Em sinh năm 1984. Cũng như nhiều người phụ nữ khác, em cũng có một câu chuyện dài và buồn về cuộc sống của mình.
Em chưa từng chính thức kể lại nó cho bất kỳ ai. Mẹ, con gái và những người thân cũng như mấy cô bạn thân cũng chỉ được nghe qua loa một vài phần nhỏ trong câu chuyện của em.
Em là người vui vẻ, nhưng không dễ chia sẻ, vì vậy những chuyện ấy, em cứ định bụng sẽ chẳng kể lại làm gì. Cho đến khi em đọc những bài viết của anh, em nghĩ có thể mình sẽ chia sẻ với anh, để vơi đi những gì em còn mang trong lòng, để hằng đêm em không còn mơ thấy những cơn ác mộng ấy, để lòng em thanh thản, vui vẻ như trước kia… Và em đã quyết định viết cho anh.
Em vốn là một cô gái hay cười, chăm chỉ và nhẹ nhàng. Năm 2007 em tốt nghiệp đại học Sư phạm mầm non loại khá rồi đi làm ngoài Hà Nội. Năm 2008 em nhận công tác tại một huyện miền núi của tỉnh, về làm giáo viên mầm non, diện biên chế.
Khi ấy, lương em cao thứ 3 ở trường chỉ sau hiệu trưởng, hiệu phó vì các giáo viên khác đều diện hợp đồng. Đang tuổi nhiệt huyết nên em hăng say làm việc, tính tình lại vui vẻ hòa đồng, yêu trẻ con nên dân làng và phụ huynh rất yêu quý, phòng giáo dục lúc ấy còn chỉ định em sau khi hết thời gian thử việc sẽ đề bạt làm hiệu phó.
Năm 2009 em quen với chồng sau này và chúng em yêu nhau đến 2010 thì cưới. Nhà chồng gần ngay cạnh xã em công tác, bố công tác trong xã, chị gái và em gái đều làm giáo viên mầm non. Lúc yêu nhau em cũng hay qua nhà chơi và vui vẻ nói chuyện với mọi người. Dường như không quá khác biệt nên đôi lần bọn em giận dỗi nhưng cuối cùng vẫn quyết định cưới nhau.
Chồng hơn em hai tuổi và làm ở một sở dưới tỉnh nên em luôn nghĩ anh cũng không đến nỗi.
Khi quyết định cưới nhau em mới dần dần vỡ lẽ nhiều điều từ gia đình chồng. Gần cưới, chị chồng tìm em nói chuyện, không còn khách sáo nữa mà rất thẳng thắn: "Em lấy em trai chị, em đi làm đã mấy năm rồi, em có bao nhiêu tiền để dành?".
Khi em nói em không có vì đi làm chỉ được chút ít và hàng tháng em đều gửi tiền bố mẹ thêm vào lo cho gia đình nên không nghĩ phải để dành. Chị ấy tỏ vẻ ngờ vực, nói em keo kiệt và nói thẳng với em: "Cả nhà nuôi được mỗi nó ăn học tử tế nên em lấy nó về thì 2 năm đầu không được có con, tiền các em kiếm được phải đưa cho bố mẹ để bố mẹ lo cho các em (Dưới chồng em còn 3 em, em nhỏ nhất học lớp 12).
Em cứ ám ảnh mãi những câu nói đó, nhưng không nói gì với anh ấy cả. Cho đến sát ngày cưới, chị còn gọi 2 đứa đến nói rất nhiều nhưng em chỉ nhớ được ba việc:
- Chỉ mừng cưới bọn em số tiền bằng 1/2 tiền mua một cái đệm, vì các em có tiền rồi, không như mấy đứa em kia. Bố mẹ chồng cũng sẽ không trao gì cho con dâu vì điều đó là không cần thiết.
- 2 đứa phải trả tiền hết tất cả đồ dùng mua về, cỗ cưới…
- Không chụp ảnh cưới, mua nhẫn nhiều tiền làm gì, sau cũng chỉ để xó (Câu này sau đúng thật).
Chồng em nghe thế bực ra mặt, nói rằng không nhận quà mừng của chị và tự lo đám cưới. Em thấy chị ấy thật quá đáng, nhưng tin tưởng vào người mình sắp cưới không tệ như thế. Nhưng không lâu sau, sự tin tưởng đó cứ mất dần đi.
Anh ấy chọn gói chụp ảnh cưới ít tiền nhất, nhưng vẫn kêu ca về số tiền chụp ảnh và đỉnh điểm là mỗi người trả tiền 1 ảnh lớn treo ở gia đình hai bên. Chưa hết, anh ấy chọn cặp nhẫn cưới trị giá 700 nghìn đồng, mặc dù nhẫn của em đeo hơi lỏng, nhưng anh ấy vẫn quyết chọn. Em đã ném trả cái nhẫn và đi về, … tưởng đám cưới không diễn ra, tưởng anh ấy mua cái nhẫn khác, nhưng cuối cùng đeo vào tay em vẫn cái nhẫn ấy.
Đám cưới xong bọn em làm đúng như lời chị nói nhưng mọi sự thoải mái, lịch sự của nhà chồng trước đó bay biến đâu hết. Thay bộ váy ra, em sấp mặt dọn dẹp đến tận 9h30 phút tối, mặt mũi, đầu tóc chưa kịp gỡ xuống và tẩy trang. Chồng và gia đình chồng đang ngồi nói chuyện trên nhà, em vẫn còn nhà bếp, nồi niêu, cả sân xoong nồi bát đĩa…
Mệt mỏi, sờ vào điện thoại là cả chục cuộc gọi từ gia đình, bè bạn. Tin nhắn của chị dâu hiện lên: "Em ơi, nay mệt rồi, mọi việc để mai làm nhé, nhớ nghỉ sớm đi kẻo ốm đấy" em òa khóc nức nở. Em chưa từng nghĩ ngày cưới của mình nó như thế. Đến 10h hơn, bố chồng em bảo mẹ chồng: "Bà đưa cho con H. cái giấy để nó còn biết mà trả cho họ". Em cầm một tờ danh sách tất tần tật những gì cần mua cho một cái đám cưới, thậm chí còn có cả dầu gội đầu, sữa tắm, tăm bông…. Thật nực cười!
Chúng em cũng không có đêm tân hôn, đếm tiền trả nợ, rồi vừa thiếp đi mẹ chồng gọi em dậy: "H. ơi, dậy đi, cầm thêm con dao và cái ghế con đi theo mẹ lên nhà anh H., làm cỗ cưới con cháu. Mẹ đi một mình họ lại hỏi con dâu mới đâu", em ngước nhìn đồng hồ chỉ 3h sáng!
Cuộc sống địa ngục của em bắt đầu như thế, ông bố chồng tuyên bố trước cả nhà: "Từ giờ, mỗi tháng H. đóng cho bố mẹ 500 nghìn tiền nhà, N. không phải đóng vì nó là con trai ruột".
Em thật sự sững sờ. Từ đó, ngoài giờ em đi làm bố mẹ chồng lên lịch cho em đi làm đồng, đi chăn gà, nuôi lợn. Nhà em nuôi có thời điểm đến 20 con lợn và cả trăm con gà đẻ.
Bố chồng còn giao: "100 con gà thì ngày nào cũng phải đẻ ít nhất là 90 quả trứng. Nếu ít hơn thì chỉ chúng mày ăn". Vậy nên đã có lúc em còn phải mua thêm trứng về để lén bỏ cho đủ 90 quả.
Ngày nào cũng gọi em từ 4h30 hoặc 5h sáng làm tới 9, 10h tối chưa được nghỉ, mà em không quen với việc gì thì ông bà chì chiết. Mấy đứa em chồng muốn giúp thì ông bà tỏ vẻ không hài lòng.
Ngày nào công việc ở trường nhiều, họp hành về muộn hơn 5h chiều thì ông bà lại nói em: "Làm cái việc đó có gì mà công lên việc xuống, đi sớm về muộn vậy, chẳng qua là lười biếng trốn việc!".
Em không có ngày nào rảnh để về quê, nhà chồng cũng như chồng chẳng khi nào nhắc tới điều ấy. Đấy là chưa kể cứ thứ Bảy, Chủ Nhật thì vợ chồng chị gái sang ăn cơm, lại lo cơm nước, dọn dẹp cho sạch kẻo chị ấy lại chửi. Tiền nong đóng góp thì ông bà không nhận nhưng từ lúc em về sống cùng là giao phó tất cả chuyện mua bán ăn uống, tiền ga, điện cho em trả.
Em hết tiền lấy của chồng thì chồng eo sèo: "Đường đường một viên chức nhà nước lại ngửa tay xin tiền chồng"… Có lần hết tiền mua thức ăn nên cơm chỉ có trứng rán, tôm kho thế mà chồng em hùng hổ hất mâm cơm đi, chửi và xông vào định đánh em.
Chồng em đi làm cách nhà 35km, nên ở trọ, bình thường 1 tuần về nhà 1 lần, nhưng lấy vợ rồi thì về 2 lần, mẹ chồng em gay gắt ra mặt: "Mày gọi nó về làm gì, nó đi làm mệt mỏi phải để cho nó nghỉ ngơi…". Biết thế nhưng chồng em chẳng bao giờ thanh minh với mẹ, khi chồng đi làm là bà ấy lại lôi em ra chửi bới.
Nhà chồng có nồi cơm điện, ấm điện, bình nước nóng nhưng tất cả chỉ để trưng bày. Em luôn phải nấu cơm bằng rơm, củi, quần áo thì bắt giặt ở ao, chỉ được tráng lại bằng nước giếng. Bà chị chồng thì thỉnh thoảng lại sang bắt em phải đánh xoong, cọ nồi, có tý nhọ nồi cũng đem ra chửi bới, nói em vô giáo dục…
Em sống thật khổ sở, u uất mà không dám nói với ai, không kể lại được với ai. Vài lần kể với chồng thì bị chồng dạy thêm cho cách phục vụ nhà chồng như thế nào cho tốt. Dần dần em lầm lũi như cái bóng, sụt từ 45 kg đến 37kg trong vòng 4 tháng trời, sau đó thì em mang bầu. Chị chồng và mẹ chồng không thích ra mặt, kiểu như có bầu thì không làm được nhiều cho nhà chồng vậy.
Bố chồng gọi hai vợ chồng em bảo: "Nhà có cái móng nhà ngoài mặt đường, có tiền thì 2 vợ chồng thêm vào với bố mẹ xây cái nhà, mai kia H. nó đẻ thì ra đấy mà ở". Nói thêm vào chứ ông bà chỉ là phụ vào trông thợ xây thôi.
Em biết thế nhưng cũng mừng lắm, cố gắng cùng chồng xoay xở để dựng lên cái nhà ống, nhà cửa bếp núc, bể nước đầy đủ, đồ đạc sắm đâu ra đấy, những tưởng sẽ được ra đó ở riêng thì gia đình sẽ khác trước, vợ chồng con cái vui vẻ.
Trong thời gian bầu bí chẳng nề hà việc gì, chỉ mong xây xong nhà là vui rồi. Nhà xây xong cũng là lúc em trai chồng nói chuyện muốn cưới vợ (Cậu em này tử tế và làm nghề sửa xe máy). Lúc em sinh bé được 20 ngày thì gia đình cưới vợ cho chú ấy.
Chồng em nói với bố, xin ra ở cái nhà đó vì đằng nào chú ấy cưới về rồi thì cũng để chú ấy ở đây. Khi ấy, thật bất ngờ, chị chồng em lên tiếng:" Vợ mày mới sinh, ai cho ra nhà mới. Kiêng!" Còn ông bố chồng thì nói toẹt ra:" Cái nhà ấy của tao, tao muốn cho đứa nào ở là do tao. Cái nhà ấy ngoài mặt đường, thằng M. nó cần hơn chúng mày. Mai kia thằng M. ở đó, vợ chồng chúng mày phải ở đây với chúng tao còn lo cho chúng tao!". Chồng em cũng không nói gì thêm.
Lại nói, em đi sinh cháu, vì quá gầy yếu không có sức nên em phải mổ, mẹ đẻ thì gãy tay không lên được, mẹ chồng chăm 7 ngày, bố chồng bắt vợ chồng em trả 3.700.000 đồng. Là 500.000 đồng/1 ngày và 200.000 đồng tiền mẹ chồng ăn uống. Đến lúc em đi làm trở lại thì nhờ bà trông cháu, ngoài tiền chi ăn uống ra mỗi tháng phải trả cho mẹ chồng 700.000 đồng. Em đi mổ ruột thừa về thì ông bảo: "Mày được mọi người đến thăm cũng vì mày là con dâu tao. Thế họ đến thăm mày được bao nhiêu?". Biết ý, em cầm cả lên đưa cho ông.
Nghĩ đến con lại chảy nước mắt, có ai nuôi con nhỏ mà ngay thời gian ở cữ đã phải cho con nằm 1 mình, rồi dậy từ 5h sáng nấu cơm nước cho cả nhà, giặt giũ, quét dọn, gà lợn cho cả nhà.
Ngày em bắt đầu đi làm trở lại, vợ chồng em nhờ ông bà trông cháu. Bà trông con gái em thì đòi đóng cho nó một cái cũi, thế là vì con ngoan không khóc nên ông bà cho vào cũi rồi mở ti vi hát chèo, cải lương cả buổi, ông bà thì làm việc quanh nhà. Con gái được 10 tháng thì bập bẹ nói, 13 tháng là nói tốt rồi, thế mà 17 tháng đột nhiên không nói, 19 tháng thấy có dấu hiệu bất thường, em cho đi khám thì bị rối loạn ngôn ngữ, tự kỷ nhẹ và suy dinh dưỡng độ 1. Em và chồng cho đi khám tại viện Nhi trung ương và viện 103 đều kết luận như vậy.
Cho con về và tâm niệm rằng mình phải cố gắng điều trị cho con, phải ở cạnh con dạy con nói, phải cho con uống thuốc… Nhưng không thành công. Mẹ chồng và chị chồng đều nói: "Chưa nói được ở tuổi đó là bình thường, cho nó uống thuốc là hại nó". Rồi mỗi lần pha thuốc cho con như một tên ăn trộm, bà bắt gặp là giằng lấy, đổ thuốc đi, rồi chửi bới.
Chồng em biết chuyện nhưng mặc kệ, tự cho vợ xử lý cứ như không phải là chuyện của mình. Về sau, thật may mắn là mẹ em bắt em đưa cháu về ngoại, bố mẹ em tự chăm sóc, cho cháu uống thuốc và dạy cháu, cuối cùng cháu khỏi bệnh như một phép màu.
Về chồng em thì em bây giờ không biết phải dùng từ gì để miêu tả. Đó là một người quá gia trưởng, kém hiểu biết, chỉ biết nói và không thực hiện. Khi lấy em về, vẫn rất nghiện thuốc lá, rượu thì luôn trong trạng thái say khướt, cũng bài bạc và mất nhiều tiền.
Lấy tiền công trình về có lần cả trăm triệu nhưng chưa bao giờ thấy đưa cho vợ, không mua gì cho con mà chỉ chia phần ra: Chỗ này biếu ông bà, chỗ này cho em gái, chị gái, chỗ này cho chú út… Ngay cả việc cơ quan cho gia đình đi du lịch thì vợ con cũng không có trong danh sách ấy, khi thì mời bố, khi thì em trai có lần thì còn định cho cả đứa cháu con chị gái…
Biết chồng sạch sẽ nên em luôn là quần áo thẳng tắp, thơm tho, đánh giầy cho chồng sạch bóng. Nhưng có khi nào vì sạch quá mà chồng em đã nói thẳng với em là đừng bảo anh bế con, anh chỉ bế khi nó sạch và khi nó khỏe (tức là bị ốm thì mình em trông).
Một từ ích kỷ không đủ để nói về chồng em, lần em bầu bí do làm nhiều quá và thể trạng yếu nên bị dọa sảy thai, bác em bắt mạch, kê thuốc và dặn em đừng có làm việc gì quá nặng, đừng mang xách gì quá 3 kg. Nghe thấy thế chồng em nói: "Vậy cô chỉ việc ngồi một chỗ, đừng làm gì để mẹ tôi hầu à? Nhà này không có chuyện đó đâu!".
Một lần khác, khi bé nhà em chưa tròn 2 tuổi bị sốt, cháu sốt về đêm nhiều nên em phải bế rong con suốt đêm, tầm gần 4h sáng thấy con ngủ yên mới nhẹ nhàng ôm con ngồi tựa vào thành giường để ngủ một chút, ai ngờ con khóc toáng lên, chồng em giật mình dậy, đã giơ chân đạp hai mẹ con lăn xuống đất. Con em hoảng quá khóc to hơn, em thương con và vô cùng uất ức.
Chồng em, chưa từng mua gì cho con em cả. Nói ra mồm rằng: "Vợ bầu, định mua cho vợ con chim bồ câu hầm nhưng nghĩ bụng bố mẹ còn chưa được ăn nên thôi".
Nói thật với anh em không hiểu sao lại lấy được một người như thế, và lạ là em chấp nhận những việc đó mà không cãi vã, em thậm chí còn rất chiều chồng: Mua quần áo đắt tiền cho chồng, nấu những món chồng thích ăn, và nấu ngon nên chồng rất thích, nhưng cũng chỉ dừng lại ở rất thích mà thôi, chứ chả bao giờ vì thế mà thương hai mẹ con, vì thế mà thay đổi.
Cứ mỗi lần làm việc gì anh ta chẳng tự quyết mà sẽ đi hỏi chị gái, đến việc em mua gì, chăm con thế nào cho con uống thuốc gì cũng bắt phải hỏi, mà nếu có hỏi thì chị ấy sẽ nói sao cái gì cũng hỏi nhưng nếu em tự ý làm thì cho rằng em tự tung tự tác, qua mặt nhà chồng…
Cuộc sống ở chung như vậy quá ngột ngạt, là giáo viên mà em sợ nhất nghỉ hè, nghỉ hè với em là những ngày đáng sợ, không được cho con về ngoại chơi mà phải bỏ con 1 mình để làm cho bằng hết việc nhà. Nếu không là hôm đó cơm không lành, canh không ngọt. Cuối cùng thì vì cuộc sống bế tắc đó em đã hai lần từ chối cơ hội lên hiệu phó.
Em đã nhiều lần nói chuyện với chồng về những rắc rối đó, hỏi xem có cách gì để giải quyết cho cả nhà vui vẻ, con cái được chăm lo cho tốt không, nhưng không lần nào là không nghe chửi, với anh ta thì em phải ở đây, chăm lo cho bố mẹ chồng, nhưng nhận lại là gì? Là sự ghét bỏ, không chia sẻ của cả nhà, rồi con bé chẳng được chăm sóc, em rất buồn, em bế tắc thật sự.
Rồi em nghĩ ra cách xin chuyển trường xuống 1 xã thật xa nhà chồng, cách 20km để tự tách ra ở riêng. Chồng biết chuyện thì bực tức rồi nghe gia đình chồng nói vào nữa nên ngày em về trường mới là ngày vô cùng xấu hổ với đồng nghiệp vì chồng em hai tay hai con dao đứng gọi em ở cổng trường.
Con gái gần 3 tuổi, em đã phải địu lên lưng, nhờ các cô trong trường dẫn đi lối tắt, phóng xe về nhà chồng để bố chồng giải quyết. Khi về nhà, nhìn thấy em, anh ta lại đe dọa, mắng chửi. Lần đó bố mẹ chồng cũng chửi bới rất nhiều, dù rất sợ nhưng việc em đã chuyển nên em vẫn nhất quyết trở lại nhà trọ làm việc.
Ở riêng thật thoải mái, chồng em đi làm gần thêm 15km chứ không phải đi xa hơn trước. Thứ 7, Chủ Nhật hoặc có việc gì là vợ chồng em lại cho con về nhà chồng, mặc dù chẳng vui vẻ gì nhưng em cũng luôn cho con về thăm ông bà, rồi làm được gì là làm cho ông bà. Nhưng cứ lúc trở lại nhà trọ là chồng em sinh sự, chửi bới và đánh em.
Lúc ở chung cũng từng đánh em nhưng em biết có nói ra cũng chẳng ai thương nên em chỉ khóc một mình, sau xuống có 2 vợ chồng thì đánh em càng dã man hơn. Đỉnh điểm của việc đó là tối hôm Chủ Nhật tháng 7/2014. Thứ 7 cả nhà về nhà chồng có đám cưới, chiều chủ nhật dọn dẹp xong em cho con về nhà trọ, chồng em nói còn đi đám cưới bạn nên không về cùng.
Tối trời trở mưa to, em sợ chồng say sưa mà đi ướt thì dễ cảm nên lấy điện thoại gọi cho bố chồng nói anh cứ ở đấy, sáng mai đi làm kẻo về mưa gió thì khổ lắm. Ông ừ một tiếng rồi thôi, em chưa kịp tắt máy thì nghe rầm 1 tiếng, cửa nhà trọ rung lên, con em khóc thét lên. Em bỏ điện thoại vào túi quần vội ôm lấy con ra mở cửa. Vì thế mà cuộc gọi vẫn đang tiếp tục anh ạ!
Mở cửa ra là chồng em phi cả xe lên trên nhà, tay gạt mạnh vào mặt em và con. Trong đầu khi ấy chỉ nghĩ chồng say rượu, nhưng không. Gạt chân chống xe là lao vào tát em, đánh em túi bụi, em lịm đi không biết gì nữa.
Lúc tỉnh dậy thấy con ngồi cạnh khóc không ra tiếng, còn em nằm dưới nền nhà. Em vội bò dậy hỏi: “Anh ơi, anh sao vậy? anh uống say quá à?” Anh ta tiếp tục lao đến túm tóc em và đe nẹt nói vì em mà mọi người nói anh ấy sợ vợ, không làm được gì. Chưa dừng ở đó, anh ta chạy xuống bếp, cầm dao lên…
Con em hoảng quá, vội ôm cổ em lắc đầu, nước mắt giàn giụa trông rất tội nghiệp. Em không dậy được, em không thể nói được một câu nào vì tự dưng thấy cổ họng tắc nghẹn. Lúc ấy, may mắn vì con ôm cổ em, nếu không thì chắc chắn con dao đã chém xuống.
Anh ta như con thú hung hãn và tát liên tục vào mặt em và con. Ngoài trời mưa xối xả, em ở cạnh gia đình có 1 cụ ông đã ngoài 70 tuổi bị điếc, không ai nghe thấy gì hết, nhưng điện thoại em vẫn chạy, cuộc gọi vẫn đếm giây. Lần 2 khi em tỉnh dậy thì đã thấy anh ta ngồi trên ghế, bên cạnh em là con gái và 1 bình gas.
Nhưng chắc cũng do trời thương, gas thì đã vặn rồi, cửa trước đã khóa trái, anh ta đang đi tìm bật lửa, anh ta là người nghiện thuốc lá như thế mà hôm đó tìm khắp túi quần túi áo đều không thấy bật lửa. Anh ta nghĩ ra dưới bếp chắc sẽ có nên chạy xuống bếp tìm.
Em khi ấy nghĩ, mình phải chạy ra khỏi đây nên vội dậy, tìm được chìa khóa mở cửa và ôm con chạy ra ngoài, trời mưa như trút nước. Ra đến ngoài hiên thì anh ta đã chạy lên và đạp em với con gái ngã nhào xuống sân rồi tiến lại túm lấy mớ tóc rối xù của em nắm chặt, lôi em vào trong nhà đánh, tát…
Đột nhiên có tiếng xe máy đến, 2 cái xe máy và 4 người mặc áo mưa. Đó chính là anh rể, em gái, em rể và em trai anh ta xuống. Sự việc bày ra trước mắt như thế, con gái em hoảng hồn ướt nhép ngồi bên em, em thì mặt mày máu me, tóc tai rối xù, người sũng nước. Nhưng chồng em vừa nghe đứa em gái nói: "Bố nghe thấy anh chị đánh nhau nên bảo chúng em xuống" thì tát em 1 cái và chất vấn vì sao gọi cho bố mẹ chồng. Mà thú thực em cũng không hiểu nổi vì sao có chuyện ấy, về sau khi xem điện thoại mới vỡ lẽ ra!
Mọi người nói 2 vợ chồng em thu dọn rồi về nhà ngay để bố giải quyết nhưng không ai hỏi em xem em có đau không? Vì sao nên nông nỗi ấy? Rồi tự nhiên anh ta bắt em phải quỳ xuống xin lỗi anh ta thì mới cho em về nhà, nếu không sẽ không cho về và đánh tiếp.
Em thực sự sợ hãi, thực sự mệt mỏi, em lại nhìn thấy con em hoảng hốt ngồi bẹp dúm bên cạnh thấy sao cuộc đời đáng thương thế này, em đành quỳ xuống xin. Nhưng chưa kịp nói câu nào thì em trai tiến lại kéo em đứng dậy và nói: "Chị đứng lên đi, sao chị khổ quá vậy? Chị hãy bỏ chồng đi để nuôi con thành người. Chị bỏ chồng có pháp luật chứng kiến là được, là anh trai tôi nên tôi không bỏ được chứ không thì…".
Nói đến đó là anh ta tức giận đòi đánh em trai. Em như bừng tỉnh từ những lời nói đó, đúng như vậy, tại sao em lại cứ sống như vậy, em đi làm có tiền, em không sống phụ thuộc, tại sao em lại phải cố sống khổ sở như vậy để chỉ mong cho con em có 1 người bố, một người tàn tệ như thế.
Anh ạ! Em chưa từng nghĩ mình sống tốt thế này mà lại gặp phải một gia đình như vậy, một gia đình có cả bố, mẹ, và chị em nhà chồng đều đối xử với mình như thế. Chồng em đối với em như nào thì em không thể định nghĩa nổi. Và em quyết tâm chia tay chồng. Bố chồng biết còn thách thức con trai ông ta sẽ khiến em không bỏ được chồng mà sống không bằng chết.
Và sự hèn hạ của anh ta còn thể hiện ở chuyện cố tình ngã giá nuôi con với tòa để không phải đóng góp tiền nuôi con, hoặc góp sao cho ít nhất. Em nói trước tòa là không cần anh ta có trách nhiệm, nhưng cuối cùng tòa quyết là 500 nghìn đồng/1 tháng, tức là chưa bằng mức thấp nhất tòa quy định (Thấp nhất là 1/2 tháng lương cơ bản, khi ấy mức lương cơ bản là 1150 nghìn đồng).
May mắn cuối cùng thì em cũng gặp nhiều người tốt giúp đỡ cho em ly hôn thuận tiện. Em và con gái sống với nhau, còn anh ta thỉnh thoảng lại đến xin lỗi, xin quay lại, xin em nghĩ lại để cho con có đủ bố mẹ. Được hai năm như thế rồi anh ta cũng đi lấy vợ, một cô cũng có 1 đời chồng và đang nuôi 1 cậu con trai. Như thế là em hết duyên phận với con người ác quỷ đó.
Em chuyển công tác về thành phố sống, hai mẹ con vẫn phải thuê nhà nhưng rất thoải mái, con gái em rất vui vẻ, hiểu chuyện, học hành tiến bộ. Chỉ có điều ký ức địa ngục đó luôn tồn tại trong tâm trí em. Gần như tháng nào em cũng mơ thấy những cơn ác mộng đó. Khi thì mơ mình vẫn sống trong ngôi nhà đó, đang cặm cụi làm việc, khi thì mơ thấy những trận đòn oan ức, khi thì mơ thấy mình đi ra hồ gần nhà chồng để tự tử mà không thành, lúc lại mơ thấy bà mẹ chồng gọi em thất thanh buổi sáng. Sau mỗi cơn mơ là cả một ký ức đau buồn sợ hãi hiện về. Em vẫn không yên ổn. Cho đến bây giờ em đã ly hôn được gần 7 năm rồi, anh ta 1 năm đôi ba lần tìm gặp con, tiền nuôi con lúc gửi, lúc không, tuy thế, em vẫn luôn ám ảnh về cuộc sống ngày trước, vẫn rất sợ gặp lại anh ta.
Về công việc em vẫn rất ổn, sống không gần gia đình nhưng gặp toàn người tốt, đùm bọc giúp đỡ mẹ con em. Cũng có nhiều người hiểu em muốn mai mối cho em vì nghĩ rằng em còn trẻ, em là người tốt, công việc lại ổn định. Nhưng em luôn sợ và né tránh. Thực tình bây giờ chỉ mong hai mẹ con có một cuộc sống yên ổn anh ạ!
Có khi đây là bức thư anh nhận được từ người lạ dài nhất từ trước tới giờ nhỉ. 9 trang giấy A4, đọc đến đây anh sẽ thắc mắc tại sao em không kể lại cho gia đình? Bạn bè em đâu? Sao em không phản kháng?...
Gia đình em ở cách nhà chồng 60km, mẹ em huyết áp cao, cũng vài lần lên thăm con và ở lại rồi chứng kiến con khổ sở thì mẹ em lại tăng xông, rồi không muốn mẹ nghĩ ngợi nên em không cho mẹ lên nữa, bố em rất lành, chả biết gặp họ có nói lại được họ không. Anh trai thì đi bộ đội biền biệt, nghĩ thế nên em cứ giấu kín với gia đình. Bạn bè thì không giúp được gì cả.
Có lần bố chồng nói oan cho em, em không nhận mà nói lại thì bà mẹ chồng càng nói thêm. Em không dám thổ lộ cùng đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng cũng không, vì em ở nơi khác đến và người nhà chồng em thì quen cả xã. Lúc đó thực sự em rất cô độc. Đã có nhiều lần em bế tắc rồi nghĩ đến cái chết, cũng vài ba lần ra cái hồ gần nhà chồng đứng nhưng may mắn là em lại quay về.
Cảm ơn anh vì đã đọc đến đây! Câu chuyện của em thật dài và buồn. Hôm nay em đã dũng cảm trải lòng với anh, dù anh có lời khuyên nào cho em hay không thì em thấy như thế đã đủ rồi.
Em hy vọng rằng nói ra những lời này với anh em sẽ thanh thản hơn, em sẽ buông bỏ được những nỗi buồn trong lòng mà em đã giấu kín bao nhiêu năm nay. Em cũng hy vọng sẽ không còn những cơn ác mộng đó nữa.