3 người phải nhập viện sau khi ăn tiết canh, 1 người tử vong
Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiết canh lợn khiến một phụ nữ tử vong.
Theo thông tin ban đầu trên báo Dân Trí, ngày 8/10, ông B.Q.H. (66 tuổi), trú xã Thụy Dân, mua tiết lợn của một cơ sở giết mổ trên địa bàn xã Thụy Dân về đánh tiết canh. Sau khi đánh tiết canh xong, ông mời bà B.T.Nh. (69 tuổi - chị gái ông H.) sang nhà ăn tiết canh cùng gia đình.
Tuy nhiên, đến ngày 9/10, có 3 người phải nhập viện điều trị và một trường hợp khác tiếp tục theo dõi tại nhà. Trong ba người nhập viện thì bà Nh. tử vong với chẩn đoán ban đầu là do sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn.
Đáng chú ý, ngoài 4 người trên, cùng sử dụng nguồn tiết lợn tại cơ sở giết mổ còn có 2 người khác, trong đó có 1 người phải nhập viện do rối loạn tiêu hóa, các trường hợp còn lại không có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.
Hiện hai trường hợp còn lại đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, sau khi xảy ra vụ ngộ độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã lấy mẫu bệnh phẩm của người bệnh và đang chờ kết quả.
Đặc biệt sau khi xảy ra vụ việc, Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy đã chỉ đạo Trạm Y tế xã Thụy Dân tham mưu địa phương tiến hành phun khử khuẩn khu vực giết mổ lợn và nhà bệnh nhân.
Đồng thời, yêu cầu cơ sở giết mổ tại xã Thụy Dân tạm thời dừng hoạt động; yêu cầu các cơ sở giết mổ khác không bán tiết sống để làm tiết canh, các quán ăn trên địa bàn không bán tiết canh và các món ăn từ thịt tái, sống.
Cách phòng tránh lây nhiễm
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch.
Người dân thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch, an toàn và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh. Vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, ít gây bệnh cho con vật. Bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu.
Bệnh liên cầu lợn có diễn biến rất nhanh chóng, có thể gây 2 thể: Thể viêm màng não mủ và thể nhiễm khuẩn huyết, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, nuôi hay tham gia giết mổ mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết mà không có phương tiện phòng hộ phù hợp cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da.
“Do đó, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín…; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề… Ngoài ra, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết; cần tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.
Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn. Khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch...
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh. Từ đó, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
Ngoài ra, để phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Ngoài ra, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc...
Trúc Chi (t/h)