Thông tin trên được Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm Moldova Vladimir Bolea đưa ra trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình tổng hợp Jurnal TV của Moldova khi được hỏi về những tổn thất dự kiến nếu Chinisau thực sự rời đi.
“Nhiều người sẽ bị thiệt hại, như nhà sản xuất anh đào, nhà sản xuất mận… Chúng tôi có 14 hiệp định về nông nghiệp trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS, hay còn gọi là SNG). Sơ sơ khi đó chúng tôi sẽ cần ký kết các thỏa thuận song phương với các quốc gia thành viên CIS nơi chúng tôi xuất khẩu hàng hóa của mình”, ông Bolea cho biết.
Bộ trưởng của Moldova lấy Ukraine làm ví dụ. Chính phủ ở đó, giống như ở Chisinau, đã tuyên bố tiến trình xích lại gần EU, nhưng vẫn chưa từ bỏ CIS. “Hôm nay chúng tôi thậm chí còn làm việc với Ukraine trên cơ sở các thỏa thuận CIS. Chúng tôi không có thỏa thuận xuất khẩu nào khác”, ông Bolea cho hay.
“Mọi quyết định mà các chính trị gia đưa ra, dù có vẻ tốt đẹp đến đâu, đều phải tính đến người dân và doanh nghiệp… Chúng ta nên làm gì với hàng nghìn nông dân độc lập, với những người mang anh đào đến Nga? Trước tiên, hãy tạo ra một số cơ hội mới cho họ. Nếu thứ gì đó không cần thiết, nó sẽ tự biến mất”, vị quan chức Moldova chỉ ra.
Theo vị Bộ trưởng, để định hướng lại nguồn cung cho EU, nông dân Moldova sẽ cần đầu tư hàng triệu Euro vào việc hiệu chuẩn và làm mát trái cây.
Trước đó, Chính phủ Moldova đã công bố kế hoạch hủy bỏ 119 trong số 282 thỏa thuận mà nước này đã ký kết trong khuôn khổ CIS. Ngoại trưởng Moldova Mihai Popsoi cho biết Chisinau không có ý định từ bỏ bất kỳ thỏa thuận quan trọng nào đối với đất nước.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, Moldova phải đối mặt với những thách thức kinh tế và xã hội vốn càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Với dân số chỉ 2,5 triệu người, Moldova đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn đến từ Ukraine kể từ tháng 3/2022.
Trong khi tình hình vẫn chưa ổn định và các số liệu không ổn định, tính đến tháng 12 năm ngoái, khoảng 115.000 người tị nạn Ukraine vẫn ở lại quốc gia với chưa đến 1/4 số người trong đó (26.000 người tị nạn) nhận được Quy chế Bảo vệ Tạm thời của Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi Chính phủ Moldova tiếp tục hỗ trợ người tị nạn, cuộc khủng hoảng đã đặt ra những yêu cầu bổ sung đối với các nguồn lực vốn đã hạn chế của nước này.
Moldova dưới thời chính quyền “thân phương Tây” của Tổng thống Maia Sandu ngày càng xích lại gần EU. Chisinau cùng với Kiev đã nộp đơn xin gia nhập khối 27 quốc gia thành viên này vào tháng 3/2022, và cả Moldova và Ukraine cùng nhận được tư cách ứng cử viên EU vào tháng 6/2022.
Trong diễn biến mới nhất, các nước EU đã đồng ý sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập trước tiên với Ukraine và sau đó là với Moldova ở Luxembourg vào ngày 25/6 tới. Việc bắt đầu các cuộc đàm phán vẫn sẽ chỉ khiến 2 quốc gia thuộc Liên Xô cũ bắt đầu một quá trình cải cách kéo dài nhiều năm trước khi cuối cùng họ có thể trở thành thành viên.
Minh Đức (Theo TASS, AFP/France24, Relief Web)