Anh và chị đều là những người có số phận éo le, bởi anh là trẻ mồ côi còn chị sống cùng người mẹ bị bệnh hiểm nghèo. Anh sống ở cô nhi viện tới tuổi 15 thì bắt đầu ra đường bươn chải. Ngày ngày anh theo những đứa trẻ khác lang thang tìm việc. Bán báo, đánh giày rồi đến bán vé số, cứ có việc là anh nhận hết. Nhưng thời buổi kinh tế thị trường đổi khác, người ta đọc báo mạng nhiều hơn báo giấy bán dạo dọc đường, còn giày người ta cũng đi giày bata nên chẳng mấy ai cần xi đánh bóng, có chăng chỉ là mấy cụ già với thói quen nhâm nhi ly trà nóng mỗi buổi sáng bên bờ hồ.
Anh sống vật vờ với đồng tiền ít ỏi mỗi ngày cho đến khi gặp mẹ chị. Mẹ chị tuy sức yếu nhưng vẫn cố bán vé số dạo, bà thường gặp anh và cũng rất thương đứa trẻ mồ côi ấy. Mỗi buổi trưa ngồi nghỉ, bà thường chia cơm cho anh ăn nếu anh không bán được hàng. Một dạo nọ, chị đưa cơm ra cho mẹ và gặp anh. Ban đầu, chị coi anh như người xa lạ nhưng lâu dần, anh chị trở thành bạn của nhau.
Nhà nghèo, chị chỉ học hết cấp một cho biết mặt chữ rồi nghỉ để phụ mẹ kiếm tiền. Bởi thế việc đến trường với chị bỗng trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết. Từ ngày đó, chị theo hàng xóm đi làm thuê. Vốn dĩ biết mình sức yếu, chưa có kinh nghiệm nên chị rất chăm chỉ và không bao giờ đòi hỏi hơn thua.
Qua những lời mẹ chị kể, anh thầm thương và cảm phục cô bé ấy từ bao giờ không hay biết. Thời gian trôi nhanh, hai đứa trẻ ngày nào cũng đến độ tuổi niên thiếu. Anh 20 tuổi, còn chị bước qua tuổi 18.
Lúc này, với thân hình cao lớn, vạm vỡ anh dễ tìm cho mình được một công việc như ý. Còn chị được người quen của mẹ xin cho công việc làm công nhân vệ sinh đường phố. Tuy lương không cao nhưng công việc của chị ổn định, về lâu dài có cả lương hưu nên hai mẹ con chị rất vui. Chị là thế, biết hài lòng với cuộc sống và không bao giờ thắc mắc vì sao phải thế này mà không được như những cô thiếu nữ khác. Chị còn cảm thấy hạnh phúc vì mỗi ngày được làm việc, để có thêm tiền chăm sóc mẹ.
Chị đi làm khuya, vẫn thường gặp anh đi về trên con đường ấy. Họ chào hỏi nhau, đôi khi trò chuyện với nhau. Có lúc anh mua cho chị bánh bao nóng hổi hoặc bánh mì trứng để chị ăn khuya. Có lúc chị đem theo chiếc kẹo, cái bánh làm quà cho anh. Họ không gọi “anh” xưng “em” mà xưng “cậu”- “tớ”, đôi khi chị cao hứng gọi “anh” thế là cả hai nhìn nhau cười như vừa nghe chuyện hài. Ngượng ngùng có, thân thiết có, thương mến có… Lâu dần, một thứ tình cảm đặc biệt thắp lên trong lòng cả anh và chị, nhưng họ không biết đó là gì nên cứ thế mà bên nhau như trước giờ vẫn làm.
Một ngày cuối năm, trời lạnh cắt da, chị vẫn như thường lệ làm công việc quen thuộc trên phố. Lúc đó, anh bước đến bên chị nhưng lần này anh không hồn nhiên mà có chút ngập ngừng: “Tớ… à… anh có món quà muốn tặng em”. Nói rồi anh đưa chị một chiếc khăn mỏng: “Không biết em mặc vừa không?”.
Chị nhìn anh rồi đưa chiếc khăn lên quàng, thật sự rất ấm. Mắt chị cay xè, ướt át thêm lần nữa, vài giây sau, chị òa khóc trước mặt anh mà không thể kiềm chế. Thực ra, chị cũng yêu anh từ lây lắm rồi, nhưng chị bỗng lo sợ về tương lai mai này. Nhưng rồi, anh cứ ở bên động viên, khiến chị vững tin hơn vào tương lai của hai người.
Ngày chị đón tuổi 22, mẹ chị qua đời. Chị đã khóc đến ngất đi, chị ngất trong vòng tay vững chãi của anh. Giờ chị nhận ra, chị đã không còn ai thân thích bên cạnh, chị trở thành mồ côi, chị không còn gia đình… Và chị nghĩ đến cái chết. Nhưng dường như anh hiểu được sự mất mát to lớn của chị, anh nhẹ nhàng an ủi chị, cho chị mượn bờ vay để tựa vào, mượn tấm áo lau nước mắt và còn nói với chị những điều chị chưa bao giờ nghĩ tới. “Anh sẽ là chỗ dựa cho em. Đừng bỏ cuộc nhé”, nghe tới đây, nước mắt chị tuôn rơi.
Một ngày, người ta gọi cho chị nói rằng anh bị tai nạn trong lúc lao động. Lúc đó, tim chị đau nhói, chị bỏ dở công việc chạy vào với anh. Sau đợt đó, anh không còn lao động nặng được nữa. Ngày ra viện, chị nói với anh: “Thế giờ anh chuyển về sống cùng em, mình tính kế mưu sinh nhé”. Anh nhìn chị, nước mắt lưng trào.
Để có tiền lo cho cuộc sống mai này, anh chị gom hết tiền mua chiếc xe để anh đi bán bắp xào, chị vẫn làm công việc cũ. Họ sống lặng lẽ và bình yên như thế. Với chị, giờ đây anh là cả tương lai mai này. Đông đến, chị lại khoác lên mình chiếc khăn anh mua tặng, với chị đó là món quà quý, là kỷ niệm mà cả đời chị luôn mang theo bên mình…
Xuân Đào