Thương người lính mù
Suốt 30 năm, người phụ nữ ấy tần tảo nuôi đủ bảy người con ăn học thành tài và một người chồng mù.
Vừa bước tới cửa căn nhà ở khu phố 2A (phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM), chúng tôi đã thấy dáng người phụ nữ đang lúi húi quét dọn. Đó là cô Hồ Thị Hiếu (SN 1954, quê TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), người phụ nữ tần tảo được nhắc đến. Cô Hiếu tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền từ trên gương mặt đôn hậu, nhẹ nhàng mời chúng tôi ngồi, rồi nói: "Chút xíu nữa là cô đi chợ mất rồi!".
Người phụ nữ 30 năm tần tảo nuôi bảy con với một chồng mù. (Ảnh H.M).
Đó là người phụ nữ chịu đựng của 41 năm về trước ở mảnh đất cát bỏng Bình Định. Thuở mà cô vừa sinh con được bảy ngày vào năm 1972 thì chồng cô trốn nhà theo cách mạng trên Núi Bà. Lúc bấy giờ, sợ chồng cô bị bắt đi quân dịch cho ngụy nên bà dì ruột chồng mới về kéo đi cách mạng. Hồi đó, người giao liên đưa tin có ghé nhà cô, gia đình cô thăm hỏi thì được biết chồng cô vẫn đang chiến đấu ở miền Nam. Đến khi giải phóng miền Nam về, cô vẫn nghĩ chồng cô còn sống, nhưng đợi mãi mà không thấy chồng về, mẹ chồng cô lên thẳng chính quyền xã hỏi han thì mới nhận được hung tin là chồng cô đã mất năm 1974. Cú sốc ấy làm cô như suy sụp hoàn toàn.
Chồng mất, cô ở vậy nuôi con bên nhà mẹ chồng ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định). Người lính trở về từ chiến trận là hàng xóm của nhà mẹ chồng cô tên là Trần Quý (SN 1945) đem lòng thương yêu cô. Cô cảm mến cái tình thương ấy, lại thêm tình thương với người chiến sĩ trở về từ chiến trường đã bị cướp đi ánh sáng đôi mắt. Nhưng vì nghĩa, cô vẫn chưa có quyết định rõ ràng. Mãi đến khi bên gia đình mẹ chồng cô gật đầu đồng ý thì cô mới nhận lời chú Quý.
Lấy nhau xong, cô Hiếu ở Bình Định làm ruộng. Cô làm ba bốn mẫu lúa, phải thuê trâu bò cày, mướn người cấy. Tuy vất vả làm lụng nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Nhiều lúc cô cảm thấy cũng khổ nhưng chưa khi nào cô cảm thấy hối hận vì đã lấy một người mù. Cô Hiếu chia sẻ: "Tuy chồng tôi không còn thấy ánh sáng nhưng tâm hồn anh ấy rất trong sáng. Anh ấy luôn yêu thương vợ con, giúp được gì là giúp. Tôi thấy nhiều người ngoài xã hội lành lặn nhưng đối đãi với vợ con không ra gì, nhìn lại chồng mình, tôi thấy hãnh diện lắm. Bản thân anh ấy cũng nghĩ ngày trước mình hy sinh vì đất nước thấy có nhiều người không thể trở về, mình còn sống và có vợ con như vậy là may mắn lắm. Biết khổ vợ con, nhưng không thể vì thế mà nhụt sức sống…".
Tấm ảnh hiếm hoi mà vợ chồng cô Hiếu chụp chung.
Tần tảo nuôi bảy con với một chồng
Gia đình hiếu học Thời còn ở Đắk Lắk, cả bảy người con của cô Hiếu - chú Quý năm nào cũng lãnh được bằng khen học sinh giỏi. Gia đình cô chú năm nào cũng nhận được danh hiệu "Gia đình hiếu học"… |
Năm 1985, khi ấy cô đã có ba người con Trần Duy Thân (SN 1978), Trần Duy Vinh (SN 1980), Trần Duy Phương (SN 1983) và đang mang thai Trần Duy Nam thì gia đình cô chuyển lên Đắk Lắk sống. Khi đi, tài sản của gia đình cô chỉ là ba người con nhỏ. Ở đây, gia đình cô được Nhà nước cấp cho một căn nhà. Lúc đầu vốn không có, cô phải mang bụng bầu đi làm thuê làm mướn, ai kêu gì cô cũng làm như làm cỏ, cấy hái... Nhưng việc làm thuê vừa nặng nhọc lại không đủ tiền nuôi bốn miệng ăn trong nhà nên cô chuyển sang làm bánh hỏi. Làm bánh bán ở chợ được một thời gian cũng chẳng ăn thua nên năm 1987, cô chuyển sang đi buôn. Mới đầu, cô mượn tiền bạn bè, bà con để đi buôn cà phê. Từ ngày ấy, cô mới có được chút vốn dành dụm mua được mảnh đất 1,3ha để trồng cà phê. Cô vừa làm rẫy vừa buôn cà phê mất hai năm thì cà phê mới có thu.
Đôi bàn tay yếu mềm cô chăm sóc nhưng mỗi năm cà phê cũng thu được bảy tấn nhân. Khi cà phê chưa có thu hoạch cô phải mượn tạm ở đại lý, chạy vạy nhiều nơi để nuôi các con học hành. Đến khi cà phê có thu thì lại hoàn trả lại cho tiệm, cứ thế mà cũng nuôi các con được thành tài. Có tiền từ thu nhập cà phê, cô lại mua thêm 2,3ha đất để canh tác. Còn chú Quý thì cứ đau ốm liên miên, sốt rét triền miên. Một tháng có đến 20 ngày chú bệnh tật phải đi viện, cô phải xoay như chong chóng mới chu toàn được. Nhà tuy không khá giả nhưng được cái chan hòa tình cảm. Vì thế cô chú lại "tăng thêm nhân khẩu", sinh đều đều thêm bốn người con nữa. Khó khăn chồng khó khăn, một tay cô lại gồng gánh gia đình 7 con với một chồng mù.
Cuộc đời cô 59 năm mà vẫn chưa hết trăn trở. Cô vừa làm cha, vừa làm mẹ của lũ trẻ, vừa ngoài đồng vừa trong nhà, tất tần tật đều chỉ một tay cô lo liệu. Cô Hiếu cho biết: "Hiện tại còn bốn đứa con chưa ra trường tôi còn phải lo, rồi còn phải lo chồng vợ cho chúng. Các anh chúng cũng phụ giúp nhiều, nhưng tôi vẫn chưa yên tâm được".
Thời còn ở Đắk Lắk, khi ba người con đầu của cô đi học ở Sài Gòn, bốn người con sau thì còn quá nhỏ nên không phụ được mẹ làm ruộng. Cô thì đã yếu nhiều sau mấy năm lao khổ. Năm 2010, một vài người con cô tốt nghiệp ra trường cô mới đỡ khổ nhưng cũng không thể lo được công việc ở rẫy, cô mới bán đi 2,3ha và vào TP.HCM cùng bảy người con. Căn nhà và 1,3ha đất rẫy trên Đắk Lắk thì cho người con của chồng đầu cô canh tác. Bây giờ, cô Hiếu đã lớn tuổi, những người con của cô ra trường đứa trước nuôi đứa sau học hành. Với các con cô cũng không thể dạy được nhiều. Nhưng chúng luôn tự hiểu tự biết phải làm gì. Cô chỉ khuyên: "Các con thấy ba mình là thương binh không thấy đường thấy ngõ, cuộc sống rất khổ nhưng vẫn đầy ý chí. Mẹ thì cực khổ đã đành. Các con mắt tỏ thì ráng mà học để sau này bớt khổ, giúp ích cho bản thân và xã hội. Cha mẹ cũng chẳng mong gì nhiều".
Bản thân các con của cô Hiếu cũng rất giỏi. Ai nấy đi học cũng đều được học sinh giỏi. Hiện tại hai người con đầu của cô Hiếu đang là giám đốc của hai công ty, một người nữa thì cũng có công việc ổn định, thu nhập khá. Cô Hiếu vui vẻ cho biết: "Thuở trước, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy mệt vì nuôi các con ăn học tốn kém. Nhưng sau khi thằng con đầu đi học đại học tôi lo được thì tôi lại nghĩ thôi thì đầu xuôi đuôi phải lọt. Đứa lớn đi học được thì đứa nhỏ cũng phải được đi học cho nó cân bằng. Thôi thì mình phấn đấu hơn nữa để các con có tương lai tươi sáng, cho dù khó khăn cỡ nào cũng chịu được. Năm 1993, một cơ quan y tế địa phương về chữa mắt cho chồng tôi, anh ấy đã thấy được một bên. Tuy nhiên, hiện tại mắt ấy lại đang bị viêm. Người anh ấy bị thương rất nhiều, chỗ nào cũng có mảnh đạn găm, răng thì gần như đã hết, sức yếu nên cũng không giúp được gì nhiều".
HOÀNG MINH