Ở Ấn Độ, nạn phân biệt giới tính thật sự là một vấn đề nghiêm trọng đáng lo ngại.
Nghiên cứu cho thấy các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn thường ở khu vực nông thôn, với trình độ học vấn thấp, mật độ dân số cao và tỷ lệ sinh cao.
Năm 2018, cả thế giới chấn động bởi thông tin theo ước tính, cứ mỗi năm lại có khoảng 239.000 trẻ em gái dưới 5 tuổi qua đời ở Ấn Độ do không được quan tâm, liên quan đến nạn phân biệt đối xử dựa trên giới tính.
Trong bài công bố kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Lancet, nhà khoa học Christophe Guilmoto trăn trở: "Sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính đối với trẻ em gái không đơn giản ngăn cản chúng sinh ra mà còn là cái chết của những đứa trẻ đã ra đời".
Ấy vậy nhưng ở xứ này lại có một ngôi làng đặc biệt với một hành động đáng tôn vinh nhằm ngăn chặn nạn phân biệt đối xử giới tính trẻ.
Tại ngôi làng Piplantri nhỏ bé nằm tại Rajasthan, Ấn Độ, cứ mỗi một bé gái chào đời, dân làng lại trồng đủ 111 cây để kỉ niệm.
Hành động này bắt nguồn từ câu chuyện buồn của vị trưởng làng. Sau cái chết của cô con gái Kiran, ông Shyam Sundar Paliwal quyết thề rằng sẽ dùng cả tính mạng của mình để trân trọng cuộc đời của mỗi bé gái.
Bởi vậy Shyam đã kêu gọi mọi người trồng 111 cây non để chào mừng ngày sinh của từng bé gái sinh ra trong làng.
Người dân trồng đủ số cây đó trên các bãi đất công của Piplantri, và tất cả họ phải đảm bảo những cái cây được chăm sóc đến khi thành cây trưởng thành.
Kể từ đó, người ta đã trồng hơn 250.000 cây để chào đón các bé gái đến thế giới.
Theo lệ làng, tất cả người dân Piplantri sẽ quyên góp tổng cộng 21.000 Rupee và thu 10.000 Rupee từ bố mẹ của đứa trẻ sơ sinh, dành 31.000 Rupee (khoảng 465 USD) này gửi tiết kiệm để nuôi đứa trẻ trong 20 năm.
Bố mẹ đứa trẻ phải ký bản tuyên thệ pháp lý, trong đó cam kết rằng con gái của họ sẽ được học hành tử tế, không được kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi và họ phải chăm sóc những cây đã trồng. Những quy định trên nhằm giúp bảo vệ quyền của các bé gái mới sinh, và thúc đẩy sự bền vững và phát triển trong làng.
Dân làng chăm sóc tốt cho các cây được trồng, ngoài ra họ trồng lô hội xung quanh chúng để tránh mối mọt làm hại.
Cựu trưởng làng Shyam Sundar Paliwal cho biết: "Dần dần, chúng tôi phát hiện ra có thể chế biến lô hội và bán trên thị trường theo nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đã mời một số chuyên gia và nhờ họ đào tạo phụ nữ trong làng. Ngày nay, người dân sản xuất và đưa đến thị trường các sản phẩm làm từ lô hội như nước trái cây, gel, dưa chua,…".
Minh Anh (Nguồn Times of India)