100.000 binh lính tham gia cuộc chiến vẫn bất phân thắng bại
Tuy nhiên, phía Quân đội Iraq và lực lượng liên quân quốc tế vẫn không thể giành được chiến thắng toàn diện bằng cách tiêu diệt hoàn toàn lực lượng IS hiện đang còn lại tại đây.
Tổng cộng Iraq và liên quân đã huy động khoảng 100.000 binh lính tham gia cuộc chiến. Trong khi đó, số lượng chiến binh IS tham gia trận chiến này được ước tính vào khoảng 12.000 người. Dẫu vậy, cuộc chiến vẫn đang ở thế giằng co, tới nay chưa thể ngã ngũ.
Ngày 10/5, tờ Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích quốc phòng Ahmad al-Sharifi nhận định rằng, Washington đã cố ý không cung cấp những loại vũ khí chính xác tân tiến cho lực lượng Chính phủ Iraq, khiến cho Baghdad khó lòng giành chiến thắng trước những tay súng khủng bố IS và giải phóng Mosul.
“Sáu mươi hai quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đều thuộc liên minh quân sự quốc tế tại Iraq. Mỹ có năng lực quân đội mạnh mẽ nhất, với những loại vũ khí hiện đại, có tính sát thương cao. Tuy nhiên, những cuộc không kích do các chiến đấu cơ của nước ngoài thực hiện tại Iraq vẫn chưa ảnh hưởng nhiều tới IS”, chuyên gia al-Sharifi nói và nhấn mạnh rằng, chiến dịch chống khủng bố ở Iraq đã được sử dụng để gây áp lực đối với các chính trị gia ở những nước khác.
Quyết định của Lầu Năm Góc về việc không cung cấp những khí tài quân sự tiên tiến cho Baghdad đã kéo ngược lại những kết quả của quân đội Iraq chống lại khủng bố, vì thế họ đã mất đi ưu thế hiện có trên thực địa.
Trong khi đó, chính quyền ông Trump lại bật đèn xanh trong việc cung cấp vũ khí cho nhóm người Kurd tại Syria trong nỗ lực nhằm tái chiếm thành phố Raqqa của Syria, nơi vốn được coi là “thủ đô” kiên cố của lực lượng khủng bố IS.
Ông al-Sharifi cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì những hoạt động tại Iraq. Theo ông, Ankara đã “ngăn cản lực lượng vũ trang Iraq tiến vào Tal Afar và Hawija”. Cả hai thị trấn này đều nằm dưới sự chiếm đóng của IS, nơi chúng tổ chức những buổi hành quyết tập thể.
“Iraq hiện đang tham gia chiến tranh chống khủng bố, không phải lúc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng”, nhà phân tích nhắc tới Thổ Nhĩ Kỳ. “Đồng thời chúng ta phải hiểu rằng Washington sẽ không bao giờ chống lại đồng minh Ankara”, một chuyên gia phân tích bình luận.
IS quyết giữ Mosul vì là nơi thủ lĩnh tối cao tuyên bố lập vương quốc Hồi giáo của những tay súng
Còn theo quan điểm của chuẩn tướng Iraq Yahii Rasul, sự kháng cự mạnh mẽ của IS chính là một phần lý do khiến Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, cho tới nay vẫn chưa được tự do hoàn toàn. Thành phố này mang lại giá trị biểu tượng cho nhóm chiến binh thánh chiến IS, do ở đây có Nhà thờ Great Nuri, nơi thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo của những tay súng.
Ông nói: “Các cuộc tấn công khủng bố ở những khu vực khác nhau của Iraq, gồm cả cuộc tấn công vào những nơi do người Kurd kiểm soát ở Kirkuk, đều có một mục tiêu. Chúng nhắm tới việc thúc đẩy tinh thần của các chiến binh đang chịu thất bại liên tục ở Mosul và những nơi khác”, tướng Rasul nói.
Tướng Rasul cũng khẳng định, đẩy IS ra khỏi Mosul là ưu tiên hàng đầu với lực lượng an ninh Iraq. Nếu IS bị đẩy ra khỏi 10% diện tích còn lại, Mosul sẽ hoàn toàn được giải phóng.
Xem thêm: Mỹ lại cấp vũ khí cho người Kurd ở Syria: Đem xăng ném vào chảo lửa
Danh Tuyên