Gắn bó với húng Láng từ trong bụng mẹ
Bên luống rau cạnh đường, cụ Nguyễn Thị Sói miệt mài trồng thêm luống húng Láng mới. Dù đã vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn nhanh nhẹn với giọng nói sang sảng, khỏe mạnh. Bố mẹ cụ là người Kẻ Láng, ngay từ ngày còn bé, cụ đã theo mẹ ra đồng nhặt cỏ, tưới nước cho cây. Tình yêu với loại rau tiến vua còn được cụ Sói truyền lại cho người con gái út của mình. Hàng ngày, trên mảnh đất cạnh chùa Láng, người ta luôn thấy hai người phụ nữ một già, một trẻ cần mẫn chăm sóc từng cây húng Láng.
Cụ Sói còn cho biết, mỗi khi nhìn thấy cây húng Láng héo hon, cụ thấy buồn vô cùng. Đưa tay chỉ về luống rau vừa bị trộm viếng thăm, cụ nói: “Vườn rau của gia đình tôi gần đường, hay bị mất trộm lắm. Mình nâng niu là thế, vậy mà bọn trộm tàn phá không thương tiếc, chúng dùng liềm cắt lấy được. Nhìn những gốc trơ trụi, bị cắt nham nhở, tôi thấy đau xót vô cùng”.
Trăn trở với loài cây khó tính
Theo những người làng Láng, húng Láng là loài cây khá khó tính bởi nó kén đất, kén nước, khi chăm sóc chỉ cần sơ xảy là cây khô héo và chết. Thế nên, người Kẻ Láng luôn tự hào với kỹ thuật chăm sóc cây “cha truyền con nối” ấy. Nói về điều này, cụ Sói chia sẻ thêm: Loại cây này không ưa phân hóa học. Mỗi khi chăm sóc, phải nâng niu, giữ gìn như ngọc và phải tưới nước đều đặn ngày vài lần.
Rau húng Láng trồng ở đây có mùi thơm đặc biệt, khác hẳn với rau húng trồng ở các nơi khác. Cụ Ngô Văn Lộc, 77 tuổi phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội rất tự hào: “Rau húng Láng trồng nơi khác có vị đắng, nhạt, mùi thơm hăng hắc, lá to và cọng dầy. Ngược lại, húng Láng trồng đất Láng có hương thơm dịu, thoang thoảng, không cay. Lúc còn trẻ, tôi có mang húng Láng của gia đình lên Thái Nguyên trồng, cũng bỏ công chăm sóc tỷ mẩn như ở nhà nhưng đến khi ăn thì không muốn ăn. Kể từ đấy, đi đâu, tôi cũng tự hào không nơi nào có loại rau húng Láng ngon như ở làng Láng”.
Trước kia, húng Láng được trồng dọc theo con sông Tô Lịch kéo dài tới tận Ngã Tư Sở với màu xanh non bạt ngàn... Nhưng hiện tại, cả làng chỉ còn mảnh đất sát chùa Láng là còn giữ lại được 2.000m2 để trồng loại rau quý này. Theo lời cụ Sói, số gia đình chính thức trồng húng Láng giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trên thực tế, cây húng Láng không đem lại giá trị kinh tế cao nhưng đây là đặc sản, là tiếng thơm của làng Láng do cha ông bao đời gây dựng nên phải giữ gìn. Nhiều người lo ngại, chẳng biết mảnh đất này còn tồn tại được bao lâu, khi những người nông dân cuối cùng của làng Láng không còn đủ sức khỏe.
Hà Nội lên kế hoạch chi 2 tỉ đồng bảo tồn húng Láng Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp sở ngành và UBND quận Đống Đa thực hiện kế hoạch bảo tồn, lưu giữ, phát triển cây húng Láng. Theo đó, sẽ thực hiện bảo tồn chuyển vị tại ngân hàng gen của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phục tráng giống và gửi bảo tồn nguồn gen. |
Hồng Mây