyết, bà Bùi Hải Huyền - Tổng Giám đốc FLC và ông Lã Quý Hiển - Phó Tổng Giám đốc FLC. Ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung đã thôi giữ chức vụ chủ chốt trong tập đoàn sau khi bị khởi tố.
Ban kiểm soát của FLC còn 3 người gồm ông Nguyễn Chí Cương, bà Phan Thị Bích Phượng và ông Nguyễn Đăng Vụ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Cương và bà Phan Thị Bích Phượng đã gửi đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Ban Kiểm soát tới Hội đồng quản trị Tập đoàn, hôm 15/4. Tập đoàn này cho biết sẽ báo cáo và trình Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn FLC thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm soát đối với 2 thành viên tại cuộc họp gần nhất.
Hôm 20/4 vừa qua, FLC cho biết sẽ triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền.
Tính đến cuối tháng 3/2022, FLC nắm giữ ba mã khoản đầu tư cổ phiếu là AMD của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD), CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI) và KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS. Trong đó, khoản đầu tư vào Nông dược HAI có giá trị lớn nhất, lên tới gần 261 tỷ đồng. Do giá cổ phiếu HAI tụt dốc nên Tập đoàn FLC phải trích lập dự phòng 143 tỷ đồng tại ngày 31/3/2022, cao gần gấp đôi mức dự phòng 73,7 tỷ đồng tại ngày đầu năm.
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu FLC liên tục tăng mạnh hoặc tăng trần. Kết phiên ngày 29/4, FLC dừng ở giá 8.820 đồng/cổ phiếu sau khi tăng trần, dù vậy, mã này vẫn giảm hơn 60% so với giá đỉnh lập vào hồi đầu năm là 22.550 đồng/cổ phiếu.