Ngọn lửa nghề thôi thúc trên “mặt trận thông tin”
Những bức ảnh báo chí không chỉ là khoảnh khắc được lưu giữ đơn thuần bởi một thiết bị giá trị, mà đó còn là tâm huyết được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi và nước mắt. Để có được đứa con tinh thần ưng ý, người phóng viên ảnh luôn phải đặt mình vào dòng chảy sự kiện để cảm nhận rõ rệt nhất.
Những ngày đầu tháng 2/2020, khi những thông tin đầu tiên về dịch Covid-19 chỉ mới bắt đầu xuất hiện trên các kênh thông tin, báo chí của Việt Nam, phóng viên ảnh Phạm Trọng Tùng (SN 1994, tòa soạn Đời sống và Pháp luật) đã quyết tâm lên đường để thực hiện sứ mệnh “cầu nối” thông tin đến độc giả.
Tùng tâm sự, thời điểm ấy, chưa có nhiều kiến thức liên quan đến dịch bệnh, bản thân cũng chưa thể lường trước mức độ nguy hiểm của căn bệnh đến nhường nào, nhưng tinh thần của một người phóng viên tiên phong trên “mặt trận thông tin” đã thôi thúc anh gói ghém hành trang, tìm lên tận “cửa ngõ phía Bắc” để tác nghiệp.
“Tâm niệm, gặp vấn đề “nóng” là lên đường, nên khi nắm được thông tin cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) là một trong những điểm nóng đầu tiên, tôi không có thời gian để chần chừ. Đặt chân đến xứ Lạng, sau những thủ tục không mấy dễ dàng, cuối cùng, tôi cũng trở thành phóng viên đầu tiên vào được khu cách ly tại Việt Nam, Trung đoàn 123 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn)” - Tùng nhớ lại thời điểm bắt đầu chuyến công tác đặc biệt.
Thử nếm trải cuộc sống 14 ngày trong khu cách ly, người phóng viên bắt đầu dâng trào cảm xúc với mọi khoảnh khắc thường nhật: “Mặc dù, mới đầu, vì chưa có nhiều thông tin liên quan đến dịch bệnh, tôi cũng khá lo lắng và hồi hộp, nhưng vẫn luôn tự nhắc mình phải hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, nhìn nỗi khó khăn, vất vả của các y, bác sĩ và các chiến sĩ “quay cuồng” trong những ngày này, tôi càng có thêm động lực và cảm hứng cho các tác phẩm của mình”.
Nỗi lo lắng về dịch bệnh khi đó khiến Tùng cẩn thận đeo khẩu trang hai lớp tác nghiệp giữa đêm, kính bị hấp hơi, nhiều bức ảnh chỉ được anh bấm nút bằng cảm giác và kinh nghiệm, dự đoán khoảng cách và điểm lấy nét chứ không thể nhìn thấy bằng mắt.
Vốn là một người sợ độ cao, Tùng bộc bạch, có những lúc phải leo lên đường mòn để cùng đi tuần tra biên giới giữa đêm, khi chân bước hụt hoặc đạp phải một hòn đá, trượt một cái, cũng đủ khiến anh “thót tim”. Chính một trong những lần “thót tim” trên mặt đường trơn trượt đó, đã khiến Tùng bị ngã, làm vỡ ống kính máy ảnh.
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai
Những khó khăn trong chuyến tác nghiệp ấy dường như chẳng đáng nhắc đến đối với Tùng, bởi lẽ, anh đã quá quen với những thử thách và mỗi khi chinh phục được một điều kiện ngoại cảnh càng hiểm hóc, anh lại càng phấn chấn. Nhưng điều khiến anh “tan vỡ” nhất chính là chuỗi ngày trở về Hà Nội sau khi hoàn thành chuyến công tác. Để tự cách ly tại nhà, Tùng gọi điện, báo trước để vợ và con gái ở tầng 3, còn mình thì xuống tầng 2 “bế quan tỏa cảng”.
“Lo lắng bản thân có thể sẽ lây bệnh cho gia đình, nên tôi đã dặn vợ lấy cơm, để sẵn ở ngoài hành lang, sau khi ăn, tôi cũng phải xịt khử khuẩn rồi mới trả lại vị trí cho cô ấy dọn dẹp. Mặc dù đang ở cùng một ngôi nhà, nhưng gia đình ba người lại chẳng thể cùng nhau ăn một bữa cơm trọn vẹn. Có lẽ, với tôi, may mắn nhất lúc đó chính là vẫn được ăn cơm vợ nấu mỗi ngày. Còn biết bao người vẫn đang “trực chiến”, suốt cả mấy tháng ròng rã sau đó cũng chưa được nếm hương vị ngọt ngào như vậy” - chàng phóng viên ảnh 27 tuổi chia sẻ.
Sau phút hóm hỉnh, Tùng bất chợt lại có vẻ trầm ngâm khi nhắc đến cô con gái 3 tuổi: “Điều khiến tôi thương nhất trong những ngày ấy chính là con gái tôi bị tủi thân. Từ lúc bố trở về Hà Nội, con bé thấy bố không bế nó như sau những chuyến công tác trước. Trái lại, thấy bố vẫn ở nhà, nhưng lại không hề tỉ tê, ôm nó vào lòng. Mỗi lần con bé lén thò đầu qua khe cửa để nhìn trộm bố, bị bố phát hiện thì đều nghiêm mặt quát, khiến con bé giật mình, tủi thân.
Có một hôm, nó rưng rưng hỏi mẹ: “Mẹ ơi, vì sao bố ở nhà mà không chịu chơi cùng với con? Bố không thương con nữa hả mẹ?”. Tôi nghe mà nhói lòng, nhưng con bé mới 3 tuổi, làm sao giải thích nổi...”.
Vậy là sau chuyến công tác xa nhà gần một tuần, Tùng lại tiếp tục phải cách ly với người thân hai tuần, hơn nửa tháng không được ôm con gái trong lòng chính là điều khiến anh hụt hẫng nhất. “Tôi chỉ sợ, sau 14 ngày không bế con thì con sẽ giận bố, dỗi không thèm chơi với bố nữa...” - anh bật cười.
Một lần khác, sau khi tác nghiệp trở về nhà, nghe thông tin có một ca nghi nhiễm vừa tiếp xúc, Tùng hối hả giục vợ con “di tản” về quê. Sau khi ca nghi nhiễm đó có kết quả âm tính, anh mới “thở phào” nhẹ nhõm. “Đó là kỷ niệm từ những ngày đầu khi mới biết đến dịch bệnh. Sau này, có thêm nhiều thông tin, hiểu rõ hơn, thông tin được bộ Y tế cập nhật thường xuyên hơn, tôi đã không còn căng thẳng như trước” - anh kể.
Đáp lại những khoảnh khắc dấn thân và sự đánh đổi bằng những giây phút không được quây quần ấm áp bên gia đình suốt nhiều ngày liền, những tác phẩm ảnh báo chí về dịch Covid-19 của Phạm Trọng Tùng đã ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ảnh báo chí năm 2020.
Bức ảnh giải A giữa màn sương mờ mịt
Để theo chân các chiến sĩ bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ, phóng viên cũng phải theo sát nhịp sinh hoạt, đi cùng đi, ngủ cùng ngủ. Thậm chí, giây phút các chiến sĩ có thể nghỉ ngơi, phóng viên vẫn miệt mài tác nghiệp. Vừa thiếu ăn, thiếu nước, khoác trên vai chiếc ba-lô nặng trĩu với hàng loạt thiết bị, đôi chân gần như tê dại vì lạnh vẫn bước đều theo quán tính.
Chia sẻ về bức ảnh Bộ đội biên phòng dựng lán trắng đêm canh giữ biên giới phòng dịch Corona đã giành giải A trong cuộc thi ảnh “Ấn tượng Việt Nam mùa Covid-19”, tác giả Phạm Trọng Tùng nhớ lại: “Hôm ấy, trời vừa mưa xong, đường trơn trượt như được rải một lớp dầu, khó khăn lắm tôi mới có thể vừa di chuyển theo sát những bước chân của các chiến sĩ mang đôi giày quân dụng, vừa nắm bắt được diễn biến xung quanh, bởi tầm nhìn có phần bị hạn chế do độ ẩm cao. Đêm khuya, sương lạnh phủ quanh mình mờ mịt, không gian bốn bề tĩnh mịch, các chiến sĩ trực chốt đốt lửa để sưởi ấm đến tận tảng sáng. Tôi giơ máy, “bắt” ngay khoảnh khắc ấm áp ấy giữa hoang vu đất trời”.
Một số khoảnh khắc được ghi lại trong chuyến tác nghiệp đáng nhớ trong mùa dịch Covid -19 :
Cẩm Mịch
(Ảnh: NVCC)