Trở lại với “ao cá trăm tuổi” của ông Giằng, ông cho biết, gia đình nuôi cá chủ yếu nhằm mục đích làm thức ăn chứ không kinh doanh, không bán. Dù trên thị trường giống cá này có giá thành khá cao, khoảng 350 – 500 nghìn đồng/1kg (cá càng to giá bán càng cao). Riêng năm vừa rồi, gia đình ông bắt khoảng 200 con để ung trong các bữa ăn hàng ngày và các dịp lễ tết. Giống cá này có đặc điểm thịt thơm, chắc, ăn rất ngon. Món ngon nhất là cá nướng. Khi nướng cá phải mổ phanh chứ không mổ moi, chặt thành từng miếng vuông bằng bàn tay, ướp gia vị (muối, mằm , mì chính…), sau đó kẹp vào cây vầu bánh tẻ rồi đưa vào than củi núi đá nướng.
“Cá thần” ở Thanh Hóa cùng tên nhưng khác với loài cá Bống ở Hà Giang
Theo anh Nguyễn Văn Đợ, con trai ông Giằng, giống cá Bỗng này ruột nhỏ, ăn ít, dễ nuôi nhưng nhất thiết phải cần nguồn nước sạch và có nước chảy ra vào hàng ngày thì cá mới có thể sống. Thức ăn chủ yếu của cá Bỗng là lá sắn hoặc dây sắn dây, ngoài ra cá có thể ăn cơm nguội, ăn ngô hoặc các thức ăn của trâu, đặc biệt, thứ thức ăn mà cá Bỗng thích nhất đó là ngô mầm.
Anh Đợ cho biết, loài cá Bỗng này rất chậm lớn, nuôi 3 – 4 năm chỉ lên được 7- 8 lạng. Nếu gia đình nào chăm tốt, cho ăn thường xuyên, thì 3- 4 năm mới lên được 1 kg. Chính vì thế, gia đình anh nuôi mấy chục năm rồi mà con to nhất mới chỉ khoảng trên 10kg.
Đặc biệt, ở môi trường nước ao, giống cá này không sinh sản. Hiện, Trung tâm giống thủy sản Hà Giang đã nhân thành công giống cá này bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ trứng của cá cái và tinh của cá đực được lấy giống từ xã Phương Độ. Sau đó, Trung tâm bán giống lại cho người dân với giá 7.000 đồng/con giống (chỉ nhỏ như que tăm). Tuy nhiên, theo ông Giằng, giống cá nhân tạo đó không ngon bằng cá tự nhiên bắt từ các ung. Cá giống từ ung ăn thịt chắc, dai và thơm ngon hơn nhiều.
Theo quan sát của chúng tôi, loài “cá thần” nuôi ở xã Phương Độ có đặc điểm rất giống với “cá thần” ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Môi và vây cá có màu đỏ, mình thon, dài. Ông Giằng tiết lộ, cá ở dưới ao của các hộ dân trong bản chủ yếu là cá cái. Giống cá đực của loài Bỗng này rất hiếm.
Là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt và nuôi cá Bỗng, ông Giằng cho biết, ở trong thôn, chỉ có ông mới nhận biết rõ đâu là cá đực và đâu là cá cái, vì có một lần rất may mắn ông bắt được một đôi cá đang mùa sinh sản ở ung Lô. Con cá cái lúc đó đang đẻ trứng, đặc điểm của cá cái là trên đầu có một vệt dọc đỉnh đầu, thân cá ngắn. Còn cá đực có thân dài hơn, mình thon nhỏ hơn, môi cá đực có mầu đỏ.
Hiện, cá Bỗng đang trở thành món ăn đặc sản được nhiều nhà hàng săn lùng. Anh Nguyễn Văn Quyển, Chủ nhiệm Hợp tác xã du lịch Thôn Tha (làng văn hóa du lịch Thôn Tha, xã Phương Độ) cho biết: Món cá Bỗng đặc sản Phương Độ được rất nhiều người ưa chuộng và là “món tủ” để HTX du lịch của anh hút khách. Vị thịt cá Bỗng khác lạ so với những loài cá khác, rất thơm ngon và chắc. Mỗi khi có khách đặt, anh Quyển phải đến từng nhà trong xã để “gạ” mua với giá bán buôn khoảng 350 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Hồng Quảng, người thôn Tha cũng đang sở hữu một ao cá Bỗng với những con cá khoảng 8 – 10 kg được nuôi từ năm 1977. Ông cho biết, trong thôn Tha chỉ có gia đình ông và gia đình ông Nguyễn Văn Đức là còn lứa cá này (thôn Hạ Thành có ông Giằng). Thời kỳ chiến tranh biên giới, ông Quảng và ông Đức là cán bộ chủ chốt của xã nên còn ở lại, giữ được ao cá đến ngày nay. Tuy nhiên, ông cũng chỉ áng chừng con cá to nhất trong ao có trọng lượng 10 kg, chứ ông chưa bao giờ bắt lên cân thử. Gia đình ông coi những con cá đó như “báu vật” dành để truyền lại cho các con cháu. Những dịp lễ tết, nếu có mổ thì cũng chỉ bắt loại cá khoảng 2 – 3kg.
Với những người dân tại xã Phương Độ thì đây là loài cá có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có gia đình nào nuôi cá Bỗng với mục đích làm hàng hóa để phát triển kinh tế mà chủ yếu nuôi theo phong tục truyền thống có từ lâu đời. Và câu chuyện “cá thần gần trăm tuổi” ở Phương Độ cũng vẫn chỉ là lời đồn mà thôi.
H.Sa