Niềm vui đọng lại
Vào một buổi sáng cuối năm, chúng tôi theo chân các công nhân ở Thành phố Đà Nẵng chui cống trầm mình trong lòng cống để hốt rác, nạo vét bùn đất. Chiếc nắp cống bằng bê tông được mở ra, hàng chục con dán như ong vỡ tổ, chạy tán loạn. Mùi thối nồng nặc bốc lên, phả ra ngoài. Anh em công nhân đứng chờ khoảng nửa tiếng, chia ra hai nhóm, một nhóm đứng phía trên, nhóm còn lại lần lượt từng người chui xuống cống.
“Hố ga, nắp cống đậy kín thì bên dưới có khí metan, khí độc đủ loại do rác thải ủ lâu ngày sinh ra. Do đó, nếu mới mở nắp cống, chui xuống ngay thì rất dễ hít khí độc, nặng có thể gây ngộp thở, nhẹ thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ”, anh Nguyễn Trình (SN 1981) giãi bày.
Hầm cống tại đường Nguyễn Tất Thành, trước đó đã được dọn sạch sẽ, từng vớt lên rất nhiều rác thải. Tuy nhiên, khi vệ sinh cống lần này, rác vẫn dày đặc đến hai gang tay. Rác lềnh bềnh trước mặt, dồn theo dòng chảy của con nước. Trong thế giới rác đó, nhiều nhất là bịch ni lông, chai nhựa, ly nhựa, ống hút, xốp… Chen vào giữa là vài xác động vật đang phân huỷ. “Chỉ sau một cơn mưa, tất cả rác trên mặt đường, miệng cống sẽ theo dòng nước chảy xuống lòng cống. 20 năm sống với nghề này nên tôi đã quen với rác và mùi rác thế này rồi”, anh Trình nói.
Khoảng một phút, nhóm công nhân lại hốt được một thùng rác kèm bùn nhão. Công nhân dưới cống hô lớn: “Lên”. Phía trên miệng cống, 3 công nhân kéo dây, đưa thùng rác lên, đổ vào nơi tập kết. Cứ thế, công việc đều đặn. Mồ hôi chảy ròng ròng nhưng họ vẫn miệt mài với công việc, không chút nghỉ ngơi, thỉnh thoảng họ lại cười nói, trêu đùa. Dường như, đối với họ, rác và mùi rác đã là một điều quá đỗi quen thuộc.
Khoảng 2 tiếng sau, nhóm công nhân lên mặt đất, bộ đồ bảo hộ dính bùn thải đen kịt, nhớp nháp. Họ chia nhau chai nước trà đã chuẩn bị sẵn. Vừa uống nước giải khát, các anh vừa chia sẻ, muốn làm nghề nạo vét cống, người công nhân không chỉ có sức khoẻ mà phải có cái mũi vô cảm với các loại mùi và dày mặt trước những ánh mắt thiên hạ. Cả ngày ngâm mình dưới cống, dù tắm rửa, kì cọ thế nào cũng không thể thanh tẩy hết, người bên cạnh vẫn ngửi thấy mùi. Thương thì người ta né xa xa, ghét thì họ bịt mũi khi ngang qua.
Theo nhóm công nhân, số lượng nhà hàng, khách sạn ngày càng bùng nổ, hàng, quán, công ty hầu như không lắp đặt máy tách dầu mỡ trước khi xả ra hệ thống cống. Đây cũng là một trong những chất thải ám ảnh đối với công nhân móc cống. Chỉ cần một thời gian ngắn, nếu không được vệ sinh, dầu mỡ sẽ đóng thành lớp dày, cứng không khác gì bê tông, gây ách tắc hệ thống cống. Do đó, công nhân phải dùng xẻng để xắn ra.
Những ngày bình thường, giờ giấc làm việc của anh em công nhân khá ổn định. Tuy nhiên, vào mùa mưa gió, giờ giấc lại thất thường, lắm lúc phải vất vả làm ca đêm, kiểm tra các miệng cống. Chẳng hạn, những trận mưa lớn tháng 11/2013, nhiều nơi ngập cục bộ, công nhân phải toả đi các ngả đường túc trực khơi thông dòng chảy, dọn rác tụ đọng ở các miệng cống, trực máy bơm thoát nước thâu đêm.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tấn Tuấn cho biết, nhiều người e ngại nghề này, nhưng với họ luôn cả thấy vui vì đây là công việc chân chính. Niềm vui của anh là khi thấy hệ thống thoát nước được vận hành suôn sẻ, môi trường thành phố luôn sạch, đẹp.
Sống với nghề hơn 25 năm, anh thấy vui hơn nữa vì những người anh em làm cùng xem nhau như người thân, luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tùy sức khoẻ mỗi người mà nhóm phân chia công việc phù hợp. Những người sức yếu hơn, không thể xuống cống thì sẽ làm các công việc như xúc bùn, vận chuyển bùn lên xe, dọn dẹp vệ sinh sau khi khơi thông cống. Còn những người khoẻ hơn thì chui xuống cống.
Chị Lê Thị Kiều Oanh, tốt nghiệp chuyên ngành Môi trường Trường Đại học Duy Tân, đầu quân cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã được 8 năm. Đến nay, chị đang có con nhỏ 3 tuổi. Thứ Bảy nào chị cũng đi làm. Riêng Chủ nhật, có hôm làm hôm không. Cuối tuần đi làm, chị phải gửi con cho ông bà trông.
Tâm sự của những người một đời gắn bó với cống ngầm
Ông Nguyễn Đình Thái, quê thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, trước đây làm xây dựng ở các công trình, công việc bấp bênh. Được người quen giới thiệu, ông nộp đơn và trở thành công nhân ngành thoát nước và xử lý nước thải. Thấm thoắt, ông gắn bó gần 17 năm nghề nạo vét bùn thải, chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần chui xuống lòng cống.
“Làm nghề này, gặp cống nước lớn phải dầm mình trong nước thải, hay làm việc để nước thải vô tình đổ lên khắp cả người là khó tránh khỏi. Mùa nắng đỡ cực hơn, làm mùa mưa có khi dầm mình trong nước thải nhiều tiếng đồng hồ mới xong việc. Hồi mới làm, đêm về gãi khắp cả người, gãi chảy cả máu, uống thuốc cũng không đỡ. Tôi cẩn trọng nên may mắn chỉ một, hai lần dẫm phải vật sắc nhọn. Kiểm tra cũng ổn nên chưa tiêm ngừa uốn ván mũi nào", ông Thái bộc bạch.
Theo ông Thái, những lần đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm da do tiếp xúc nước thải và bị nấm da. Để khỏi hẳn căn bệnh thì cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. “Nếu vậy, tôi chỉ có nghỉ việc hẳn”, ông Thái lắc đầu, tâm sự.
Trong khi đó, ông Đặng Minh Thông (SN 1971) kể, có 20 năm làm công nhân nạo vét bùn thải, hiện làm việc tại Trạm Xử lý nước thải Hòa Xuân. Trong ngần ấy năm làm nghề, ông Thông nói việc đi bệnh viện khám hay mua thuốc để chữa bệnh về da thì không nhớ nổi bao lần vì quá nhiều.
Những năm đầu làm việc, da nổi mẩn đỏ nên ông không ngủ được, gãi suốt đêm. Bên cạnh đó, ông thường xuyên ngửi mùi hôi thối nước thải, xác động thực vật, bụi nên bệnh về hô hấp như viêm mũi, bệnh viêm phế quản. Cũng theo ông Thông, nhiều lúc xúc, hốt bùn, đi lại ông cũng nắm hay dẫm phải vật nguy hiểm như kim tiêm, đinh sắt nhọn. Những lần đó, ông buộc phải đi tiêm ngừa uốn ván.
Trong cuộc trò chuyện ông Thông không một lời than vãn về nghề nghiệp. Thay vào đó, ông tiếp lời: “Tôi luôn biết ơn công việc này. Vợ tôi làm nghề giữ trẻ, mức lương không cao. Nghề này, dù tiền lương cũng không cao nhưng ổn định. Nhờ nó, tôi đã nuôi được 3 đứa con. Đứa con trai đầu, do khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT không thi tiếp vào đại học mà chuyển hướng vào trường nghề. Còn cặp sinh đôi vẫn đang đi học cấp ba. Bên cạnh đó, tôi cũng được thuê chung cư nhà nước với giá rẻ”.
Ông Huỳnh Trung Nhân, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, chia sẻ, công việc của công nhân nạo vét bùn trong cống rất vất vả, nặng nhọc lại ẩn chứa nguy hiểm nên lãnh đạo Công ty và phía công đoàn luôn quan tâm, chăm lo những gì tốt nhất cho anh em. Cụ thể, người lao động đều được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động như mặt nạ phòng độc, áo quần lội nước, găng tay bảo hộ, mũ bảo hộ, khẩu trang. Bên cạnh đó là các dụng cụ lao động chuyên dụng khi làm việc.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, các dụng cụ lao động nhưng công nhân Công ty cũng khó tránh khỏi những nguy cơ bệnh tật hiện hữu trong quá trình làm việc, tiếp xúc lâu ngày là nước thải, bụi bẩn, dẫm phải vật sắt nhọn...
Chính vì vậy, anh em công nhân đều được khám sức khỏe định kỳ, tư vấn các bệnh nghề nghiệp và cách phòng, tránh. Công ty thường tổ chức cho mọi người được tham gia tập huấn về công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường bởi trực tiếp chuyên gia. Công ty cũng mời y bác sĩ ở bệnh viện, người có chuyên môn về tập huấn công tác sơ cấp cứu, cứu nạn cứu hộ để kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Không ngại vì kiếm tiền bằng nghề lương thiện
“Nhiều người từng hỏi liệu vợ hay con cái có ngại với công việc này hay không? Tôi cũng từng hỏi người thân câu hỏi này. Rất may, người thân đều thấy đây là công việc lương thiện, kiếm tiền bằng công sức nên không chút e ngại và đã quá quen nên không thấy mùi hôi hay gì. Vợ, con luôn hiểu và thông cảm công việc của mình. Không bao giờ chê bẩn hay có thái độ gì. Đây là niềm an ủi của anh em chúng tôi”, anh Trình cười tươi nói.