Từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, thời tiết ở quốc gia không giáp biển này thường trở nên khắc nghiệt khi nhiệt độ giảm xuống mức âm 50 độ C ở một số khu vực.
Mùa đông năm nay còn khắc nghiệt hơn, nhiệt độ thấp hơn bình thường và tuyết rơi rất dày.
Ông Gantulga Batsaikhan (thuộc Bộ Nông nghiệp Mông Cổ) cho biết, tính đến ngày 26/2, đã có 2,1 triệu gia súc chết vì đói và kiệt sức. Trong khi đó, thống kê chính thức vào cuối năm 2023 cho thấy Mông Cổ có 64,7 triệu động vật bao gồm cừu, dê, ngựa và bò.
Ở Mông Cổ, thời tiết mùa đông khắc nghiệt được gọi là “dzud” và thường là nguyên nhân dẫn đến cái chết của số lượng lớn vật nuôi.
Liên hiệp quốc cho biết, biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ của dzud. Mông Cổ đã trải qua 6 đợt dzud trong thập kỷ qua.
Dzud 2024 đã trở nên trầm trọng hơn do hạn hán vào mùa hè, khiến động vật không thể tích trữ đủ chất béo để sống sót qua mùa đông khắc nghiệt.
Tuvshinbayar Byambaa (một người làm nghề chăn nuôi) nói với AFP: "Mùa đông bắt đầu với tuyết rơi dày đặc nhưng đột nhiên nhiệt độ không khí tăng và tuyết tan. Sau đó, nhiệt độ lại giảm, biến tuyết tan thành băng".
Lớp băng đó khiến gia súc khó có thể chui xuống bãi cỏ bên dưới, nhiều người chăn nuôi không thể chăn thả gia súc và phải vay tiền để mua thức ăn.
Được biết, Mông Cổ gần đây đã nâng mức cảnh báo khẩn cấp về thảm họa lên mức cao do mùa đông khắc nghiệt và thiệt hại của ngành chăn nuôi gia súc. Thúc đẩy ngành chăn nuôi gia súc được xem là biện pháp khả thi nhất để đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào khai khoáng của quốc gia này.