Nói gần đây chúng ta quen, bởi lâu nay ở Việt Nam, phàm là văn chương thì đều là văn chương hư cấu, là xây dựng nhân vật điển hình, hoàn cảnh điển hình, thậm chí thời đại điển hình... mà đã điển hình thì tức là... dồn nhiều cái không điển hình lại, cho nó thành cái điển hình. Vì thế nó có thể thật, nhưng lại không thật, hoặc “cao hơn sự thật”. Thậm chí có nhà văn còn cẩn thận ghi ở đầu sách, đầu truyện: Các nhân vật là do tác giả tự nghĩ ra. Hoặc nhân vật không nhất thiết phải giống người thật trong đời sống, hoặc chuyện không có thật...
Thế mà nào đã yên. Thôi chả nói các đấng các bậc xưa bị kiện, dẫu viết về con chó, con trâu, con bò, con chim, cây chuối, cây ngô... mà một số bạn văn của tôi gần đây cũng vướng vào những phiền phức khi bị dân làng, bà con, thậm chí họ hàng bảo nó viết xấu làng mình, họ mình, nhà mình... kiện lên cơ quan có, cấm về làng có...
Viết hư cấu còn thế, huống gì phi hư cấu.
Có một tác giả trẻ kiên trì đi theo con đường này, chị đã xuất bản tới 6 cuốn sách, đều phi hư cấu, đều có tiếng vang, tức đều thành công. Dù để tới được thành công chị đã phải đi qua rất nhiều gập ghềnh, nhiều vất vả, thậm chí là nguy hiểm. Chị là nhà văn trẻ Phan Thúy Hà.
6 đầu sách chị đã xuất bản là “Đừng kể tên tôi”, “Qua khỏi dốc là nhà”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Gia đình”, “Những trích đoạn của các anh”, và mới nhất, tôi mới đọc xong đêm qua là “Đoạn đời niên thiếu”.
Tôi đọc và hình dung quãng đường chị đã đi, theo nghĩa đen, tìm nhân vật, thuyết phục họ, khai thác họ, để họ cởi mở, họ trải lòng, họ kể lại, họ rút từ những đào sâu chôn chặt để cung cấp cho chị, và rồi chị, bằng tài năng của mình, viết mà như không viết, viết hộ mà như là người trong cuộc, cứ kể, cứ nhung nhăng thế, mà làm người đọc rợn người, làm người đọc rưng rưng, khóc đấy, cười đấy...
Tôi đọc xong cuốn “Đoạn đời niên thiếu” trong một tâm thế tưởng mình biết nhiều việc về những câu chuyện Hà kể, bởi dẫu lúc xảy ra những sự kiện ấy tôi còn nhỏ, nhưng gia đình tôi nhiều người tham gia, nhiều người là nhân vật trong dòng xoáy ấy, nhưng té ra, mình chưa biết gì?
Phan Thúy Hà chọn lối viết rất lạnh, rất thản nhiên, rất vô tư, nhưng từng câu chữ ta thấm được nỗi xót xa trong ấy. Hai mươi lăm nhân vật, hai mươi lăm câu chuyện kể, hai mươi lăm cuộc đời, à không, bên cạnh những nhân vật ấy còn nhiều cuộc đời nữa, cứ như nhẹ tênh, cứ như thoảng qua, nhưng đẫm nước mắt, và cả máu.
Khi đọc cuốn “Gia đình” xong tôi đã viết “Nghe kể nhiều về cải cách ruộng đất. Nhà có người tham gia đội, và cũng có người bị đấu tố, đọc rất nhiều sách về cải cách ruộng đất, nhưng đến quyển này cứ như ngợp thở, như bị bóp cổ...”.
Đến cuốn này, cũng đề tài ấy, nhưng Hà tiếp cận một lối khác.
Có nhân vật tôi từng nghe tên, từng biết về họ, có những nhân vật chưa biết, nhưng đọc thì... thở phào vì họ gặp may. Họ khổ quá, cái chết cận kề, thì bèn phải đi, đi khỏi làng, khỏi quê, đi trong mịt mờ, trong phấp phỏng hy vọng. Họ đi khi trong tay không một đồng tiền, thậm chí bụng đói, ba ngày không có gì ăn, và đi bộ. Đích của họ là đô thị, và đích cuối là... Hà Nội. Từ quê họ ra Hà Nội, đa phần là đi bộ.
Mới biết tại sao ở Hà Nội nhiều người Nghệ Tĩnh thế.
Và những người thuở ban đầu tìm ra đấy kiếm ăn toàn là người có học, người thông minh, tức là tinh hoa của vùng Nghệ Tĩnh.
Họ tìm ra Hà Nội xin làm thuê, rửa bát, chạy bàn, bốc vác... sang hơn chút là gia sư. Vừa làm gia sư vừa học, miễn cứ có ăn ngày một bữa là lao vào học. Và nên người, trở thành những nhân vật trong cuốn sách của Hà, những người thành đạt hôm nay.
Đọc, tôi mới hiểu thế nào là “học gạo”. Hồi nhỏ tôi ở xứ Thanh, cũng từng nghe từ “học gạo”, nhưng phải đọc đến cuốn này mới hiểu tường tận cái từ học gạo. Học, bằng mọi giá phải học. Bố bị bắn, mẹ tự tử, anh em đi tù... còn một mình, không có gì để ăn, gặp gì ăn nấy... nhưng ý chí học nó luôn rừng rực trong người, nó khiến cho những con người tưởng như đã bị dồn vào cuối đường hầm lại tìm ra ánh sáng. Đấy là ánh sáng của tri thức, của chữ, của sự học.
Cũng mới hiểu thêm sự ân nghĩa, tử tế của những người dân Nghệ Tĩnh và cả Hà Nội. Họ sẵn sàng cưu mang che chở giúp đỡ nhau trong đói khổ, hoạn nạn, có khi chỉ là củ khoai, là chút nước phở, là một chỗ nằm ở hiên giữa đêm đông, là ánh mắt động viên an ủi trong im lặng...
Phan Thúy Hà, với cách của mình, đã chứng minh là, nếu mình thiện ý, nếu mình sống hết mình cùng cuộc đời, yêu thương cuộc đời, và tất nhiên là phải có tài, thì có thể viết về những ngày đã qua một cách trung thực, dẫu chưa phải, chưa hết sự thực, thì vẫn là một cách đưa chúng ta tới những miền còn đầy những điều cần biết, những góc khuất, những thân phận đầy lạ lẫm, đầy bí mật, dẫu chúng ta gặp, nghe họ hàng ngày, ví dụ như các vị Thái Trần Bái, Trần Văn Chút, Hà Văn Tấn... vân vân.
Và, đây là bài thơ của giáo sư Hà Văn Tấn, một thời được coi là tứ trụ sử đương đại Việt Nam: Lâm, Lê, Tấn, Vượng: “Tôi thân một thằng bạn/ Người tận mãi chân trời/ Hỏi đến quê hương hắn/ Hắn mỉm cười xa xôi/ Tôi biết rồi/ Hắn không còn quê nữa/ Đôi mắt không ứa lệ/ Mà hình như long lanh…/ Cha hắn chết rồi…/ Mấy thằng em giai nhỏ/ Bỏ nhà ra đi/ Làm gì/ Hắn nào có biết…/ Ước gì ngủ suốt một đời/ Chẳng bao giờ tỉnh giấc/ [Bởi] Trong mơ có nụ cười/ Tỉnh chỉ còn tiếng nấc”.
Nếu có một góp ý thì tôi xin góp ý tác giả, nhẽ ra nên có vài dòng chú thích thêm về các nhân vật trong sách, bởi bạn đọc ngày nay, không phải ai cũng biết tường tận về họ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.