Chỉ số công lý 2015 tiếp tục đưa ra những con số khảo sát khiến không ít người nhìn vào phải lo ngại bởi tình trạng chậm giải quyết hoặc không giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân ở không ít tỉnh thành trên cả nước.
Theo đó, kết quả giải quyết các tranh chấp dân sự theo phản ánh của những người đang và đã có tranh chấp trong 3 năm (2013-2015) được khảo sát cho thấy có tới quá nửa các vấn đề về đất đai (54,1%) và lao động (50,6%) chậm giải quyết, chưa được giải quyết từ phía các cơ quan nhà nước.
Khiếu nại về ô nhiễm môi trường không được giải quyết hoặc chưa giải quyết xong thì có 16% khiếu nại không được giải quyết, 39,3% đang giải quyết.
Chỉ số công lý 2015 cũng chỉ ra việc giải quyết các khiếu nại hành chính có thời gian thụ lý và giải quyết kéo dài. Ví dụ thống kê trung bình cho giải quyết khiếu nại về ô nhiễm môi trường là 15 tháng, giải quyết khiếu nại về chính sách xã hội từ 21-24 tháng.
Đáng chú ý, tranh chấp dân sự và khiếu nại hành chính nhiều nhất từ năm 2013-2015 là tranh chấp và khiếu kiện đất đai (644 vụ). Tranh chấp và khiếu nại về kinh tế thương mại đứng vị trí thứ hai với 639 vụ. Tranh chấp dân sự (475 vụ), tranh chấp liên quan đến chính sách xã hội (366 vụ), tranh chấp lao động (361 vụ), kiếu nại về môi trường (198 vụ).
Trong kết quả khảo sát người dân về thủ tục giải quyết tranh chấp và kiếu nại, thủ tục tòa án thì hai tỉnh Thanh Hóa và Bà Rịa – Vũng Tàu đều không đạt, bị điểm âm. Theo đó, chỉ số công lý 2015 chỉ ra hai tỉnh này có thủ tục giải quyết tranh chấp và khiếu nại còn phức tạp gây phiền hà cho người dân.
Khảo sát người dân về tiêu chí “tiếp cận dịch vụ pháp lý (dịch vụ hộ tịch; thủ tục về giấy quyền sử dụng đất; luật sư và trợ giúp pháp lý)" thì khá nhiều tỉnh như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Kon Tum, Long An bị điểm âm, rơi vào nhóm tỉnh hiệu quả hoạt động thấp.
Còn tiêu chí “Tiếp cận thông tin (nguồn thông tin; biết về phương thức giải quyết tranh chấp; hiểu biết pháp luật)” thì người dân các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau, Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An bị đánh giá âm, tức hiệu quả hoạt động thấp.
Về xử lý khiếu nại, trong 63 tỉnh thành, có hai tỉnh là Vĩnh Phúc và An Giang bị người dân đánh giá không hiệu quả khi được đề nghị đánh giá về tinh thần trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại và giải quyết kịp thời khiếu nại.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng: “ Tình trạng người dân khiếu nại lên các cơ quan hành chính Nhà nước mà chậm được giải quyết, thậm chí bị kéo dài là thực trạng vẫn tồn tại.
Chỉ số công lý 2015 đã chỉ ra, nhưng chỉ phản ánh một phần. Còn tắc ở khâu nào mà cơ quan hành chính chậm giải quyết cho người dân để bảo đảm quyền lợi của công dân thì có vài nguyên nhân có thể chỉ ra.
Trong thực tiễn, công cuộc cải cách hành chính thực hiện nhiều năm nay như chuyển từ hai cửa về một cửa, một con dấu, khâu chuyển biến chỉ có mức độ.
Nguyên nhân chậm giải quyết, kéo dài có thể chỉ ra như cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ chưa thấm nhuần về việc cải cách hành chính nên có những việc gây phiền hà cho người dân. Hơn nữa, không ít cán bộ hành chính Nhà nước vẫn còn tình trạng quan liêu, cửa quyền không gây thiện cảm với người dân”.
Vũ Phương