Một chi nhánh ngân hàng ngăn chặn 16 vụ lừa đảo khi đến giao dịch

Ngô Thị Huyền

Ngô Thị Huyền

Thứ 3, 25/06/2024 15:00

Một chi nhánh ngân hàng tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã ngăn chặn được 16 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn huyện với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Tính từ năm 2023 đến nay, qua hoạt động tại các phòng giao dịch, Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã cảnh giác ngăn chặn được 16 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn huyện, với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo đó, các đối tượng đã thực hiện nhiều hình thức lừa đảo như: Giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, chiêu trò trúng thưởng, nhận quà từ nước ngoài, hack tài khoản Zalo, Facebook sử dụng công nghệ AI giả danh người thân, bạn bè đang ở nước ngoài nhờ chuyển tiền khẩn cấp…

Gần đây nhất, ngày 24/5, bà Trần Thị T., trú tại thôn Đông Thiện, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0815215827, kẻ lừa đảo tự xưng là điều tra viên ở Bộ Công an, thông báo bà T. có liên quan trong đường dây buôn bán ma túy và xuất cảnh trái phép. Để Công an làm việc bí mật, khỏi bắt tạm giam, yêu cầu không được thông báo cho bất kỳ ai và chuyển 200 triệu để tạm giữ, sau 24 giờ sẽ cho người trả lại.

An ninh - Hình sự - Một chi nhánh ngân hàng ngăn chặn 16 vụ lừa đảo khi đến giao dịch

Một trong những khách hàng may mắn được giao dịch viên ngăn chặn các đối tượng lừa đảo chuyển tiền.

Bà T. không mảy may nghi ngờ mà tin lời người lạ này, mang 02 sổ tiết kiệm đến Phòng giao dịch Chợ Trạm, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, thuộc Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy, để rút tiền mặt và chuyển vào tài khoản người nhận được ghi trên mảnh giấy.

Phát hiện sự lúng túng, bất thường và dấu hiệu bị kẻ gian lừa đảo chuyển tiền, giao dịch viên Đào Thị Khánh Ly đã hỏi, xác minh và kịp thời báo cáo lãnh đạo để hỗ trợ, giải thích. Qua đó, giúp bà Trần Thị T. nhận thức ra sự việc, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo số tiền 200 triệu đồng.

Một hình thức lừa đảo khác rất thường gặp khi các đối tượng thông báo nạn nhân nhận quà từ nước ngoài chuyển về, trường hợp của bà Lê Thị Sang, trú tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, là một ví dụ. Được một người lạ thông báo cho bà Sang nhận quà từ nước ngoài chuyển về và yêu cầu chuyển số tiền 70 triệu đồng, với lý do là phí hải quan.

Ngày 22/05, bà Sang đã đến trụ sở Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy mang theo 70 triệu và yêu cầu chuyển vào số tài khoản mà đối tượng đã cho.

Qua trò chuyện với khách hàng, giao dịch viên Đặng Minh Huyền phát hiện nghi vấn nên đã trao đổi với bà Sang cần xác minh lại, đồng thời cảnh báo nhiều khả năng là bị đối tượng xấu lừa đảo. Sau đó, bà Sang ra về và cảm ơn giao dịch viên. Ngay sau đó, Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy đã cảnh báo về vụ việc này trong hệ thống các phòng giao dịch.

Nhiều hình thức lừa đảo tinh vi cũng đã được phát hiện kịp thời, điển hình như vào ngày 08/11/2023, tại Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy, giao dịch viên Hoàng Thị Anh Đào đã giải thích và ngăn việc bà Hoàng Thị M, trú tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, bị các đối tượng lừa đảo lập Facebook giả danh con đang ở nước ngoài để lừa chuyển tiền cho bạn có mẹ đang cấp cứu.

Tinh vi hơn là trường hợp xảy ra vào ngày 25/10/2023, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ AI giả danh thành viên gia đình để yêu cầu bà Nguyễn Thị B., trú tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, chuyển số tiền 45 triệu đồng. Khi đến tại Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy, giao dịch viên Nguyễn Phan Thị Thảo Nguyên đã giúp cho bà B. tránh việc bị lừa đảo.

Ông Mai Văn Kỷ, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, các đối tượng lừa đảo này thường sử dụng các cách thức đe dọa, áp lực tâm lý như khống chế, hăm dọa, nói dối về việc họ hoặc con cái có liên quan đến các vụ án rửa tiền, ma túy đang điều tra để tạo áp lực và đánh vào tâm lý sợ hãi của nạn nhân.

An ninh - Hình sự - Một chi nhánh ngân hàng ngăn chặn 16 vụ lừa đảo khi đến giao dịch (Hình 2).

Người dân viết thư cảm ơn gửi đến Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy vì đã kịp thời cảnh báo, ngăn chặn hành vi lừa đảo cho người dân khi đến giao dịch.

“Đối tượng yêu cầu họ chuyển tiền vào một tài khoản cụ thể hoặc cung cấp thông tin cá nhân như số thẻ ngân hàng, số CCCD, mã số bảo mật, OTP và các thông tin nhạy cảm khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân. Bằng các hình thức đó, nhiều người dân đã bị sập bẫy và thực hiện huy động tiền bằng cách mượn tiền người thân, sử dụng nguồn tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng để chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo”, ông Kỷ cho biết thêm.

Để phòng tránh các hành vi lừa đảo, lãnh đạo Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy đã yêu cầu cán bộ, nhân viên trong quá trình giao dịch phát hiện có nghi vấn thì ngoài việc giải thích ngay cho khách hàng biết về các phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này để ngừng giao dịch và báo cáo lãnh đạo đơn vị xác minh phối hợp can thiệp.

Tình huống khách hàng chưa hiểu, chưa thuyết phục được thì mời cán bộ Công an địa phương, Công an huyện Lệ Thủy đến giải thích, động viên để khách hàng, người dân bình tĩnh, trình bày lại sự việc. Qua đó, giúp nhiều trường hợp người dân nhận biết mình là nạn nhân của những trò lừa đảo tinh vi này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.