Cuộc chiến giữa không trung
Theo cây viết bình luận các vấn đề quân sự Jonathan Cook, trong cuộc chiến âm ỉ nêu trên, Nga vẫn theo dõi mọi động thái, song tới nay vẫn chưa chính thức can thiệp. Nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi trong tương lai.
Theo ông, giải thưởng của cuộc chiến đó là quyền kiểm soát đối với lãnh thổ Syria, song chiến trường nơi diễn ra những trận giao tranh lại thực sự nằm trên bầu trời của quốc gia Trung Đông này. Đó là một cuộc chiến trên không.
Theo các số liệu của Liên Hợp Quốc, quân đội Israel đã vi phạm không phận của Syria hơn 750 lần trong 4 tháng liên tiếp, tính đến tháng Mười năm ngoái.
Chiến đấu cơ cũng như máy bay không người lái của Israel đã bay lượn hơn 3.200 giờ trên đầu Syria. Trung bình có hơn 6 máy bay Israel tiến vào không phận Syria mỗi ngày trong khoảng thời gian đó.
Những trận không kích dữ dội bằng tên lửa tại hai địa điểm khác nhau của Syria vào hôm 29/4 vừa qua được nhiều nguồn thông tin xác nhận là do Israel thực hiện. Kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra ở Syria khoảng 7 năm về trước, chiến đấu cơ của Israel được cho là đã tiến hành hàng trăm nhiệm vụ oanh kích khác nhau tại đây.
Israel đóng vai trò lớn trong các nhiệm vụ đó. Theo Jonathan Cook, họ muốn duy trì Syria ở tình trạng một quốc gia yếu, đồng thời đảm bảo chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không thể trở thành một đối thủ của Tel Aviv ở khu vực.
Tuy nhiên, Israel cũng cần ngăn các cường quốc hay những nước đối địch khác nhúng tay quá sâu vào chiến trường “sát nách” này.
Cho tới nay, Israel đã đạt được một mục tiêu lớn: Các cường quốc phương Tây luôn cho rằng Chính phủ Syria cần phải dỡ bỏ kho vũ khí hóa học của nước này – bởi đây là biện pháp răn đe duy nhất của Syria đối với sự đe dọa hạt nhân của Israel.
Từ đó, mục tiêu của Israel bắt đầu xoay sang hướng khác: Iran. Tel Aviv tìm cách ngăn chặn những hành động của Iran nhằm hậu thuẫn ông Assad và thiết lập hiện diện quân sự ở gần biên giới phía Bắc Israel, đồng thời sử dụng Syria làm “đường dẫn” để chuyển vũ khí cho lực lượng Hezbollah.
Mục tiêu của Iran là nhằm tái thiết lập sự cân bằng giữa hai phía và tự giải thoát bản thân khỏi cô lập ngoại giao. Trong khi ấy, mục tiêu Israel là duy trì thế thượng phong trong quân sự của nước này trên bầu trời Trung Đông.
Ngoài ra, Israel mong muốn sự thất bại của chính quyền Damascus nhằm tuyên bố chủ quyền đối với Cao nguyên Golan mà nước này giành từ Syria vào năm 1967.
Dường như không phải sự trùng hợp khi cuộc tấn công quy mô nhằm vào Syria ngày 29/4 vừa qua xảy ra đúng lúc ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng mới của Mỹ, tới thăm Jerusalem và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ít nhất một trong số các địa điểm bị tấn công được cho là căn cứ mà quân nhân Iran đang đồn trú.
Iran dường như rất tập trung cho cuộc điện đàm của ông Netanyahu, trong đó thảo luận về số phận của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, dự kiến sẽ được nối lại vào tháng tới.
Israel hy vọng Mỹ sẽ xóa bỏ thỏa thuận này, cho phép tăng cường trừng phạt và buộc Iran phải tập trung vào các nhiệm vụ ngoại giao và những sự phản đối từ trong nước, thay vì đi gây ảnh hưởng ở Syria.
Cùng lúc đó, căng thẳng tại Syria vẫn tiếp tục dâng cao. Hồi tháng Tư, Israel đã thừa nhận nước này đứng sau một cuộc oanh kích nhằm vào căn cứ Iran ở Syria khiến 7 binh sĩ thiệt mạng.
Theo tờ Wall Street Journal, Israel đã nhằm vào một khẩu đội pháo phòng không đang trong quá trình lắp đặt. Đây là thứ vũ khí mà Tehran hy vọng sẽ hạn chế mức độ tự do của Israel khi cho chiến đấu cơ bay lượn trên bầu trời Syria.
Theo một sĩ quan quân đội cấp cao Israel, động thái chuyển từ các cuộc giao tranh ủy nhiệm sang đối đầu trực tiếp đã “mở ra một thời kỳ mới” trong sự đối địch của hai phía. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cảnh báo nước này đã chuẩn bị ngăn chặn sự đối đầu của Iran ở Syria “bằng bất cứ giá nào”.
Nguy cơ đối đầu với Nga
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích quốc tế, kế hoạch của Israel không những tiềm ẩn nguy cơ leo thang nguy hiểm với Iran mà còn có thể kéo Nga vào Syria sâu hơn.
Tuần trước, giới chức Nga cho hay nước này đang lên kế hoạch cung cấp cho quân đội Syria hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-300. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến đấu cơ Nga phải đối mặt với nguy cơ bị bắn hạ nếu vi phạm không phận của Syria.
Đến nay, Israel mới chịu một tổn thất duy nhất: Một chiếc F-16 bị bắn hạ hồi tháng Hai bởi quân đội Syria trong một diễn biến mà Israel gọi là “trục trặc” từ phi hành đoàn.
Nhưng Israel sau đó đã thấy mình trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Hoặc mang chiến đấu cơ tới Syria để đánh chặn đối phương, hoặc tấn công hệ thống phòng thủ của Nga.
Giới chức Nga đã cảnh báo, Israel sẽ phải đối mặt “hậu quả thảm hại” nếu lựa chọn phương án thứ hai. Nhưng dường như Tel Aviv không mấy quan tâm khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Lieberman khẳng định tuần trước: “Nếu bất kỳ thứ gì bắn hạ máy bay của chúng tôi, chúng tôi sẽ phá hủy chúng”.
Tuy nhiên, thực tế là, nếu đề xuất của Nga được thực hiện thì khả năng Israel sẽ không còn khả năng “tự tung tự tác” trên bầu trời Syria như hiện nay.
Giới chức Nga và Israel đã hợp tác chặt chẽ để phối hợp hành động trên không phận Syria và tránh các sai lầm đáng tiếc xảy ra. Nhưng những sự kiện gần đây đã đi theo hướng khiến tình trạng này có có thể duy trì lâu dài.
Nga đã nêu khả năng cung cấp S-300 cho Syria trong một động thái đáp trả với cuộc tấn công hồi tháng Tư của Mỹ. Hệ thống phòng thủ này sẽ gia tăng áp lực với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giữ lời cam kết của ông trong việc đưa lính Mỹ rời khỏi Syria.
Song trên hết, S-300 gây tổn hại đồng minh chủ chốt của Washington ở khu vực, đó là Israel. Nga sẽ khiến Israel phải canh cánh cảnh giác trước nguy cơ bị bắn hạ máy bay.
Hành động của Israel trước đây vẫn được đánh giá là khá khôn ngoan khi đứng ở cả hai phía trong cuộc chiến Syria – hỗ trợ đồng minh Mỹ giữ chân Iran trong khi phối hợp với quân đội Nga cam kết ổn định Chính phủ Syria.
Các tiếp cận đó cho tới nay đã buộc phải thay đổi khi Israel và Mỹ tìm cách ngăn chặn Nga và Iran củng cố vị trí quyền lực của ông Assad.
Cuộc chiến càng kéo dài bao nhiêu thì khả năng càng cao bấy nhiêu Israel sẽ trở thành đối thủ của không chỉ Iran mà sẽ là cả Nga.
Xem thêm: Tình báo Mỹ tiết lộ động thái bất ngờ của Triều Tiên ở bãi thử hạt nhân