Nhìn lại năm 2022, nhu cầu bị dồn nén từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy doanh số bán ô tô/xe máy trong năm 2022.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn tồn tại đối với ngành ô tô như tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu, đặc biệt là một lượng lớn chip bán dẫn cho hoạt động sản xuất, nhưng điều này lại tạo cơ hội cho các đại lý nâng giá bán cao hơn tới 50% trên mỗi chiếc xe.
Tổng hợp của VAMA cho biết, trong năm 2022, lượng xe ô tô bán ra tại Việt Nam lên đỉnh điểm vào tháng 4-5 ở ngưỡng 40.000 - 45.000 xe/tháng.
Về thị phần ô tô, theo SSI research, hãng Toyota vẫn dẫn đầu trong lòng người Việt khi thị phần của hãng này tăng từ 17,5% lên tới 22%, chiếm vị trí top 1 trong năm 2022, vượt qua Hyundai và Kia. Lượng xe du lịch tăng 48%, trong khi lượng xe thương mại và xe chuyên dụng không có tăng trưởng.
Nhờ các chính sách hỗ trợ ngành, năm 2022 hàng loạt doanh nghiệp phân phối ô tô báo lãi, đặc biệt trong quý IV/2022, doanh thu mà các doanh nghiệp Việt Nam đạt được đã lên đến cả nghìn tỷ năm 2022. Nổi bật phải kể đến một số đơn vị thắng lớn như Savico 7.029 tỷ đồng, City Auto 2.247 tỷ đồng, Haxaco 1.598 tỷ đồng,… Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế còn tồn tại sự phân hoá khác nhau.
Doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận là Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM – mã chứng khoán: VEA). Quý cuối năm, doanh thu thuần của công ty đạt 1.267 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lãi sau thuế lại cao hơn doanh thu, đạt 2.531 tỷ đồng, tăng 34% so với quý IV/2021. Lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ nhóm công ty liên doanh, liên kết là Honda, Toyota, Ford. Khoản lãi này lên 30% so với quý III/2022.
Còn anh cả trên bảng doanh thu phải kể đến CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico – Mã chứng khoán SVC) khi ghi nhận cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng sản lượng bán xe. Tại quý IV/2022, Savico đạt 7.029 tỷ đồng doanh thu và 164 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 30% và 34% so với cùng kỳ.
Savico cho rằng, lợi nhuận tăng là nhờ hoạt động kinh doanh tăng trưởng đáng kể so với mức nền thấp cùng kỳ. Thêm vào đó, công ty còn gia tăng sản lượng xe mới và còn mở rộng thêm các hệ thống, dịch vụ. Nhìn lại năm 2021, Savico sở hữu 48 showroom, phân phối chủ yếu các dòng xe như Toyota, Ford, Huyndai, Mitsubishi, Volvo, Honda... với 7,57% thị phần toàn thị trường. Trong đó, công ty có thị phần phân phối lớn nhất với dòng xe Toyota và Ford.
Về "ông trùm" bán Mercedes-Benz, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán: HAX) trong quý IV lại chứng kiến kết quả kinh doanh đi lùi, cụ thể mức doanh thu chỉ đạt 1.598 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng, giảm hơn 60%.
Tuy nhiên, nếu tính cả năm 2022, công ty vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 22% và 49% so với năm 2021 do thị trường kinh doanh xe ô tô tốt, lãi suất cho vay thấp làm cho kết quả kinh doanh cả năm của HAX vẫn tăng trưởng.
CTCP City Auto (Mã chứng khoán: CTF) - đơn vị ủy quyền chính thức của Ford Việt Nam, ghi nhận doanh thu tăng đến 34% so với quý IV/2021 nhưng lợi nhuận lại đi lùi nhẹ 5% do lượng vay nợ chiếm 80% nguồn vốn công ty.
Sang năm 2023, Chứng khoán SSI dự báo mức tiêu thụ ô tô sẽ giảm tốc tăng trưởng. Sau năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính lượng xe bán ra năm 2023 chỉ tăng 5% so với năm 2022, vượt qua mốc 500.000 xe (theo dự báo của EIU). Tình trạng thiếu chip ô tô và gián đoạn chuỗi cung ứng khả năng sẽ không ảnh hưởng tới thị trường nửa cuối năm 2023.
Tình hình kinh tế khó khăn mang lại nhiều thách thức: Khi điều kiện kinh tế xấu đi, tiêu thụ ô tô và giá bán ô tô tại các đại lý có thể không còn cao như trong năm 2022, do người tiêu dùng giảm thiểu chi tiêu trong thời kỳ suy thoái. Bên cạnh đó, việc mua trả góp một phương tiện mới sẽ đắt đỏ và khó khăn hơn.
Các hỗ trợ của chính phủ (bao gồm cắt giảm lệ phí trước bạ và trì hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt) đã kết thúc, do mức tiêu thụ đã trở lại mức trước Covid.