Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) – cổ đông lớn nhất chi phối hơn 68% vốn, mới đây đã chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của Hóa chất Việt Trì. Theo đó, công ty dự kiến sẽ phát hành gần 16,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,5 với giá 10.000 đồng/cp.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nếu thực hiện thành công đợt phát hành này, vốn điều lệ của Hóa chất Việt Trì sẽ tăng từ 110 tỷ lên gần 275 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ đợt thưởng cổ phiếu năm 2016, doanh nghiệp này thực hiện tăng vốn điều lệ.
Cổ phiếu HVT đã tăng gần gấp đôi từ đầu năm và đang ở vùng đỉnh lịch sử
Với thông tin liên quan đến việc tăng vốn, cổ phiếu HVT trên thị trường có phản ứng khá tích cực, lên mức 96.700 đồng/cp. Như vậy, từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng gần gấp đôi và đang ở vùng đỉnh lịch sử. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Hóa chất Việt Trì đạt được cột mốc này kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hóa chất Việt Trì tiền thân là Nhà máy Hóa chất số 1 Việt Trì, được thành lập năm 1959. Năm 2005, công ty được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Hóa chất Việt Trì. Sản phẩm chính của công ty là NaOH , Clo lỏng , axit HCl , Dịch tẩy Javen , Na2SiO3 (lỏng) và các sản phẩm cho nhu cầu thị trường như Bột giặt, NPK ,ZnCl2, BaCl2 , CaCl2.
Hóa chất Việt Trì được biết đến là một doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức bằng tiền hàng năm. Từ khi lên sàn giữa năm 2009, chưa năm nào doanh nghiệp này không chia cổ tức bằng tiền, tuy nhiên tỷ lệ không đều, trồi sụt theo chu kỳ lợi nhuận. Mức cổ tức kỷ lục ghi nhận vào năm 2022 khi Hóa chất Việt Trì chi trả làm 2 đợt với tổng tỷ lệ 70%.
2022 cũng là năm Hóa chất Việt Trì ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục với lãi trước thuế 221 tỷ đồng, tăng gần 160% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đã quay đầu giảm mạnh trong năm 2023 vừa qua xuống 86 tỷ đồng, tương đương con số đạt được năm 2021.
Năm 2024, Hóa chất Việt Trì lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 1.561 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 23% so với thực hiện 2023. Quý đầu năm, doanh nghiệp này lãi trước thuế 13 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ 2023 và mới thực hiện 12% mục tiêu cả năm đề ra.
Trên thị trường chứng khoán, phiên cuối tuần trước là phiên điều chỉnh thứ 3 liên tiếp của VN-Index sau 7 phiên tăng điểm trước đó. Điểm chung của 3 phiên giảm điểm là áp lực bán không quá lớn và thanh khoản suy giảm cho thấy tín hiệu tiêu cực chưa được xác nhận.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm điểm nhẹ với thanh khoản tăng khá mạnh so tuần trước đó ( 33%) nhưng vẫn sụt giảm so với mức trung bình 20 tuần (-15,7%).
Thanh khoản tăng nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần cộng với biên độ điều chỉnh rất nhỏ (-0,18%) cho thấy xu hướng giao dịch chủ yếu là đi ngang, tích lũy trong biên độ khá hẹp.
Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 15/7, các công ty chứng khoán lưu ý nhà đầu tư lựa chọn những mã đã xây nền tích lũy
CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư tăng tỷ trọng những cổ phiếu đang có xung lực ổn định.
“Với diễn biến thị trường hiện tại, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên đồng thời loại bỏ những mã yếu ra khỏi danh mục cũng như gia tăng tỷ trọng của những cổ phiếu đang có xung lực ổn định và duy trì được xu hướng đi lên tích cực thuộc một số nhóm ngành như thép, cao su” – VCBS lưu ý.
Trong khi đó, CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) lại thiên về tín hiệu tích cực hơn nên vẫn giữ quan điểm mua, trong đó lựa chọn những mã cổ phiếu đã xây nền tích lũy trong 2 tuần trước đó. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự được chúng tôi kỳ vọng trong các tuần tới 1.257-1.310 điểm.
Quỳnh Chi