Thân phận bất hạnh, nhà nghèo càng làm cho nghị lực của ông Phạm Văn Hậu - người đàn ông không chân trở nên phi thường. Tình yêu đến muộn trong sự không tưởng đã dệt nên cuộc đời đầy chất thơ của ông. Chiếc xe 3 bánh đã chở ông và tình yêu không biên giới tới bến bờ hạnh phúc. Một phong cách sống đáng được ngưỡng mộ trong thế giới đầy ồn ào, đổi thay của thị phi.
Dáng người nhỏ thó của ông Tám trên chiếc xe ba gác tự chế của mình.
"Cụt chân thì đã sao"?
Đến ấp Bình Đường 1, xã An Bình, huyện Dĩ An, Bình Dương không ai không biết đến người đàn ông tàn tật tên Phạm Văn Hậu (biệt danh Tám “không chân”). Ông Hậu bị teo hết hai chân nhưng vẫn cần mẫn chở hàng thuê trên chiếc xe máy ba gác. Gặp ông Tám vào một buổi trưa nắng chói chang, khi ông vừa đi làm về. Chúng tôi ngỡ ngàng trước con người nhỏ thó, với đôi chân co quắp, da bọc lấy xương và mái tóc muối tiêu... nhưng khuôn mặt thì rất đôn hậu.
Ông Tám kể: "Tôi sinh ra trong 1 gia đình nghèo, có 8 người con, tôi là thứ 8. Mẹ sinh ra, tôi bình thường như bao đứa trẻ khác. Tôi được cha mẹ hết lòng yêu thương chăm sóc. Tai họa ập đến khi tôi lên 3 tuổi, vào cái chiều hè oi ả, định mệnh. Tôi bị sốt dẫn đến biến chứng gây teo cơ. Cha mẹ đã phải bán hết trâu bò, những đồ dùng giá trị trong nhà để chữa bệnh nhưng tất cả đều vô vọng. Tôi ngồi xe lăn và bắt đầu dùng đôi tay bước vào cuộc đời đầy gió bụi. 10 tuổi, tôi quyết định nghỉ học, đi bán vé số giúp cha mẹ".
Ánh mắt sáng, giọng nói trong trẻo, khỏe khoắn của một người đàn ông gần 50 tuổi, cho thấy, cuộc đời ông Tám trải qua hàng trăm công việc với đầy nỗi gian truân. Ai cũng biết, bị cụt cả hai chân, sinh hoạt khó khăn thế nào nhưng ông Tám đã tự bước qua mặc cảm để chống chọi với đời.
Ông Tám muốn khẳng định một chân lý rằng: Tôi cụt chân nhưng không phế. Ông đã kinh qua rất nhiều nghề từ buôn gạo, buôn thuốc lá, đến bán bánh, sửa xe đạp và cuối cùng là chở hàng thuê bằng chiếc xe ba gác cà tàng. Mọi công việc ông đã kinh qua, ông đều làm một cách tốt nhất có thể và những người hợp tác với ông trong công việc đều thấy an tâm trước sự chu toàn của người đàn ông cụt chân nhưng có tâm sáng này.
Cuộc sống khó khăn vất vả là thế, nhưng ông Tám chưa bao giờ than thân trách phận. Ông tự bạch: "Không chân thì đã sao? Có chân thì thế nào? Tôi có chân mà cũng xem như không có từ lâu rồi".
Người thân của ông Tám cho biết: Dù tật nguyền là thế nhưng ông không ỷ lại, không dựa dẫm một ai, kể cả anh em, bạn bè của mình. Ông mải miết đi làm, chắt chiu từng đồng để cuộc sống gia đình đỡ khó khăn. Chính vì vậy, nhiều người tự nguyện giúp đỡ ông và gia đình. Những khi vợ chồng ông bận đi làm, họ luôn sẵn lòng nhận trông dùm đứa con thứ hai.
Khi người nhà ông ốm đau, bệnh tật đột xuất, họ luôn sốt sắng thăm hỏi đưa đi viện. Ông Tiến, hàng xóm, cũng là bạn thân của ông Tám tỏ ra nể phục: "Anh ấy yếu, bệnh tật thế mà siêng lắm, ai có việc gì mướn là anh ấy làm ngay".
Tình không ranh giới
Nhắc đến vợ, ông Tám nói: "Vợ tôi, bà ấy là tài sản lớn nhất đời tôi". Ông kể: "Tôi thế này, nào dám mơ ước, chỉ đắp đổi qua ngày. Khi có người thương, tôi cũng quyết liệt lắm. Sợ làm khổ người ta nhưng mong muốn về một gia đình vẫn thôi thúc tôi. 43 tuổi, tôi mới biết tình yêu là gì. Vợ tôi là người phụ nữ hiền lành. Lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai con người ở độ tuổi quá lớn diễn ra trong thầm lặng. Tôi ấn tượng với ánh mắt biết nói của vợ. Cuộc gặp gỡ ấy cũng là định mệnh.
Tình yêu của chúng tôi bị gia đình vợ cấm. Vì cho rằng tôi không thể có con lại tật nguyền sẽ làm khổ con gái mình. Chúng tôi vượt qua tất cả rào cản để đến với nhau. Tình yêu của tôi đủ lớn để vợ cảm thấy ấm áp và tin cậy.
7 năm chung sống, vợ chồng ông Tám sinh 2 con. Cô con gái đầu xinh xắn đã 6 tuổi; cậu con trai nhỏ 3 tuổi rất hiếu động, thông minh... đã khẳng định rằng, tình yêu của vợ chồng ông Tám là không ranh giới, không phân biệt. Cuộc sống gia đình ông vẫn bộn bề những khó khăn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười khi gia đình đông đủ.
Hàng xóm của ông Tám xác nhận: "Chưa thấy họ to tiếng bao giờ". Bà Nên, vợ ông Tám tâm sự: "Tui thương ổng tật nguyền mà phải bôn ba ngược xuôi, lại lo cho vợ con hết lòng nên ổng nói gì tui cũng phải suy nghĩ lại".
Những lúc rảnh rỗi hai vợ chồng ông đều dành hết thời gian cho con cái với tất cả tình yêu thương và nghĩa vụ thiêng liêng của người cha, người mẹ". Niềm mơ ước nhỏ nhoi đối với ông bà Tám: "Mong sao mai sau chúng sẽ khôn lớn nên người, bước vào đời một cách bình thường như bao đứa trẻ khác, không như cha chúng nó phải bước trên dòng đời bằng sức mạnh của đôi tay".
Chia tay gia đình ông Tám, chúng tôi đặt nhiều câu hỏi, giá như họ lành lặn, liệu có hạnh phúc thế không? Tình yêu không ranh giới của người khuyết tật như ông Tám đáng được trân trọng hơn bao giờ hết.
H. Minh - T. Thoại