Tai nạn diễn ra hôm 19/4, khi những cư dân nghèo khó ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá đổ xô đi nhận khoản quyên góp trị giá 5.000 riyal Yemen (gần 500.000 đồng) từ các thương nhân địa phương trong tháng lễ Ramadan (tháng ăn chay, tháng thứ 9 theo lịch âm của người Hồi giáo. Đây là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của những người theo đạo Hồi).
Vụ việc xảy ra khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Trong khoảng thời gian này của tháng, mọi người bắt đầu quyên góp để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Từ thiện tự phát
Theo ông Naseh Shaker, một nhà báo có mặt tại hiện trường, một hàng người rất dài đã tập trung ở cổng một trường học, nơi được dùng để phân phát thực phẩm và tiền mặt. Khi các quan chức phụ trách mở cổng trường, mọi người bắt đầu đổ xô vào trong, nhà báo này cho biết.
Một nhân chứng khác có mặt trong trường khi vụ xô xát xảy ra cho biết, hơn 3.000 người đã tụ tập để nhận đồ từ thiện, và tất cả họ đều đứng, xô đẩy và trèo lên nhau. “Chúng tôi đã cố gắng bảo họ quay lại, nhưng có quá nhiều người”, người này cho biết.
Các nhân chứng cho biết, lực lượng Houthi đã bắn chỉ thiên nhằm kiểm soát đám đông, nhưng dường như đã bắn trúng đường dây điện, khiến nó phát nổ. Điều này gây ra sự hoảng loạn và mọi người bắt đầu giẫm đạp lên nhau.
Video về thảm kịch ở Sanaa cho thấy cảnh tượng hỗn loạn với hàng trăm người nằm chen chúc nhau, không thể di chuyển và cầu cứu trong tuyệt vọng. Một vài người đàn ông được giải thoát cố gắng kéo những người khác ra khỏi đám đông chết chóc. Hình ảnh sau cùng cho thấy giày, dép chất thành đống, khăn quàng cổ vương vãi trên sàn.
Các thương gia đã tổ chức buổi từ thiện mà không có sự hợp tác với Bộ Nội vụ nước này, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Abdul-Khaleq al-Ajri cho biết. 3 người đã bị giam giữ để điều tra về vụ việc.
Cơ quan quản lý Zakat do Houthi điều hành tuyên bố, họ sẽ trao một triệu riyal Yemen (khoảng 94 triệu đồng) cho mỗi gia đình nạn nhân. Họ cũng sẽ phụ trách việc điều trị cho những người bị thương và hỗ trợ họ 200.000 riyal (gần 19 triệu đồng) mỗi người.
Tỉ lệ nghèo đói tăng cao
Vụ giẫm đạp và số người chết quá lớn phản ánh tỉ lệ nghèo đói hiện nay ở Yemen, theo ông Ahmed Nagi, nhà phân tích cấp cao về Yemen tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, Bỉ.
“Tỉ lệ nghèo đói đã tăng lên rất nhiều và có nhiều người cần giúp đỡ hơn. Trước đây, các thương nhân chỉ cần giúp đỡ khoảng 1.000-2.000 người, nhưng giờ con số đã lên tới 5.000-10.000 người”, ông Nagi cho biết.
Tình hình này đang diễn ra nghiêm trọng trên khắp Yemen, nhưng đặc biệt tồi tệ ở các khu vực do lực lượng Houthi nắm giữ, Gần 65% dân số Yemen nằm dưới sự kiểm soát của Houthi.
Theo ông Nagi, Houthi giải quyết các vấn đề kinh tế ở các khu vực do họ kiểm soát “như thể không phải việc của họ. Ông cũng cho rằng các cuộc khủng hoảng khác nhau đang gây ra cho các thành phố của Yemen là do chiến tranh, phong tỏa hoặc các tác nhân nước ngoài khác.
“Sự hỗ trợ là không đủ, và chính quyền không quan tâm đến các điều kiện của xã hội… đó là nguyên nhân sâu xa của vấn đề”, ông Nagi nhận định.
Nhà báo người Yemen Shaker cho biết, thảm kịch hôm 19/4 là kết quả của nhiều năm tuyệt vọng về kinh tế, và cộng đồng quốc tế nên “hành động ngay” để ngăn chặn chiến tranh.
Khủng hoảng nhân đạo
Cuộc khủng hoảng ở Yemen được Liên Hợp Quốc mô tả là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. 9 năm chiến tranh đã khiến hàng nghìn người bỏ mạng, phá hủy nền kinh tế và n khoảng 21,6 triệu người (2/3 dân số đất nước) rơi vào tình trạng cần được hỗ trợ nhân đạo. Hàng chục nghìn người Yemen đang sống trong nạn đói, theo tổ chức này.
Xung đột ở Yemen bắt đầu như một cuộc nội chiến vào năm 2014, khi lực lượng Hồi giáo cực đoan Houthi xông vào thủ đô Sanaa và lật đổ chính quyền được quốc tế công nhận và được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn. Quy mô cuộc chiến trở nên rộng lớn hơn vào năm 2015, khi một liên minh do Ả Rập Xê-út dẫn đầu nỗ lực đánh trả Houthi.
Tuy nhiên, cuối cùng nó đã trở thành một cuộc đối đầu giữa Iran – quốc gia bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho người Houthi và Ả Rập Xê-út, và là đấu trường chính để họ cạnh tranh, giành sức ảnh hưởng trong khu vực.
Mới đây, một phái đoàn Ả Rập Xê-út đã đến Sanaa để đàm phán với người Houthi nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Các cuộc đàm phán đã mang lại kết quả chưa từng có với việc trao đổi 900 tù nhân từ cả 2 bên.
Nguyễn Tuyết (Theo CNN, NDTV, CGTN)