Khi màn đêm buông xuống, người dân làng chài buông mái chèo thả lưới. Thời gian buổi đêm tối là giấc ngủ bình yên của nhiều người nhưng lại là thời điểm mưu sinh của những người dân bên dòng Đà giang.
Làm bạn với bóng đêm
Chúng tôi đến với xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vào lúc chiều muộn. Dọc theo bờ con sông Đà xanh trong thơ mộng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người dân cả già trẻ trai gái hối hả xuống thuyền. Hỏi ra mới biết, họ bắt đầu hành trình kéo cá đêm. Người dân trong xã chủ yếu sống bằng việc đi rừng, làm nương rẫy. Nhiều hộ gia đình có điều kiện thì sắm 1, 2 cái vó hoặc bộ lưới để buông xuống sông Đà đoạn chảy qua địa phận xã để cất cá vào buổi đêm. Điều đặc biệt, họ chỉ buông mái chèo và đặt vó khi mặt trời đã khuất núi.
Thu hoạch cá từ vó cá kéo trên sông vào ban đêm
Với những người dùng thuyền thả lưới thì họ sẽ chèo thuyền dọc theo hai bờ sông (có khi đến mấy nghìn mét). Lúc họ buông lưới là khi trăng bắt đầu lấp ló. Lưới thả xong, ngồi “bắn” dăm ba bi thuốc lào rồi quay lại thu lưới. Xong xuôi công việc thì trăng cũng vừa lặn.
Đối với những người kéo cá bằng vó thì công việc sẽ vất vả hơn. Họ phải tạo thành những chiếc bè để đứng trên đó cất vó giữa lòng hồ sâu chừng 60 - 80 mét. Chiếc bè được kết cầu kỳ và chắc chắn. Nó nằm im một chỗ giữa lòng hồ sâu mà không bị trôi, cũng không bị chìm. Đó là bí quyết của người dân chài lưới sông nước nơi đây. Nếu ai lần đầu thấy những bè vó trôi nổi giữa lòng hồ lòng sông sẽ tưởng nhầm nó được đóng chặt vào đáy sông.
Người thả lưới thì cứ ngồi trên thuyền, buông lưới hết vòng rồi quay lại thu lưới và gỡ cá từ lưới xuống khoang thuyền chở về. Còn người cất vó thì sẽ đặt vó và thắp điện làm mồi nhử cá. Điện được thắp bóng sáng ở tâm của vó. Vó có chiều dài cạnh từ 18 - 20 mét. Vì không thể mang công tơ điện dòng ra giữa lòng hồ nên khi cất vó lên, chủ yếu người dân chài phải dùng sức lực của đôi bàn tay. Chiếc quay tay sẽ quay đến khi nào chiếc vó nổi hẳn 4 góc lên trên mặt nước và cá tập trung ở giữa vó thì họ sẽ bơi thuyền vào sâu trong vó để đổ cá vào khoang thuyền. Mỗi đêm, vó được cất một lần vào khoảng 2 - 3 giờ sáng. Đây là thời điềm cá đi nhiều và sẽ tập trung vào những nơi có ánh điện sáng. Cũng có những tháng nhiều cá, một đêm người dân có thể cất 2 - 3 lần vó như thế, và lần nào cá cũng đầy khoang. Mỗi gia đình cất vó thường sắm cho mình chừng 3 - 4 cái vó lớn. Mỗi lần cất một chiếc vó thu cá xong xuôi cũng chừng một tiếng đồng hồ.
Nhọc nhằn mưu sinh
Nếu như ở các thành phố hoa lệ, đêm buông xuống vẫn còn những người bán hàng rong kĩu kịt gánh hàng buông những tiếng rao vang vọng, hay là những bác xe ôm đợi khách, những công nhân vệ sinh sột soạt quét đường thì ở miền sơn cước này, ánh điện trên sông là dấu hiệu của sự sống về đêm.
Anh Xa Văn Huy (SN 1990), là một trong những người thường thức trọn đêm với vó, chài, cũng là người dân bản trong xóm Doi, xã Hiền Lương cho chúng tôi biết: “Những ngày trời êm sông lặng gió thì thức đêm là một thói quen của nghề, không có gì phải suy nghĩ. Nhưng vào những hôm có mưa bão, lênh đênh trên sông thì gặp nhiều rủi ro. Cũng may là dân sông nước, từ bé đã biết đạp thuyền câu, bơi lặn nên chúng tôi mới sống được về đêm trên sông Đà như thế này”. Anh Huy cũng chia sẻ: “Cá nhiều nhất là vào mùa tháng 5, tháng 6, có khi một đêm cất vó 3 - 4 lần cá vẫn nặng. Nhưng cá bán được giá nhất và có thể bảo quản tốt nhất lại chủ yếu vào 3 tháng cuối năm. Lúc này thời tiết lạnh, cá vừa không bị ươn, lòng hồ ấm nên cá nằm vó và mắc lưới nhiều.
Ở dưới lòng hồ này, cá đa số là cá thiểu, cá ngạnh, cá chép, cá mè, cá quả và tôm càng. Có những khi người dân cất vó được cả những con cá chép, cá mè nặng đến 30 - 40kg. Anh Huy hồi hộp nhớ lại cách đây hai tháng, nhà ông Thái cũng là một người sống bằng nghề kéo cá đêm trên sông đã kéo được con cá mè đến 30 kg. Chiều dài của cá khi móc lên cân còn quệt cả đuôi xuống đất, phải đứng lên cao, hai người khiêng mới có thể cân được.
Cá cất lên sẽ bán vào mỗi buổi sáng tại khu chợ ngay ven sông. Người mua cá sông ở đây thường là người dân buôn từ mạn Thanh Sơn, Phú Thọ sang, cũng có những người từ ngoài thị trấn vào, thậm chí cả những người buôn từ Hòa Bình. Không phân biệt người buôn đến từ đâu nhưng cứ khoảng từ 4h - 4h30’ sáng là chợ họp. Người dưới sông mang sản phẩm đánh bắt được sau một đêm lên bãi chợ, người mua buôn từ các nơi đến. Giá cả thì hầu như đã được ấn định từ trước, lên xuống theo mùa và theo độ nặng của cá nên ít mặc cả kỳ kèo. Sau 4h 30’, chợ tan, người dân chài lại về nhà, lại lên rừng với những công việc thường nhật. Còn những người mua cá hối hả quay xe trở về để kịp giao hàng bán vào buổi sáng. Cũng có khi đến 7h, những con cá sông tươi ngon đã ung dung có mặt giữa Thủ đô Hà Nội. Nhưng đại đa số cá ở khu làng chài Hiền Lương này được cất về Việt Trì, Phú Thọ và T.P Hòa Bình.
Có những ngày được “lộc”, người dân chài cá ở khu vực lòng hồ sông Đà có thể thu lợi nhuận lên đến 6 - 7 trăm nghìn đồng. Nhưng đều đặn sau một đêm thức trọn với sông nước, họ sẽ có khoảng 1 - 2 trăm nghìn đồng bỏ túi. Như thế, ở cái xóm núi này cũng được gọi là xông xênh, khá giả rồi. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể làm cái nghề lấy đêm làm ngày này được bởi nghề đánh cá đêm vẫn nhọc nhằn với bao điều may rủi.
Thu Nhung