Hiện tại, Seoul đang gấp rút chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Mùa Đông lần thứ 23 tại Hàn Quốc. Một số quốc gia từng nêu lên lo ngại về vấn đề an ninh tại sự kiện thể thao này bởi nó được tổ chức ở địa điểm cách Triều Tiên chỉ chưa đầy 100km. Thậm chí, một số nước còn cảnh báo sẽ không đưa đoàn thể thao của họ tới tham dự Olympic Mùa Đông nếu tình hình trên bán đảo tạo ra mối đe dọa.
Theo Tiến sĩ David Lowe, chuyên gia an ninh và chống khủng bố, những lo ngại nêu trên là điều dễ hiểu, bởi Olympic diễn ra ở gần biên giới Triều Tiên và những căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington hiện đang ở mức cao. Tuy nhiên, ông sẽ “rất ngạc nhiên” nếu ai đó nói Triều Tiên sẽ thực sự tấn công sự kiện này.
“Tôi nghĩ mối quan ngại lớn hơn cả đó là những cá nhân giống như khủng bố sẽ tiến hành một cuộc tấn công”, Tiến sĩ Lowe nói. Ông lưu ý, Bình Nhưỡng có khả năng thực hiện một số hành động khiêu khích trong thời gian diễn ra Olympic, nhưng Triều Tiên có thực sự muốn làm điều đó hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Theo Tiến sĩ Lowe, vì có rất nhiều các quốc gia khác ngoài Hàn Quốc và Mỹ tham gia vào kỳ Thế vận hội này, nên Bình Nhưỡng sẽ không dại dột để mất đi những mối quan hệ với các quốc gia mà Triều Tiên coi là bạn.
Cùng với đó, ông Lowe khẳng định, sự có mặt của Triều Tiên tại sự kiện lần này có thể làm giảm bớt căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.
“Nói tới thể thao, không thể nói gì khác ngoài tinh thần đoàn kết. Cá nhân tôi hy vọng Triều Tiên sẽ cử vận động viên tham gia sự kiện này và với tinh thần Olympic, nó có thể làm giảm bớt những căng thẳng”, Tiến sĩ Lowe nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Vida Bajc, một nhà xã hội học tại đại học Temple (Mỹ) phân tích việc Triều Tiên tham dự kỳ Olympic năm sau, dù ở bất kỳ hình thức hay quy mô nào, thậm chí chỉ mang tính biểu tượng, cũng rất quan trọng.
Các chuyên gia nhận định, việc Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội cho thấy tinh thần thiện chí, sẵn sàng hợp tác của Hàn Quốc. “Điều đó rất tốt cho quan hệ giữa hai nước”, Tiến sĩ Bajc bình luận.
“Tôi có thể hình dung ra việc Bình Nhưỡng tham gia sự kiện này, dù chỉ mang tính biểu tượng. Theo nhận định của tôi, Ủy ban Olympic Quốc tế luôn sẵn sàng để Bình Nhưỡng tham dự. Về phần Triều Tiên, họ sẽ rất sẵn lòng cử vận động viên tới thi đấu sau khi thấy những nỗ lực từ phía Hàn Quốc thể hiện rằng họ muốn Triều Tiên trở thành một phần của Thế vận hội”, ông Bajc nhấn mạnh.
Theo vị Tiến sĩ này, điều quan trọng ở đây là đã có những cuộc thảo luận giữa các bên nhằm thể hiện thiện chí hợp tác. Các chính trị gia luôn có những vấn đề của riêng họ, nhưng đối với thể thao, luôn có một tinh thần sẵn sàng phối hợp giữa các bên.
“Chúng tôi rất hy vọng và mong các vận động viên Triều Tiên sẽ tham dự Thế vận hội. Đồng thời, chúng tôi cũng hiểu rằng quyết định vào phút cuối vẫn thuộc về Bình Nhưỡng”, Bộ trưởng bộ Thể thao Hàn Quốc Do Jong-hwan trả lời hãng tin Reuters.
Ủy ban Olympic Quốc tế cũng đang tích cực đề nghị Triều Tiên tham gia Thế vận hội lần này. Theo ông Do Jong-hwan, Ủy ban sẵn sàng hỗ trợ Bình Nhưỡng chi phí huấn luyện và các phí phát sinh liên quan trong thời gian tham gia Olympic.
Triều Tiên không có vận động viên tham dự Olympic kể từ Thế vận hội Mùa Đông Sochi năm 2014 tại Nga. Hồi cuối tháng Chín, cặp vận động viên Triều Tiên Ryom Tae-ok và Kim Ju-sik đã giành vé dự Thế vận hội 2018 tại cuộc thi trượt băng nghệ thuật Nebelhorn Trophy ở Oberstdorf, Đức.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc khi đó hoan nghênh việc 2 vận động viên Triều Tiên giành được vé tham dự Olympic Pyeongchang, đồng thời bày tỏ hy vọng việc này sẽ mở đường để Triều Tiên tham dự sự kiện thể thao toàn cầu.
“Chúng tôi hy vọng các vận động viên Triều Tiên, không chỉ môn trượt băng nghệ thuật, sẽ có cơ hội tham gia”, một quan chức cấp cao Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay.
Còn Bộ trưởng bộ Thể thao Hàn Quốc đánh giá đây là một dấu hiệu tích cực. “Việc Triều Tiên có những vận động viên có đủ điều kiện tham dự Olympic là một tín hiệu đáng mừng với chúng tôi”, ông Do Jong-hwan nói.
Theo Reuters, một lý do khác để các lãnh đạo Olympic lạc quan về khả năng Triều Tiên tham dự Thế vận hội 2018 là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được biết đến là một người rất yêu thể thao. Ông luôn chú ý tới việc chi ngân sách cho thể thao để nâng cao mức sống của người dân nước này.
Hồi đầu tuần, theo thông báo của ban tổ chức, 43 lãnh đạo quốc gia và khoảng 6.500 vận động viên từ 95 quốc gia và 6 lục địa đã đăng ký tham dự Olympic Pyeongchang.
Xem thêm: Lý do Tổng thống Trump không thể tuyên chiến với Triều Tiên